Trương Thanh Hằng sau tấm HCV châu Á - Vượt qua sức ép

Là VĐV được đặt kỳ vọng nhiều nhất của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại giải vô địch châu Á 2011, Trương Thanh Hằng đã không phụ lòng người hâm mộ với thành tích 1 HCV và 1 HCB. Phía sau thành công của Thanh Hằng là chuỗi ngày chịu sức ép cực lớn.
Trương Thanh Hằng sau tấm HCV châu Á - Vượt qua sức ép

Là VĐV được đặt kỳ vọng nhiều nhất của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại giải vô địch châu Á 2011, Trương Thanh Hằng đã không phụ lòng người hâm mộ với thành tích 1 HCV và 1 HCB. Phía sau thành công của Thanh Hằng là chuỗi ngày chịu sức ép cực lớn.

Trương Thanh Hằng đã chắc chắn có 70 triệu đồng từ Tổng cục TDTT, theo quy chế thưởng dành cho VĐV đoạt huy chương châu lục (45 triệu đồng cho HCV, 25 triệu đồng cho HCB). Ngoài ra, Sở VH-TT-DL Ninh Bình, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cũng sẽ thưởng cho Thanh Hằng. (PH.DIỆU)

Sức ép của Trương Thanh Hằng đến từ chấn thương bất ngờ của đồng đội Vũ Thị Hương, trong chuyến tập huấn tại Đức cách nay chưa lâu. Cả Hằng và Hương đều là những niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam ở sân chơi châu lục. Thậm chí, trước khi đội tuyển điền kinh đến Đức, kỳ vọng dành cho Hương còn lớn hơn Hằng. Đó cũng chính là lý do mà Hương sang Đức trước, có HLV chuyên trách riêng là ông Nguyễn Đình Minh, còn Hằng sang sau mà không có thầy ruột Từ Tâm đi theo.

Sức ép càng lớn hơn đối với Hằng do niềm hy vọng huy chương đầu tiên của đoàn Việt Nam tại giải vô địch châu Á là Vũ Văn Huyện bất ngờ bị bệnh và không thể theo hết các môn của nội dung 10 môn phối hợp. Đến lúc đó, toàn bộ hy vọng của Việt Nam đều dồn lên vai Trương Thanh Hằng.

Trương Thanh Hằng và chức vô địch châu Á cự ly 800m. Ảnh: LÊ TRÍ

Trương Thanh Hằng và chức vô địch châu Á cự ly 800m. Ảnh: LÊ TRÍ

Hằng mở đầu chiến dịch chinh phục đường chạy châu lục bằng cự ly 1.500m. Ở cự ly này Hằng nhận HCB, mà một phần nguyên nhân xuất phát từ việc chiến thuật của cô là dành sức cho cự ly sở trường 800m. Nhưng đường chạy 800m là nơi mà Trương Thanh Hằng gặp những VĐV rất mạnh như Matsko (Kazakhstan) và Tintu Luka (Ấn Độ). Trong số này, Matsko từng thắng Hằng trong đợt chạy chung kết nội dung 800m tại Asiad 16 năm ngoái.

Lần này Trương Thanh Hằng thắng Matsko nhưng cô vẫn thấy hơi tiếc vì chưa thể vươn đến chuẩn B Olympic. Trương Thanh Hằng cho biết: “Trước khi xuất phát, tôi không nghĩ đến chuyện mình sẽ đoạt huy chương màu gì, mà chỉ có một mục tiêu là đạt chuẩn dự Olympic. Tôi đã tuân thủ rất tốt ý đồ của HLV Từ Tâm nhưng tiếc rằng vẫn còn thiếu vài bước chân để đến London năm sau”.

11% giây là thành tích thấp hơn so với chuẩn B Olympic (2 phút 1 giây 30). Mốc 2 phút 1 giây 41 cũng kém hơn so với thành tích tốt nhất của chính Trương Thanh Hằng ở cự ly 800m là 2 phút 0 giây 91 ở Asiad 16. 11% giây vừa nêu sẽ là cái đích mà Hằng phải hướng tới ở những giải đấu quốc tế từ nay đến cuối năm nếu muốn có tấm vé thông hành đến London năm sau. 

THIỆN NHÂN

“Vàng” lại về thành phố 

Hôm trước, “cô gái vàng” gốc TPHCM Trương Thanh Hằng đã đem vinh quang về cho thể thao Việt Nam với chiếc HCV nội dung 800m châu Á. Tiếc là Hằng không còn thi đấu cho TPHCM. Hôm qua, ban tổ chức giải bóng bàn Cây vợt vàng lần thứ 25 cho biết, sau một năm phải “tha hương” xuống Vũng Tàu, giải đã quay trở lại TPHCM. Coi như là một tín hiệu đáng mừng.

Giải Cây vợt vàng được xem như một thương hiệu của thể thao TPHCM. Thậm chí, xét về thời gian tồn tại lẫn chất lượng, không có giải đấu nào ở Việt Nam có thể so sánh. Điều đáng nói là giải Cây vợt vàng hình thành và tồn tại theo một cơ chế tiến bộ từ hơn 20 năm trước khi được sinh ra từ cái “bắt tay” giữa Liên đoàn Bóng bàn, Báo Thể thao TPHCM và nhà tài trợ. Có thể nói, tính xã hội hóa của giải đấu này rất cao và từng được xem là biểu tượng thành công của phong trào xã hội hóa do TPHCM đi đầu trong thời gian đó.

Tuy nhiên, sự sa sút của chất lượng giải đấu trong thời gian gần đây đi cùng với sự sút kém của thể thao đỉnh cao TPHCM, trong đó có hoạt động xã hội hóa các bộ môn. Năm ngoái, khi giải lần đầu tiên không diễn ra tại TP, người ta xem đấy là “cái chết được báo trước”. Năm nay giải quay về lại nơi mà nó vốn thuộc về, âu cũng là điều mừng. Chỉ có điều, chẳng biết ở được bao lâu?!

HAI SÀI GÒN

- Thông tin liên quan:

>> Giải điền kinh vô địch châu Á 2011: Trương Thanh Hằng giành HCV cự ly 800m

Tin cùng chuyên mục