Lo chuyện kiếm tiền cho Asiad 18

Asiad 18-2019 mà Việt Nam vừa giành quyền đăng cai còn đến 7 năm nữa mới diễn ra, nhưng cần nghĩ đến chuyện kiếm tiền để tổ chức tốt đại hội từ hôm nay. Đây là lo ngại dựa trên kinh nghiệm từ SEA Games 2003 mà Việt Nam lần đầu tiên đăng cai. Khi đó, Công ty VFD nhận quyền đại diện tiếp thị - tài trợ chỉ 1 năm trước khi khai mạc và dù được đánh giá là thành công, số tiền thu được chưa đến 3 triệu USD, quá nhỏ bé so với ngân sách bỏ ra để tổ chức đại hội.

Dù đưa ra đề án chỉ dùng có 150 triệu USD để tổ chức Asiad 18, tức là mức thấp kỷ lục trong lịch sử của các đại hội thể thao tầm vóc khu vực trở lên nhưng con số này chưa nói hết tất cả các vấn đề nan giải của nhà tổ chức. Con số 150 triệu USD là ngân sách dự chi để tu sửa các cơ sở vật chất hiện có phục vụ Asiad 18, gần như không xây mới chứ trên thực tế, Asiad 2014 sắp diễn ra ở Incheon (Hàn Quốc) dự trù gần 2 tỷ USD. Trước đó, số tiền chi cho Quảng Châu 2010 được cho là lên đến 122 tỷ nhân dân tệ (17 tỷ USD) dù dự chi ban đầu chỉ … 2 tỷ nhân dân tệ.

Cứ cho là các nhà tổ chức Việt Nam sẽ gói ghém được trong mức 150 triệu USD, tuy nhiên phải nhớ rằng con số này đơn thuần chỉ tính trên việc chúng ta chẳng xây mới cái gì cả. Nói cách khác, nếu đúng quy mô tổ chức, con số sẽ cao hơn nhiều chục lần. Theo thống kê trung bình từ Olympic, Asiad, ngân sách tổ chức (ngoài cơ sở vật chất) chiếm 10-20% tổng ngân sách chuẩn. Nghĩa là dù chúng ta tiết kiệm chi phí cơ sở vật chất xuống còn 150 triệu USD thì các nguồn chi tổ chức (an ninh, giao thông, tình nguyên viên, truyền hình, quảng cáo, phục vụ thi đấu…) không thể tiết giảm. Con số này ở Quảng Châu 2010 gần 500 triệu USD, tại London 2012 là 400 triệu USD. Với đà tăng vật giá hiện nay, 7 năm sau các khoản chi bắt buộc khác khó mà dự báo.

Chưa nói chuyện kinh tế vĩ mô của 7 năm tới sẽ tốt hơn hay không, chỉ nhìn trên năng lực tổ chức và khả năng kiếm tiền của thể thao Việt Nam từ sau SEA Games 2003 đến nay mà không khỏi lo lắng. Chúng ta đã khó kiếm thêm tiền mà còn có thể phát sinh thêm chi phí do công nghệ tổ chức kém. Tiền cho cơ sở vật chất có thể tính vào ngân sách đầu tư quốc gia nhưng tiền để tiếp thị, quảng bá, truyền thông phải đến từ nguồn thu kinh doanh - đây lại là điểm yếu của thể thao Việt Nam. 

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục