Serena Williams - Maria Sharapova: Giờ phán quyết

Serena Williams sẽ giành được danh hiệu Grand Slam thứ 19 trong sự nghiệp, hay Maria Sharapova - ở trận chung kết Grand Slam thứ 10 của mình - sẽ đặt dấu chấm hết cho chuỗi… 14 trận “toàn thua” trước Serena? Tất cả chỉ còn chờ đến “giờ phán quyết” trên sân Trung tâm Rod Laver Arena của Melbourne Park.

Chung kết đơn nữ Australian Open 2015

Serena Williams sẽ giành được danh hiệu Grand Slam thứ 19 trong sự nghiệp, hay Maria Sharapova - ở trận chung kết Grand Slam thứ 10 của mình - sẽ đặt dấu chấm hết cho chuỗi… 14 trận “toàn thua” trước Serena? Tất cả chỉ còn chờ đến “giờ phán quyết” trên sân Trung tâm Rod Laver Arena của Melbourne Park.

Sau chức vô địch US Open 2013, người ta chứng kiến một giai đoạn thoái trào đáng ngại của Serena khi cô chỉ lọt đến vòng 4 Australian Open 2014, bị loại ở vòng 2 Roland Garros và thua ở vòng 3 Wimbledon. “Tôi đã từng rất phấn khích sau khi giành danh hiệu Grand Slam thứ 17, nhưng thực chất đã bị chững lại”, Williams tâm sự. “Tôi để thua rất sớm ở các đấu trường Grand Slam, thậm chí còn không giành nổi quyền lọt đến tứ kết. Nhưng, sau khi Wimbledon kết thúc, tôi quyết định tự làm lại bản thân, đơn giản chỉ cần thư thả và thoải mái. Thế rồi, tất cả mọi thứ đã quay trở lại với tôi. Tôi đã giành được Grand Slam thứ 18!”.

Cách tiếp cận khác đã giúp Serena hồi phục mãnh liệt trong giai đoạn cuối mùa giải năm ngoái. Giờ đây, trong danh sách những tay vợt sở hữu nhiều danh hiệu Grand Slam nhất trong lịch sử của WTA Tour, Serena đã xếp ngang hàng với những “bậc tiền bối” như Martina Navratilova và Chris Evert, cô chỉ còn thua kỷ lục mà Steffi Graf đang nắm giữ đúng 4 danh hiệu. Chiến thắng ở Melbourne Park sẽ giúp cho Serena tiến đến gần hơn cái tham vọng cân bằng, thậm chí qua mặt kỷ lục của Graf để trở thành tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử làng quần vợt nữ thế giới.

Maria Sharapova (trái) và Serena Williams.

Từng đánh bại Masha 16/18 trận, trong đó có 14 trận thắng liên tục kể từ năm 2005 cho đến nay, Serena chắc chắn được đánh giá cao hơn Masha rất nhiều. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Serena “thắng chắc” trong trận chung kết đơn nữ. Serena nhận xét: “Một lần nữa, mọi người đều mong chờ tôi giành chiến thắng. Nhưng, cô ấy đang thể hiện một phong độ rất khó tin ở Australian Open năm nay. Có thời điểm cô ấy gần như đã bị loại khỏi giải đấu, nhưng bằng một cách nào đó, cô ấy vẫn quay trở lại, sau đó giành chiến thắng trong nhiều trận đấu với phong độ thuyết phục. Cô ấy đang chơi tốt hơn qua từng ngày. Thật ấn tượng!”.

Kể từ khi cứu 2 nguy cơ thua match-point trong trận thắng Alexandra Panova ở vòng 2, người ta có thể ví von: “Masha giống như… một người từ cõi chết quay trở về”. Khi một người đã từ cõi chết quay trở về với thực tại, đó sẽ là một con người rất nguy hiểm, không còn e dè sợ sệt gì ai và sẵn sàng làm nên những chuyện “động trời”.

Masha cũng cực kỳ tự tin: “Tôi nghĩ sự tự tin của tôi đang gia tăng rất cao khi tôi giành quyền lọt vào trận chung kết Grand Slam. Tôi đang rất tự tin, tôi không quan tâm đối thủ trong trận đấu chung kết có là ai cũng như thành tích đối đầu trực tiếp. Điều đó không thành vấn đề. Tôi cho thấy xứng đáng với một chỗ đứng trong trận đấu chung kết. Chắc chắn, tôi sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để giành lấy ngôi vô địch Australian Open”.

ĐỖ HOÀNG

Serena - Masha: Những trận đấu đáng nhớ

Chung kết Wimbledon 2004: Masha thắng 6/1, 6/4; đó là thời điểm cả thế giới ngỡ ngàng nhìn ngắm một cô nàng tóc vàng với gương mặt xinh xắn - nhưng… non choẹt tuổi đời và tuổi nghề - nhún nhảy trước một tượng đài của làng quần vợt nữ thế giới và giành lấy chiến thắng; với Serena, đó là một trận thua khó quên.

* Chung kết WTA Finals 2004: Masha thắng 4/6, 6/2 và 6/4; lại là một “con nhóc” khiến cho Serena phải ôm hận; thậm chí, dư luận còn hoài nghi rằng liệu đây có phải là “khắc tinh” của Serena hay là không, cho đến khi thời gian đã chỉ ra một sự thật… hoàn toàn trái ngược.

* Bán kết Australian Open 2005: Serena thắng 2/6, 7/5, 8/6; một trận đấu “cân tài cân sức” giữa một Serena vẫn vững vàng như đầu tàu số 1 với Masha đang dần trưởng thành và tự khẳng định bản thân.

* Chung kết Australian Open 2006: Serena hủy diệt đối thủ với điểm số 6/1 và 6/2; một trận đấu thảm họa của Masha, những người nghĩ đến một trận đấu cân tài cân sức như cách đó 1 năm đã phải suy nghĩ lại. Ở thời điểm này, trận chung kết Australian Open 2006 vẫn được xem là một trong những trận đấu mà sự chênh lệch giữa người thắng và kẻ thua là quá lớn.

* Chung kết Olympic London 2012: Serena lại hủy diệt đối thủ với điểm số 6/0, 6/1; lần đầu tiên sau nhiều năm, Masha mới lại tái ngộ Serena ở một trận đấu chung kết và kết cục lại là một kết quả thảm bại.

* Chung kết Miami 2013: Serena thắng 4/6, 6/3, 6/0; lần đầu tiên trong một thời gian dài, Masha tìm được cách để vượt lên dẫn trước đối thủ 1 ván đấu, rất tiếc, sau đó mọi chuyện lại đi theo chiều hướng cũ khi Serena nắm giữ thế trận và thắng lại dễ dàng.

* Chung kết Roland Garros 2013: Serena thắng 6/4, 6/4; đó không phải là một chiến thắng dễ dàng sau khi 2 tay vợt tái ngộ ở trận chung kết lớn đầu tiên kể từ Olympic London, một phần vì năng lực ấn tượng của Masha trên mặt sân đất nện đã được chứng minh từ rất lâu rồi; dù sao, Masha vẫn không thể giành chiến thắng và lại một lần nữa, cô mang theo nỗi ám ảnh về Serena lên giường ngủ của mình.

HOÀNG DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục