Vẹn nguyên một khát vọng

Cả 10 năm nay, bóng chuyền nữ Việt Nam luôn tìm cách qua mặt Thái Lan ở đấu trường SEA Games, nhưng chưa một lần thành công. Đội tuyển nam cũng từng có cú tấn công chớp nhoáng ở Thái Lan năm 2007, tiếc là bị Indonesia ngáng đường. Bóng chuyền Việt Nam đến giờ vẫn đau đáu một giấc mơ vàng…
Vẹn nguyên một khát vọng

Cả 10 năm nay, bóng chuyền nữ Việt Nam luôn tìm cách qua mặt Thái Lan ở đấu trường SEA Games, nhưng chưa một lần thành công. Đội tuyển nam cũng từng có cú tấn công chớp nhoáng ở Thái Lan năm 2007, tiếc là bị Indonesia ngáng đường. Bóng chuyền Việt Nam đến giờ vẫn đau đáu một giấc mơ vàng…

1. Các “chân dài bóng chuyền” mà không đoạt HCB trên đất Myanmar thì coi như thất bại thê thảm. Ở Đông Nam Á, bóng chuyền nữ trong vòng 10 năm trở lại đây, ngoại trừ Thái Lan, chưa có “đối thủ” nào sánh được với các cô gái Việt Nam. Kể từ SEA Games năm 2003 diễn ra trên sân nhà đến nay, Việt Nam chưa hề để vuột tấm HCB khỏi tay. Sau ngần ấy thời gian, cả khu vực vẫn phải núp dưới cái bóng của người Thái, dù nếu so sánh về nguồn nhân lực, bóng chuyền nữ Việt Nam không hề thua kém họ. Tiếc rằng, chiến lược đào tạo và gìn giữ tài năng của Việt Nam, từ cấp CLB đến đội tuyển quốc gia chưa được tốt như Thái Lan.

Bóng chuyền nữ Việt Nam không thiếu tài năng, nhưng vẫn chưa thực hiện được ước mơ HCV khu vực. Ảnh: QUANG THẮNG

Bóng chuyền nữ Việt Nam không thiếu tài năng, nhưng vẫn chưa thực hiện được ước mơ HCV khu vực. Ảnh: QUANG THẮNG

Những nhà chuyên môn lâu nay vẫn thường nói vui với nhau rằng đội tuyển nữ không cần thiết phải dùng đến chuyên gia nước ngoài, dùng bất kỳ HLV nào trong nước cũng đều lấy được HCB ở SEA Games. Lấy HCV mới khó, mới cần một cuộc đầu tư dài hơi, khoa học và sự trợ lực từ các ông thầy ngoại. Thực tế, đúng là sau nhiều lần sử dụng chuyên gia nước ngoài mang tính thời vụ, thành tích của đội tuyển nữ cũng chỉ là “chuyên gia về nhì” ở khu vực, chơi tàm tạm ở châu Á và vẫn không đủ tầm đua tranh tấm vé dự sân chơi danh giá World Cup.

Mà nào phải chúng ta thiếu thốn tài năng trong vòng 10 năm qua. Hà Thu Dậu, Trần Hiền, Đặng Hồng, Kim Huệ, Ngọc Hoa, Phạm Yến, Diệu Châu, Đỗ Minh, Trà Giang, Thu Trang… là những gương mặt nổi bật và mang tính kế thừa hoàn hảo, nổi danh trong nước và đã tạo được tiếng vang ở đấu trường quốc tế. Bóng chuyền nữ Việt Nam có vị thế đáng nể ở khu vực và thậm chí là châu Á, nhưng lại luôn đứng sau người Thái quá lâu (dù có lúc Việt Nam đã tạo được thế cạnh tranh ngang ngửa với họ), thì giấc mơ HCV vẫn mãi chỉ là một giấc mơ, bởi tư duy, cách làm không thể hiện được sự đột phá mạnh bạo…

2. Trật tự bóng chuyền khu vực Đông Nam Á vừa được sắp xếp ở vòng loại giải vô địch thế giới 2014 diễn ra cách đây chưa lâu, dẫn đầu vẫn là Thái Lan, kế đến là Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Vì vậy, đội tuyển bóng chuyền nam của Việt Nam nếu muốn thay đổi trật tự đó, trở lại với vị trí thứ ba quen thuộc hay mạnh mẽ hơn là tranh chấp HCV ở SEA Games 27 cùng Thái Lan và Indonesia, tham vọng phải được chứng minh theo cách khác. Cú đột phá ngoạn mục 6 năm trước ở Thái Lan nhờ màn trình diễn ấn tượng của “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều, đội tuyển bóng chuyền nam của Việt Nam đoạt HCB lần đầu tiên trong lịch sử. Ông Trần Minh Khang, vị “phó tướng” hồi đó, giờ đây mỗi khi nhắc lại chuyện này vẫn tỏ ra tiếc nuối: “Lẽ ra bóng chuyền nam đã có được tấm HCV rồi đấy chứ. Tiếc quá, vì chúng ta đã quá chủ quan trước Indonesia ở trận chung kết…”.

Sáu năm sau, Ngô Văn Kiều rút lui vì xuống sức và đội tuyển bóng chuyền nam của Việt Nam đến Myanmar năm 2013 lần đầu tiên không có chủ công từng khiến người Thái, Indonesia phải kiêng dè. Kể ra cũng là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, đội tuyển được khoác chiếc áo mới với những gương mặt trẻ trung và tài năng như Hoàng Thương, Văn Phương, Thái Hưng, Thanh Thuận… bên cạnh những gương mặt đã khẳng định được năng lực của mình như Hữu Hà, Quang Khánh, Văn Đức.

Kết quả bốc thăm đưa thầy trò HLV Phùng Công Hưng rơi vào bảng A cùng Indonesia và Lào, nên 1 trong 2 tấm vé đi tiếp dành cho đội tuyển Việt Nam đã hiển hiện trước mắt. Vấn đề là Hữu Hà cùng các đồng đội xếp nhất hay nhì bảng, chọn Thái Lan hay Myanmar làm đối thủ cho vòng bán kết (bảng B có Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Campuchia). Tranh HCĐ là chỉ tiêu dành cho đội tuyển nam, nhưng nếu cải thiện được những điểm yếu cố hữu của mình (chuyền 1, các miếng phối hợp tấn công, phòng thủ hàng sau…) rất có thể màu của tấm huy chương sẽ khác, hy vọng là vậy!

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục