Bơi lặn Việt Nam: Lặn sẽ nổi hơn bơi

Lặn phấn đấu có HCV
Bơi lặn Việt Nam: Lặn sẽ nổi hơn bơi

Trong danh sách của đoàn thể thao Việt Nam dự AIG 3, đội tuyển bơi có 8 HLV và 32 VĐV, trong khi đội tuyển lặn có 4 HLV và 18 VĐV. Tuy số lượng thành viên của môn bơi hơn hẳn môn lặn như thế, nhưng chắc chắn tại đại hội sắp tới, môn lặn… nổi hơn bơi về thành tích.

Lặn phấn đấu có HCV

Tại AIG 3, môn lặn có có 16 nội dung thi đấu, tuy nhiên, điều lệ giới hạn mỗi đoàn chỉ được đăng ký tối đa 10 nội dung, trong đó phải đảm bảo 5 nội dung của nam và 5 nội dung của nữ, nhằm tránh trường hợp một vài đoàn gom sạch thành tích của môn mới này.

Nội dung chân vịt đôi (by-fin) nhiều hy vọng sẽ mang về HCV cho đoàn Việt Nam. Ảnh: Dũng Phương
Nội dung chân vịt đôi (by-fin) nhiều hy vọng sẽ mang về HCV cho đoàn Việt Nam. Ảnh: Dũng Phương

Thực tế, trong 16 nội dung thi đấu thì từ thành tích của giải lặn trẻ đến giải VĐQG 2009 vừa qua, một loạt “người nhái” Việt Nam đã vượt kỷ lục châu Á ở nội dung by-fin (chân vịt đôi). Đây là nội dung mới, vì thế trong 18 VĐV (9 nữ) của đội tuyển lặn dự AIG 3 có Nguyễn Nhất Tú (TPHCM), Hoàng Đình Long (Đà Nẵng), Lưu Thị Phượng (Hà Nội), Võ Thị Đài Trang (Thanh Hóa) sẽ tranh tài nội dung này. Trong đó Nhất Tú đã 2 lần vượt kỷ lục châu Á (45"72) với thành tích 45"69 hồi tháng 7-2009, và 45"07 hồi tháng 9-2009.

Theo ông Nguyễn Trọng Toàn - Phụ trách bộ môn lặn Tổng cục TDTT, nội dung mới by-fin vẫn là “ẩn số” của đại hội vì các đoàn chưa rõ thực lực của nhau, và bởi là môn mới nên thành tích dễ bộc phát. Trong khi đó, ban huấn luyện môn lặn của TPHCM cho biết, qua chuyến tập huấn ngắn hạn ở Hàn Quốc vừa qua cho thấy, hiện có 2 VĐV Nhật Bản đăng ký thành tích tốt nhất ở 100 by-fin nam là dưới 45", nhưng thông số họ đạt được tại giải VĐTG hồi tháng 6-2009 lại hơn 46", tức kém thành tích của Nhất Tú. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, đội tuyển lặn Việt Nam chưa tham dự giải quốc tế nào, nên cũng là thiệt thòi trong việc nắm bắt thực lực của đối thủ.

Ông Nguyễn Trọng Toàn cho biết thêm: “Ngoài ra, đội tuyển lặn Việt Nam còn tập trung vào 4 cự ly tiếp sức vòi hơi chân vịt (VHCV) nam, nữ để lấy hái thành tích cao nhất”. Tuy nhiên, điều đáng lo là các gương mặt lặn của Việt Nam tập mỗi nơi mỗi phách, nên liệu có sự đồng bộ trong việc phối hợp ở các cự ly tiếp sức này? Về chuyện này, HLV trưởng đội tuyển lặn Trần Sĩ Tiến cho biết: “Thực tế, hầu hết VĐV tham gia cự ly tiếp sức đều từng thi đấu cùng nhau ở các giải quốc tế trước đó, nên chúng tôi không gặp trở ngại gì”.

Tại đại hội lần 2 cách đây 2 năm ở Macau, môn lặn lần đầu tiên được đưa vào tranh tài và đội tuyển Việt Nam khi ấy thi đấu 8 nội dung, đoạt 3 HCĐ. Vì thế, việc phấn đấu có HCV là mục tiêu của đội tuyển lặn Việt Nam tại AIG3 lần này.

Bơi liệu có kỳ tích?

Lực lượng hùng hậu với 32 VĐV của 13 đơn vị trên toàn quốc góp mặt tranh tài môn bơi tại AIG 3, nhưng theo Tổng thư ký Hiệp hội TTDN Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng là muốn tận dụng cơ hội “sân nhà” cho các VĐV trẻ có cơ hội học hỏi, cọ xát là chính nên mỗi đoàn được đăng ký 2 VĐV/ cự ly. Vì vậy, chuyện có thành tích, đặc biệt là HCV tại đại hội là điều gần như không tưởng. Nói cách khác, “chuyện lạ” của bơi lội Việt Nam ở AIG 3 nếu có thì chỉ trông đợi vào 4 tuyển thủ nam hiện vẫn đang tập huấn ở Trung Quốc gồm: Nguyễn Hữu Việt, Đỗ Huy Long, Võ Thái Nguyên, Nguyễn Thanh Hải.

HLV trưởng đội tuyển bơi Đặng Anh Tuấn cho biết: “Ngày 2-11, tôi và các tuyển thủ mới về tới Hà Nội. Các VĐV sẽ thi đấu ở cự ly 50m, 100m các nội dung sở trường như: ếch (Hữu Việt), bướm (Thái Nguyên), ngửa (Huy Long), tự do (Thanh Hải). Dù đấu trường quan trọng nhất của đội bơi Việt Nam năm nay là SEA Games 25, nhưng tôi sẽ căn cứ vào tình hình ở AIG 3 để các VĐV có thể phát huy khả năng và giành thành tích tốt nhất ở đại hội này”.

THỤC OANH


Hôm nay (27-10) phát hành vé phục vụ AIG 3 tại TPHCM: Bán 43.000 vé

Theo ông Nguyễn Hùng – Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, trưa hôm nay vé phục vụ đại hội tại TPHCM được in xong và phân phối đến các địa điểm thi đấu. Theo đăng ký của từng địa điểm tổ chức thi đấu, BTC AIG 3 tại TPHCM cho in 43.000 vé để bán, 24.870 vé mời (gồm vé VIP A, VIP B và vé mời bình thường).

Vé bán có 4 mức giá, đa số môn thi đấu bán vé với giá 30.000 đ/vé và 50.000 đồng/vé, trong đó số lượng vé có giá 30.000 đồng/vé là nhiều nhất (24.000 vé), riêng môn lân sư rồng có giá vé mắc nhất 150.000 đồng/vé, nhưng số lượng vé khiêm tốn (4.200 vé cho 4 tối thi đấu) do BTC phải dành 1/2 số lượng ghế cho thành viên các đoàn, báo chí và vé mời. Ngoài ra, môn vovinam có giá vé “mềm” nhất: 20.000 đồng - 30.000 đồng/vé.

Được biết, nguồn thu từ bán vé sẽ chi cho hỗ trợ công tác tổ chức, hoạt động tại chỗ do BTC AIG3 tại TPHCM xét duyệt, sau khi trừ chi phí liên quan như in vé, bồi dưỡng bán vé, soát vé…

THỤC OANH

Tin cùng chuyên mục