Xung quanh bản quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh: Khán giả tiếp tục chịu thiệt

Ngày 16-10, dưới sự tổ chức của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, các đài truyền hình lớn đã ngồi lại và thống nhất cử đại diện thương lượng trực tiếp với Ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh để mua bản quyền giải đấu này. Dự kiến ngày 23-10, sẽ thống nhất việc cử đại diện và giá cả trước khi tiến hành đấu giá vào ngày 8-11 tới.
Xung quanh bản quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh: Khán giả tiếp tục chịu thiệt

Ngày 16-10, dưới sự tổ chức của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, các đài truyền hình lớn đã ngồi lại và thống nhất cử đại diện thương lượng trực tiếp với Ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh để mua bản quyền giải đấu này. Dự kiến ngày 23-10, sẽ thống nhất việc cử đại diện và giá cả trước khi tiến hành đấu giá vào ngày 8-11 tới.

Không có chương trình độc quyền nào hút bằng bóng đá và không có giải đấu nào lại hút khán giả bằng Giải ngoại hạng Anh. Thế nên, sau giai đoạn VTV truyền hình miễn phí (trước năm 2008), khi các hệ thống truyền hình trả tiền ra đời, một cuộc chiến khốc liệt giành quyền phát sóng độc quyền Giải ngoại hạng Anh bắt đầu. Giai đoạn 2008 - 2010, muốn xem tường thuật tiếng Việt, người dân tìm mua đầu thu VTC hoặc xem qua thuê bao truyền hình cáp (xem tiếng Anh từ kênh ESPN, Star Sports). Đến giai đoạn 2010 - 2013, người hâm mộ phải mua đầu thu K+ và tiếp tục thuê bao truyền hình cáp. Chưa hết, người xem còn khổ hơn khi muốn xem các trận đấu hay lại phải mua những gói thuê bao cao cấp (ngoài giải ngoại hạng, chiêu thức này còn áp dụng cho các giải La Liga, Serie A). Tóm lại, cứ mỗi năm trôi qua, người xem truyền hình Việt Nam vừa chóng mặt trước các thay đổi kênh sóng trên thuê bao của mình mà vẫn phải bỏ thêm tiền mới được xem những trận bóng mình thích.

Giải ngoại hạng Anh quá hấp dẫn khiến người Việt Nam không thể bỏ qua?

Giải ngoại hạng Anh quá hấp dẫn khiến người Việt Nam không thể bỏ qua?

VTV từng làm “dậy sóng” dư luận qua vụ độc quyền phát sóng và hình ảnh Euro 2012 với lý do đó là điều kiện của đối tác nước ngoài. Thời điểm đó, các hệ thống truyền hình trả tiền khác không phản ứng. Thật ra, nếu có phản ứng, chỉ có mỗi VTC vì họ độc lập so với VTV nhưng trong thế “cô đơn”, họ cũng đành chấp nhận.

VTV có thể hành xử như vậy vì đơn giản, trên tất cả các hệ thống truyền hình trả tiền luôn có những kênh bắt buộc phải có như VTV1, VTV2, VTV3. Nói cách khác, không thể phản bác việc VTV độc quyền vì trên thực tế, chỉ cần “chịu” phát các kênh kia,khán giả của hệ thống nào cũng có thể xem được. Chính vì điều này mà VTC đành chịu đựng còn các hệ thống K+, SCTV, VCTV cũng chẳng có ý kiến bởi đều thuộc quyền kiểm soát của VTV thông qua mức cổ phần góp vốn.

Cũng bằng ưu thế này, các đài thuộc nhóm VTV tha hồ tung tẩy với những bản quyền độc quyền các giải đấu khác. Ví dụ như K+, sau 2 năm độc quyền giải Liga, Serie A đã “nhường” lại dưới hình thức khác cho VCTV và SCTV, HTVC. Trên thực tế, K+ đã “thu hoạch” thuê bao trong thời gian đó, đến lượt các đài khác trong “nhóm VTV” tiếp tục mà bản thân K+ cũng chẳng mất gì cả (họ vẫn độc quyền giải Anh ngày chủ nhật, được ưu tiên các trận đấu hay của các giải khác). Trong khi đó, các hệ thống kia thử thách khán giả khi dựng thêm các kênh HD hay một số gói cao cấp, khiến khán giả muốn xem phải tốn thêm ít tiền. Xoay tới, xoay lui, không khó để nhận thấy các đài độc lập như VTC, AVG gần như đứng ngoài cuộc chơi bản quyền.

Các đài truyền hình độc lập cũng phải “cắn răng” đi dự cuộc họp để tìm đại diện duy nhất thương thảo mua bản quyền giải ngoại hạng Anh 3 năm tới. Nói “cắn răng” vì ai cũng biết, đại diện duy nhất đó chẳng thể ai khác là VTV và câu chuyện ở Euro 2012 có thể trở lại.

Về lý thuyết, đúng là chẳng có đại diện nào xứng đáng hơn VTV nhất là sau khi đài này tuyên bố sẽ không mua bản quyền bằng mọi giá nhằm tránh thất thoát ngoại tệ. Đặt trong vị thế của VTV, họ rất “vui vẻ” khi tuyên bố như vậy bởi đài này không có nhu cầu phát triển thuê bao, thương hiệu và cũng đã rất lâu không hề phát giải ngoại hạng Anh. Hơn nữa, 3 năm qua, những liên doanh của họ như K+, SCTV hay “con ruột” VCTV đã hoàn thành việc chiếm giữ thị phần truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Vì lẽ đó, nhiều khả năng VTV sẽ bỏ giá thấp và không mua được bản quyền. Điều này không làm ảnh hưởng gì đến họ nếu không nói còn có lợi cho các đài trong “nhóm VTV” bởi nhóm này hiện vẫn đang giữ hàng chục bản quyền các giải khác, trong khi VTC, AVG sắp đến sẽ mất luôn các trận đấu ngoại hạng Anh ngày thứ bảy như hiện nay.

ĐĂNG LINH

Hiện tại, giá bỏ thầu trực tiếp truyền hình Giải ngoại hạng Anh được công bố là khoảng 30 triệu USD cho 3 mùa từ năm 2013, cao hơn rất nhiều so với giá 9 triệu USD riêng ngày chủ nhật của K+ trong 3 năm trước.

Sau khi tách Việt Nam thành một gói thầu riêng biệt, các nhà tổ chức lọc lõi đưa ra hàng loạt quy định để ép các nhà đài Việt Nam. Trước mắt, sẽ không có chuyện các nhà đài được liên kết mua sóng mà chỉ bán cho một đại diện duy nhất. Chắc chắn, họ sẽ còn các quy định mang tính độc quyền khác để khiến đại diện duy nhất đó không thể chia sẻ cho các đài theo kiểu mua đi, bán lại. Thậm chí, có thể họ sẽ giữ giá và bán cho một công ty trung gian để bán lại cho các đài Việt Nam theo cơ chế đấu giá. Sự việc liên quan đến bản quyền Euro 2012 cho thấy những nhà kinh doanh nước ngoài đã “nắm tẩy” thị trường Việt Nam.

Mọi thứ xuất phát từ việc nhiều năm qua, các đài Việt Nam đã đẩy giá lên quá cao cũng như tranh nhau mua để tìm thế độc quyền cho kênh sóng của mình. Vì vậy, dù có bắt tay để kiểm soát giá, chưa chắc người hâm mộ Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu VTV mua được và phân phối lại cho các đài truyền hình khác.

T.O.

Tin cùng chuyên mục