Đại hội TDTT toàn quốc lần 7 năm 2014: Quần vợt sẽ có chuyển nhượng VĐV

Bên lề giải quần vợt thuộc Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014 đang thi đấu tại Hà Nội, phóng viên SGGP Thể Thao đã có trao đổi với TTK Liên đoàn Quần vợt Việt Nam - ông Nguyễn Quốc Kỳ.

Bên lề giải quần vợt thuộc Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014 đang thi đấu tại Hà Nội, phóng viên SGGP Thể Thao đã có trao đổi với TTK Liên đoàn Quần vợt Việt Nam - ông Nguyễn Quốc Kỳ.

* Môn quần vợt diễn ra sớm hơn so với thời điểm chính của Đại hội TDTT toàn quốc ở Nam Định (tháng 12). Phải chăng, vì sớm quá nên khán giả sẽ không đến nhà thi đấu đông đảo để theo dõi?

- Đại hội TDTT toàn quốc không chỉ có riêng môn quần vợt. Chúng ta thấy đã có một số môn tổ chức trước rồi. Theo lịch của ban tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc thì tới đây còn nhiều môn nữa tổ chức trước. Ở môn quần vợt, đối với các đoàn, lịch thi đấu đã thông báo từ đầu năm rồi nên tất cả đều có sự chuẩn bị lực lượng. Nhưng rõ ràng có sự thiệt thòi đối với khán giả, nếu tổ chức đúng thời điểm chính của đại hội thì có thể sẽ đông đảo hơn. Tuy vậy chúng ta thấy rằng ngày 20-12 tới đây, các VĐV bước vào thi đấu giải các tay vợt xuất sắc ở TPHCM nên nếu không tính toán kỹ lịch thi đấu thì VĐV có thể sẽ không đủ thể lực. Thời điểm này tôi thấy lịch thi đấu là phù hợp cho VĐV.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (bìa phải) - TTK Liên đoàn Quần vợt Việt Nam.

* Yếu tố thành tích chuyên môn của VĐV chỉ là một phần, thành tích huy chương đối với các đơn vị cũng rất quan trọng, do Đại hội TDTT toàn quốc là cơ hội giúp các đơn vị đánh giá công tác đào tạo huấn luyện sau 4 năm, ông nhận định ra sao về lực lượng các đoàn năm nay?

- Phải nói là các đơn vị chuẩn bị khá kỹ. Tất cả đều có đầu tư cho VĐV, có đơn vị cho VĐV ra nước ngoài, thuê chuyên gia ngoại. Điều này cho thấy các đơn vị rất nghiêm túc trong đầu tư với quần vợt và hứa hẹn nhiều trận đấu sôi nổi hấp dẫn. Trong việc nhìn lại và đánh giá hiệu quả sau 4 năm thì bản chất của quần vợt những năm gần đây cũng thể hiện được VĐV đang tăng lên về chuyên môn và số lượng. Điều này cho phép ta hy vọng tiếp tục có một lứa VĐV tốt cho quần vợt Việt Nam như thế hệ vàng các tay vợt trước kia.

* Do tính chất đó, một số đơn vị chưa thể có VĐV tốt ngay nên dẫn tới đi thuê, mượn VĐV từ địa phương khác về thi đấu. Môn quần vợt tại Đại hội TDTT toàn quốc năm nay có nhiều trường hợp như vậy không?

- Chúng ta hay nói về bệnh thành tích. Tuy nhiên, ở mặt nào đó có thể thấy đó là vấn đề chung của thể thao không chỉ tại Việt Nam mà thế giới cũng có. Đơn cử như trong bóng đá, để đạt thành tích tốt thì nhiều quốc gia cũng tiến hành nhập tịch VĐV. Việc mượn VĐV lẫn nhau thì ta phải nhìn vào 2 hướng. Một là đơn vị thi đấu có thành tích. Hai là nếu đơn vị đạt thành tích thì có một hệ quả tốt là nhà quản lý sẽ đầu tư hơn nữa cho thể thao. Thông qua có thành tích nhà quản lý sẽ đầu tư phát triển. Tôi cho rằng lâu dài về chuyên nghiệp thì việc thuê, mượn VĐV cũng nên diễn ra bình thường bởi vì thể thao phải song hành với kinh tế thể thao. Không có kinh tế thể thao để phát triển thì thể thao sẽ chết và dẫn tới nhiều môn có thể phải đóng cửa. Tôi cho rằng việc này nên bình thường. Trong năm tới, ở giải cúp các CLB 2015, Liên đoàn Quần vợt sẽ cho phép các CLB được thuê mượn VĐV thi đấu. Qua đó, từng bước hình thành sân chơi để có thực chất từ nền phong trào quần vợt phát triển tốt hơn nữa.

* Hiện tại Liên đoàn Quần vợt đã có quy chế chuyển nhượng VĐV chưa?

- Lúc này thì chưa. Chúng tôi đang cho xây dựng các quy chế chuyển nhượng VĐV, các CLB bán chuyên nghiệp, quy chế về VĐV đội tuyển và sớm ban hành.

* Năm nay, quần vợt thiếu vắng tay vợt trẻ tài năng Lý Hoàng Nam (Bình Dương) vì vẫn . Tới đây, liên đoàn có một chế tài gì không để tránh xảy ra những điều đáng tiếc như vậy?

- Thiếu vắng Hoàng Nam là điều đáng tiếc, bản thân VĐV là thiệt thòi. Còn ở tính đua tranh của Đại hội TDTT toàn quốc phải 4 năm mới có một lần nên không vì thế mà giảm sút. VĐV trước hết phải ý thức được đó là một nghề nghiệp mình đã chọn. Đối với môn quần vợt, tính cá nhân cao nên VĐV phải xác định tính chuyên nghiệp rất cao khi theo đuổi nó. Chúng tôi đơn cử như mới đây VĐV nổi tiếng Federer vẫn bỏ trận chung kết giải ATP Final Tour 2014 để giữ sức về thi đấu cùng ĐTQG Thụy Sĩ ở Davids Cup 2014. Đây là một điều rất chuyên nghiệp, hướng về Tổ quốc trên hết. Chúng tôi không trách Hoàng Nam bởi tất cả là theo quá trình. Tôi cho rằng, quần vợt chính là một nghề nghiệp nên bản thân nó phải được xã hội nhìn nhận là một nghề không chỉ là chơi và với người VĐV cũng có ý thức về nghề của mình.

MINH CHIẾN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục