Cám cảnh cho quần vợt Việt Nam

Một chuyện đáng buồn cho quần vợt Việt Nam vừa qua là chúng ta không có mặt ở Asian Games lần thứ 17 tại Incheon (Hàn Quốc). Đây thực sự là điều không ai mong muốn, nhưng thực tế thì phải chấp nhận. Chẳng cần phải là nhà chuyên môn, mà chỉ là người hâm mộ đơn thuần thôi thì ai cũng thấy sân chơi ở Asian Games là quá tầm với các tay vợt Việt Nam từ hàng chục năm nay. Lâu nay người ta vẫn nói câu cửa miệng là đi để cọ xát, để học hỏi, nhưng thử hỏi nếu có tham dự thì các tay vợt Việt Nam sẽ học hỏi được gì khi mà sự chênh lệch về trình độ và đẳng cấp là quá lớn.

Nghĩ đến quần vợt Việt Nam, không thể không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng. Vẫn biết mọi sự so sánh chỉ là tương đối và đôi lúc có phần khập khiễng, nhưng vẫn phải nói đến chuyện dư luận Nhật đang lên cơn sốt với hiện tượng Nishikori khi tay vợt này làm nên lịch sử không chỉ cho quần vợt Nhật, mà còn cả châu Á, ở giải Mỹ mở rộng. Đơn thân độc mã đến Mỹ năm 14 tuổi để theo đuổi nghiệp quần vợt, 11 năm sau Nishikori đã là tên tuổi lớn trong làng banh nỉ thế giới.

Lý Hoàng Nam là chỗ dựa duy nhất của quần vợt Việt Nam lúc này. Ảnh: Quang Trực

Ngoài Nishikori, còn không ít tay vợt khác của châu Á cũng ra nước ngoài tu nghiệp và đã thành danh, dù mức độ thành công không chói lọi như tài năng của Nhật. Đấy là Lu Yen-Hsun (Đài Loan, hạng 37 TG), Soeda (hạng 106), Tatsuma (cùng của Nhật, 114), Jimmy Wang (Đài Loan, 137), Udomchoke, (Thái Lan, 293), Rungkat (Indonesia, 661)… Trong khi đó Việt Nam chỉ có duy nhất Lý Hoàng Nam là có tên trong bảng xếp hạng ATP, nhưng ở mãi hạng 1.589. Vậy câu hỏi được đặt ra: tại sao rất nhiều tay vợt châu Á ít nhiều đều thành công khi theo đuổi sự nghiệp nhà nghề, trong khi các tay vợt Việt Nam lại không được như thế, dù cũng có những người đã ra nước ngoài tu nghiệp?

Đấy là câu hỏi mà những người có trách nhiệm phải tìm ra câu trả lời. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh: thành công của quần vợt các nước châu Á xuất phát từ bệ phóng là sự hậu thuẫn mạnh mẽ của liên đoàn quần vợt quốc gia hay vùng lãnh thổ đó, cộng thêm phần đóng góp của gia đình và các nhà tài trợ. Còn ở Việt Nam, có được vế này thì mất vế kia, trong đó nặng nề nhất là vai trò hậu thuẫn của liên đoàn hết sức mờ nhạt. Người ta cứ kêu gọi đẩy mạnh xã hội hóa môn quần vợt và thực tế là có xã hội hóa thật, nhưng chỉ nửa vời.

Không ai phủ nhận bộ máy mới của liên đoàn kể từ khi có tổng thư ký mới đã làm được một số điều tích cực. Chỉ đáng tiếc rằng tất cả chỉ là bề nổi chứ không đi vào chiều sâu. Thay vì góp phần đưa quần vợt đỉnh cao của Việt Nam tiến bộ thì đọng lại lớn nhất lại là những tranh cãi, bất đồng không đáng có. Mâu thuẫn tồn tại trong chính nội tại, làm kìm hãm sự phát triển và nó xuất phát từ chính cách làm của những người có trách nhiệm ở liên đoàn!

Gia Mẫn

Tin cùng chuyên mục