Lão võ sư Trần Tiến đã đi về cõi vĩnh hằng: Mênh mang một nỗi buồn

Mấy ngày nay, một tin buồn đã lan nhanh trong làng Võ cổ truyền Việt Nam và thế giới - lão võ sư Trần Tiến đã qua đời. Sự ra đi của thầy đã lưu lại trong lòng người hâm mộ võ thuật Việt Nam nhiều thương tiếc.
Lão võ sư Trần Tiến đã đi về cõi vĩnh hằng: Mênh mang một nỗi buồn

Mấy ngày nay, một tin buồn đã lan nhanh trong làng Võ cổ truyền Việt Nam và thế giới - lão võ sư Trần Tiến đã qua đời. Sự ra đi của thầy đã lưu lại trong lòng người hâm mộ võ thuật Việt Nam nhiều thương tiếc.

Tôi gặp thầy lần đầu tiên vào năm 1994 và đã được nghe thầy kể về cuộc đời mình: “Ông nội tôi (cụ Hoàng Hảo) và bố tôi (cụ Hoàng Tân) vốn cùng chi họ và từng tham gia nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Ngày 04-02-1911 (Tân Hợi), tôi chào đời tại Cầu Vòng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Năm 1913, cụ Hoàng Hoa Thám qua đời, nghĩa quân tan rã; ông nội và bố mẹ tôi phải thay tên, đổi họ, tránh về Đồ Sơn, Hải Phòng. Tại đây, tôi được bố khai sinh lại: ngày 04-02-1913”.

Lão võ sư Trần Tiến cả đời chỉ biết phấn đấu vì võ thuật Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Lão võ sư Trần Tiến cả đời chỉ biết phấn đấu vì võ thuật Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống võ nghệ, thầy được ông nội khai tâm võ học lúc 10 tuổi. Hai năm sau, ông nội qua đời, thầy được thân phụ truyền dạy tiếp. Năm 15 tuổi, thấy học võ Thiếu Lâm với ông Lý Giang Nam - quê ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, chạy sang Hải Phòng lánh nạn. Năm năm sau, thầy còn tập thêm một vài môn võ khác… rồi gia nhập bộ đội vào đầu năm 1946… Thầy nghỉ hưu năm 1978 và bắt đầu dạy võ tại TPHCM từ đầu thập niên 1990.

Sẵn vốn liếng võ cổ truyền Việt Nam cộng với tinh hoa của các tông phái khác cùng kinh nghiệm dạy võ trong quân đội, thầy Trần Tiến đã tinh lọc và đúc kết thành võ phái Nội gia võ thuật đạo Việt Nam để phổ biến tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 2, Nhà Bảo tàng Không quân phía Nam… Học trò của ông có nhiều người đến từ Mỹ, Pháp, Ý, Nga, Brazil… Là thành viên Ban cố vấn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và Hội Võ cổ truyền TPHCM, thầy đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu ở các hội nghị chuyên môn cũng như dự khán nhiều giải thi đấu để động viên thế hệ trẻ.

Tháng 5-2001, thầy còn tham gia thành lập và điều hành CLB Võ thuật phương Đông (võ cổ truyền, vovinam, karatedo, taekwondo, aikido…) tại Đại học Dân lập Hồng Bàng cũng như miệt mài biên soạn sách võ. Ở tuổi 100, thầy đã gửi lại cho đời sau khoảng 24 đầu sách võ. Những lần gặp nhau, thầy thường bày tỏ: “Ước mơ lớn nhất của tôi là võ cổ truyền Việt Nam được vinh danh khắp năm châu, bốn bể”.

Từ những cống hiến đó, thầy đã được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam trao tặng HCV danh dự và Ủy ban TDTT trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp TDTT.

Ngày 16-02-2011, do tuổi cao, sức yếu, thầy bị ngã tại nhà riêng và dẫn đến chấn thương sọ não. Tuy được các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa, nhưng thầy đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 13 giờ 7 phút ngày 21-02-2011 (nhằm ngày 19, tháng Giêng, năm Tân Mão), hưởng thọ 101 tuổi.

o0o

Nói đến lão võ sư Trần Tiến, làng võ không chỉ trân trọng, quý mến một người thầy say mê tập võ và dạy võ mà còn ở cách đối nhân xử thế chân tình, không phân biệt già trẻ, lớn bé. Ở tuổi 100, thầy vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, siêng năng luyện công hàng ngày và tận tâm chỉ dẫn học trò.

Thầy thường sẵn lòng giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Những khi thân hữu gặp chuyện chẳng lành, thầy thuê xe ôm hoặc nhờ học trò đưa đến tận nơi để thăm hỏi…  Trước tết Tân Mão 2011, Karate Bushido - tạp chí võ thuật rất nổi tiếng của Pháp - đã đến phỏng vấn thầy để chuẩn bị tư liệu ra số đặc biệt về võ cổ truyền Việt Nam. Tiếc thay! Thầy còn chưa kịp đọc những bài viết đó…

Lại thêm một đại thụ không còn nữa. Lão võ sư Trần Tiến ra đi là một tổn thất lớn lao của làng võ cổ truyền Việt Nam, lưu lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể môn đồ Nội gia võ thuật đạo Việt Nam. Xin ghi lại vài dòng về thầy thay 3 nén hương thành kính tiếc thương…°

HOÀNG THỊNH

Tin cùng chuyên mục