Cảm xúc bóng đá

Cảm xúc bóng đá

1. Cách đây mấy hôm, tôi đang ngồi cùng một người bạn trong quán bia, bất ngờ thấy nhà thơ Cao Xuân Sơn và nhà thơ Vũ Duy Chu đi ngang. Tôi toét miệng giơ tay chào, nào ngờ Vũ Duy Chu hùng hổ xông lại, mặt đỏ gay (một phần do hơi men, một phần chắc do... sát khí), giơ nắm tay dứ dứ: “A, tôi tóm được thủ phạm rồi. Ông đấy nhá! Ông là chuyên viết bài nói xấu Mourinho của tôi!”.

Cảm xúc bóng đá ảnh 1

Giới nghệ sĩ cũng là khán giả bóng đá Việt Nam nồng nhiệt.

Trời đất, “Mourinho của tôi”! Nếu người thốt ra câu đó là một phụ nữ, như họ từng nói “David Beckham của tôi” thì tôi còn tin được vào tai mình. Nhưng đây là ông Vũ Duy Chu âu yếm nói về ông Mourinho thì có lạ không kia chớ, mặc dù công nhận Mourinho tài ba và đẹp trai thiệt!

Trong bóng đá, ngẫm kỹ thì thấy chuyện đó thực ra không phải là chuyện cá biệt. Nhà thơ Vũ Ân Thy mê Shevchenko như điếu đổ. Nhà thơ Bùi Chí Vinh phải lòng tiền đạo Ý Paolo Rossi theo cái cách mà vợ anh cũng phải ghen tị. Nhà văn Nguyễn Trọng Nghĩa thì mê tít Võ Hoàng Bửu của Cảng Sài Gòn và danh thủ Ronaldo của tuyển Brazil. Còn giáo sư Nguyễn Ngọc Lan trên đời chỉ biết có Võ Thành Sơn.

Họa sĩ Hoàng Ngọc Biên từng “say đắm” Maradona của Argentina và thủ môn Vũ Nhật Thành của Hải Quan như đã từng “say đắm” văn hào Marcel Proust và ca sĩ John Lennon, say đắm đến mức khi Maradona tỉnh bơ tuyên bố “Khi tôi nhảy lên, cái đầu là của tôi còn bàn tay là của Chúa” để bào chữa cho cú dùng tay đánh bóng vào lưới đội Anh ở World Cup 1986, Hoàng Ngọc Biên còn tấm tắc khen: Câu nói thiên tài!

2. Nhưng các bằng hữu của tôi có mê những siêu sao sân cỏ thì cũng chỉ đứng xa xa mà ngắm qua... tivi. Nghĩa là vẫn có khoảng cách nhất định. Vì vậy mà châm chước được. Đằng này, có những chàng trai, những người đàn ông cùng nhau ngồi xem đá bóng trên khán đài hay xem qua tivi, khi đội ruột của mình sút tung lưới đối phương thì ôi thôi, lập tức xảy ra cái cảnh mà những kẻ tử tế chắc lấy làm chướng mắt vô kể.

Họ bá cổ choàng vai, xoa đầu vuốt tóc nhau,  rồi ôm chầm lấy nhau, nói cười hỉ hả. Ôm nhau lắc qua lắc lại chưa đã, họ nhảy chồm chồm rồi cứ bám chặt nhau như thế mà nhảy vòng vòng như một lũ rồ. Nếu cái đám nhí nhố đó chỉ gồm toàn bọn choai choai trẻ người non dạ, hay nổi máu bốc đồng thì không nói làm gì, ở đây có cả các ông chồng, ông bố khả kính.

Hằng ngày quý ông nói năng mực thước, cử chỉ khoan thai, nghiêm cẩn, bây giờ mọi thứ sang trọng đó trôi tuột đi đâu mất cả. Quý ông chẳng còn là quý ông: chân đá tay huơ, nói năng rổn rảng, thỉnh thoảng còn nghe ở chỗ nào đó vang lên “Mẹ nó! Đá thế mới là đá chứ!”. Nếu chịu lắng tai nghe kỹ thì không khéo cái câu buông tuồng đó phát ra từ một cái miệng vẫn quen uốn lưỡi bảy lần cũng nên.

Bóng đá, hay nói chính xác hơn là cảm xúc mà bóng đá mang lại khiến con người ta không còn là mình. Nói thế cũng đúng. Nhưng nói ngược lại thì có lẽ đúng hơn: chính cảm xúc bóng đá khiến con người ta có cơ hội được trở lại là mình. Khi cảm xúc thăng hoa, con người ta vô hình trung rũ bỏ những trói buộc đời thường để sống hết mình với mọi hỉ nộ ái ố trong phút giây kỳ diệu đó.

Mọi cung bậc tình cảm đều được đẩy đến tột đỉnh và bộc lộ một cách không kềm chế, như thể trong mỗi nơ-ron thần kinh đều bỗng nhiên có chèn thuốc nổ. Người đàn ông can trường ấy đã cắn răng giam chặt nỗi buồn dưới đáy lòng vào cái ngày người yêu lên xe hoa nhưng khi Việt Nam thắng Thái Lan 3-0 ở Tiger Cup 98, người ta sửng sốt bắt gặp mắt ông nhòa lệ. Là cớ làm sao?

3. Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng là một gã không biết gì về bóng đá. Tôi gặp y lần đầu tiên vào năm 1978, trên công trường thủy lợi Trần Quang Cơ, đúng vào đêm chiếc tivi đen trắng đặt trên bờ kênh mấp mô chiếu lại trận Hà Lan gặp Iran ở World Cup thứ 11. Lúc đó, kiếng cận của tôi đã vỡ mấy ngày trước do va phải cán xẻng.

Thấy họ Đỗ đeo kiếng trắng, tôi hồi hộp hỏi “Cậu có mê bóng đá không?” - “Không! Tớ không mê!”. Tôi mừng quá, quên cả lịch sự: “Vậy cậu đeo kiếng làm gì cho... uổng phí. Đưa tớ mượn một lát đi!” - “OK”.  Đó là mẩu đối thoại giữa hai nhà thơ trong lần đầu tao ngộ. Nghĩ lại thấy quá chừng kỳ cục!

Gặp lại nhau tại thành phố, tôi rủ rê y đi coi đá bóng: “Bóng đá là môn nghệ thuật thứ tám! Không coi xem như chết nửa đời người!”. Họ Đỗ tò tò theo tôi vào sân Thống Nhất, có lẽ vì cả nể chớ chắc y chẳng sợ gì lời hù dọa của tôi. Khi trận đấu bắt đầu, tôi mới biết kéo y đi theo là cả một sai lầm. Y hỏi luôn miệng, toàn những thắc mắc sơ đẳng như: Sao bên áo đỏ phải thay người? Việt vị là gì? Hai cái ông áo đen chạy tới chạy lui làm chi vậy? Tôi nhắc với y năm lần bảy lượt thủ môn của đội Cảng Sài Gòn là Lưu Kim Hoàng, một lát y lại lộn qua cái tay chuyên gia kinh tế Lâm Võ Hoàng nào đó khiến tôi muốn sôi gan.

Tôi chán y đến mức khi trọng tài thổi còi chấm dứt hiệp một, cầu thủ lục tục ra khỏi sân, khán giả rùng rùng đứng dậy, nhiều người rời chỗ ngồi để đi mua bánh mì, nước giải khát, thuốc lá hoặc đi... toilet, y thộn mặt nhìn tôi “Đá xong rồi hả?”, tôi bực mình “Xong rồi”. Y như nhà quê lên tỉnh, họ Đỗ đứng dậy lẽo đẽo theo dòng người ra đến tận cửa, báo hại tôi phải chạy theo níu lại: “Mới hết hiệp 1, ông ơi là ông!”.

Vậy mà cái gã tồ đó bây giờ chết mê chết mệt vì bóng đá, SEA Games nào cũng nhào ra các tụ điểm có tivi, bôi mặt xanh xanh đỏ đỏ rồi chụp cái nón ni lông lòe loẹt lên đầu ngó lố lăng hết sức, chen huých quàng vai bá cổ với đám trẻ con để chốc chốc hét lên “Mẹ nó! Đá thế mới là đá chứ”, thiệt trông chẳng ra nhà thơ chút nào. Nói vậy thôi chứ cũng chẳng phải “nói xấu” gì - như “ngôn ngữ giang hồ” của Vũ Duy Chu, vì thiệt ra bữa nào y lôi tôi đi theo, tôi hét còn lớn hơn và có khi còn “bậy” hơn y.

Mà trong bóng đá, ngẫm kỹ thì thấy chuyện đó thực ra không phải là chuyện cá biệt.

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục