US Open 2014: Người Mỹ cuối cùng

Khi đạo diễn Michael Mann chuyển thể cuốn tiểu thuyết “Người Mohican cuối cùng” của tác giả James Fenimore Cooper ra thành một bộ phim đầy cảm động, chắc chắn ông và tác giả Cooper cũng không thể ngờ rằng tên của bộ phim cuốn tiểu thuyết này lại trở thành… niềm cảm hứng đặt tựa đề cho nhiều bài viết phân tích về “thảm cảnh của quần vợt Mỹ” ngay tại Grand Slam trên sân nhà. Cụm từ “người Mỹ cuối cùng” đã liên tục được sử dụng để miêu tả… những hình ảnh cuối cùng của một tay vợt nam người Mỹ nào đó, kẻ cố gắng trụ lại để tranh đấu cho niềm tự hào Mỹ nhưng lại bất lực phải dời gót ra đi. Kể từ US Open 2012 cho đến nay, nước Mỹ không có nổi một đại diện nào hiện diện ở vòng đấu tứ kết. Lần cuối cùng nước Mỹ còn đại diện ở tứ kết đó là tại US Open 2011, với nỗ lực của Andy Roddick và John Isner. Nói một cách khác, họ là “những người Mỹ cuối cùng” từng dám tranh đấu để vươn đến vòng đấu bát cường…

John Isner - người Mỹ cuối cùng rời khỏi giải đơn nam.

Khi Isner bước vào trận đấu với Philipp Kohlschreiber, anh đã trở thành “người Mỹ cuối cùng” trụ lại ở US Open 2014. Trước đó vài tiếng đồng hồ, “một trong những người Mỹ còn sót lại cuối cùng” là Sam Querray đã bị Novak Djokovic loại với 3 ván thua tan nát. Do đó, Isner trở thành niềm hy vọng duy nhất. Isner từng dám tranh đấu lọt đến vòng đấu bát cường ở US Open, nhưng đó là chuyện của quá khứ xưa cũ, giờ đây, tay vợt cao kều người Mỹ chỉ cần cố gắng trụ lại được cho đến vòng 4 đã là hay lắm rồi. Tuy nhiên, anh vẫn không thể làm được điều đó. Để thua tay vợt người Đức với điểm số 6/7 (4-7), 6/4, 6/7 (2-7) và 6/7 (4-7), Isner trở thành “người Mỹ cuối cùng” rời khỏi cuộc chơi, khiến giải đơn nam US Open trải qua năm thứ hai liên tiếp sạch bóng người Mỹ kể từ vòng 4. So với cái cốt truyện đầy bi kịch trong phim “Người Mohican cuối cùng”, liệu câu chuyện của người Mỹ ở US Open có bi kịch hơn hay là không?

Isner đang xếp hạng 15 thế giới. Đã từ rất lâu rồi, anh trở thành tay vợt số 1 nước Mỹ sau thời của Roddick và Mardy Fish. Rất khó để đánh giá về Mardy Fish vì anh này liên tục bị chấn thương hành hạ, sự nghiệp chưa bao giờ đạt đến đỉnh cao nhất như những gì mà các chuyên gia đã từng dự báo, riêng phần so sánh với Roddick, Isner không bao giờ có thể với tới người đàn anh của mình dù Roddick cũng chưa bao giờ được xem là một tay vợt lớn thật sự, anh chỉ là một tay vợt giỏi từng giành được một danh hiệu Grand Slam. Thế nên, nếu muốn nói về Isner, người ta chỉ có thể gói gọn trong vài chữ: “Năm nay đã 29 tuổi, cao 2m08, sở hữu những cú giao bóng sấm sét trên tầm cao của mình và… không có nhiều miếng đánh đặc biệt nào”. Do Isner có khả năng cầm giao bóng rất chắc, để thắng anh, các đối thủ cần viện đến loạt tie-break, nhưng khả năng trả giao bóng không tốt của anh cũng khiến anh không thể sớm kết thúc trận đấu. Isner hay dính vào các trận đấu “marathon” dai dẳng dài 4, 5 ván đấu và rốt cuộc, anh chỉ được người ta nhớ đến như vậy. “Người Mỹ cuối cùng”, người gánh vác trọng trách cuối cùng cho quần vợt nam nước Mỹ chỉ là như vậy sao? Vậy thì, còn có thể đánh giá gì với sự phát triển của quần vợt Mỹ so với các làng quần vợt trẻ trung tươi tắn khác???

Isner đã để thua Kohlschreiber ở US Open lần thứ 3 liên tiếp. Ở vòng 3 US Open 2012, anh thua với điểm số 4/6, 6/3, 6/4, 3/6, 4/6. Ở vòng 3 US Open 2013, anh lại thua với điểm số 4/6, 6/3, 5/7, 6/7 (5-7). Lần này lại là một thất bại khác ở vòng 3, sau 4 ván đấu. Nếu thua lần đầu tiên, đó là chuyện chuyên môn cá nhân. Nếu thua lần thứ hai, đó sẽ trở thành chuyện… ân oán riêng tư. Nhưng ở lần thứ ba gục ngã, đó sẽ là sự thất bại của cả một làng quần vợt. Isner - trong vị thế “người Mỹ cuối cùng” chính là đại diện của nước Mỹ ở giải đơn nam năm nay. Còn Kohlschreiber không chỉ đại diện cho làng quần vợt Đức, anh còn là đại diện cho sự phát triển chóng mặt của “phần còn lại thế giới” so với những bước giẫm chân tại chỗ của người Mỹ. Thất bại của Isner, vì thế, không còn mang tính cá nhân, và sẽ khiến cho nhiều người phải suy ngẫm. Bây giờ, cũng chẳng rõ đây là lần thứ mấy, gánh nặng trách nhiệm lại đổ dồn lên đôi vai của một tay vợt nữ quen thuộc đó chính là Serena Williams. “Khi đàn ông đã thua trắng, đó cũng là lúc mà đàn bà buộc phải ra đánh”, và Serena hiện vẫn đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình. “Đại diện người Mỹ cuối cùng” ở giải US Open năm nay mới vừa đánh bại tay vợt đồng hương đàn em Varvara Lepchenko với điểm số 6/3 và 6/3 để giành quyền lọt vào vòng 4 giải đơn nữ…

Đỗ hoàng

Tin cùng chuyên mục