Ngôi nhà có nhiều vết nứt

Những vấn đề trước thềm đại hội 7 của VFF thể hiện điều gì: đó là sự rạn nứt nhất định về quan điểm điều hành bóng đá. Đến tận bây giờ mà câu chuyện nhà nước - xã hội vẫn còn gây nhiều tranh cãi thì thật sự khó có thể nói là khóa 7 của VFF sẽ là một tập thể thống nhất.
Ngôi nhà có nhiều vết nứt

Những vấn đề trước thềm đại hội 7 của VFF thể hiện điều gì: đó là sự rạn nứt nhất định về quan điểm điều hành bóng đá. Đến tận bây giờ mà câu chuyện nhà nước - xã hội vẫn còn gây nhiều tranh cãi thì thật sự khó có thể nói là khóa 7 của VFF sẽ là một tập thể thống nhất.

Như SGGP-Thể thao vẫn nhận định: điều quan trọng nhất của VFF là bộ máy sắp đến hướng đến vấn đề gì chứ không phải là chuyện ai ngồi ghế chủ tịch. Không có một ông chủ tịch “người nhà nước” nào có thể trụ nổi trên ghế V.I.P nếu như cả bộ máy dưới quyền ông hừng hực khí thế xã hội hóa cao độ. Đừng vội lo chuyện VFF sẽ bị vòng kim cô của Bộ chủ quản tròng lên đầu nếu từ cấp quản lý đến từng bộ phận điều hành đều có suy nghĩ tiến bộ, chuyên nghiệp.

Hãy nhìn cách vận hành của CLB danh tiếng SLNA mà xem. Chưa ai nói đấy là đội bóng của tư nhân cả nhưng ngay từ khi bóng đá chuyên nghiệp chưa ra đời thì tại đây, đã từng “ra riêng” với cái gọi là “Đoàn bóng đá SLNA”. Suốt từ đó đến nay, cơ chế vận hành không khác mấy dù CLB không thể tư nhân hóa hoàn toàn như nhiều đội bóng trực thuộc doanh nghiệp khác. Họ vẫn sản sinh nhiều cầu thủ trẻ, vẫn có thành tích tốt, vẫn có Hội CĐV đông đảo nhất nước và vẫn bán được vé, kiếm được tài trợ.

Nói cách khác, ăn thua nhau là ở tư duy làm bóng đá chứ không phải “chiếc áo” chuyên nghiệp hay bao cấp khoác lên người. Người dựng ra Đoàn bóng đá SLNA ngày ấy cũng chính là Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thanh bây giờ. Điều này có nghĩa, sự phát triển của SLNA là ổn định.

Ngôi nhà có nhiều vết nứt ảnh 1

Ông Lê Hùng Dũng (trái) trò chuyện cùng Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ. Ảnh: Quang Minh

o0o

Rất nhiều người hi vọng người thắng cử chủ tịch VFF sắp đến là ông Lê Hùng Dũng, một người đại diện cho sự tiến bộ của xã hội hóa bóng đá. Người ta cũng có cảm giác lo lắng nếu Thứ trưởng Lê Khánh Hải là người chiến thắng bởi cho rằng, ông Hải sẽ đem cung cách quản lý nhà nước vào một tổ chức đang cần “cởi trói” về cơ chế.

Trên thực tế, chẳng ai “trói” VFF cả, nói đúng hơn, phần lớn là VFF tự trói mình. Sự thụ động chính là điểm yếu thường xuyên và lớn nhất của tổ chức này bất chấp đã có nhiều cơ hội để thoát khỏi cái bóng của cơ quan chủ quản. Chúng ta hi vọng ông Lê Hùng Dũng sẽ thắng nhưng nếu chúng ta nhìn đến LĐBĐ TPHCM, nơi ông Dũng từng làm chủ tịch thì sẽ thấy chính ông cũng không thay đổi được một bộ máy nhỏ gọn hơn VFF nhiều. Nói đúng hơn, HFF chỉ sinh động khi ông Dũng còn ngồi, lúc ông rời đi, ngay lập tức HFF rơi về trạng thái thụ động làm bóng đá phong trào và futsal … “cho nó lành”.

Nghĩa là cái bộ máy mới là thứ quan trọng, là nơi cần được thay đổi nhất. Nhưng hãy nhìn xem, có bao nhiêu gương mặt mới trong 24 đề cử ban chấp hành? Có bao nhiêu nhân vật mới cho các vị trí chủ chốt? Có bao nhiêu giá trị tích cực trong những hướng đi mà VFF sẽ chọn lựa? Cho đến nay, có thấy VFF nói là sắp đến sẽ thay đổi như thế nào, tập trung cho cái gì mà chỉ thấy mọi sự chú ý tập trung vào vị trí chủ tịch.

Và ngay chính vị trí này, vẫn còn đang tranh cãi về quan điểm lãnh đạo, điều này dễ dẫn đến cuộc tranh cãi ấy còn kéo dài triền miên suốt khóa 7. Cứ thử đặt trường hợp ông Dũng thắng nhưng “cuộc chiến” quan điểm ấy vẫn tồn tại thì liệu ông Dũng có dàn xếp nỗi không?

Vậy thì chúng ta nên lo cho chiếc ghế chủ tịch hay lo cho một VFF đang rạn nứt.

Hồ Việt

VFF tự trói như thế nào?

Bây giờ mà lo chuyện VFF sẽ bị Bộ chủ quản đặt “vòng kim cô” thì cũng bằng thừa bởi chiếc vòng ấy luôn tồn tại, vấn đề vẫn là VFF thoát khỏi sự kiểm soát ấy ra sao chứ không phải chuyện tranh cãi nên hay không nên có chiếc vòng ấy. Cũng đừng đem chuyện FIFA, AFC vào đây bởi nói cho cùng, mỗi nền bóng đá có những đặc thù riêng và đặc thù ấy, chỉ là một phần của đặc thù chung về chính trị - xã hội của mỗi quốc gia. Làm gì có chuyện sẽ không có “vòng kim cô”.

Dứt khoát là có. Nhưng mức độ “siết” như thế nào thì còn tùy vào năng lực VFF. Chúng tôi còn nhớ, thời nhiệm kỳ 4 đã đặt những viên đá đầu tiên để thoát ra và VFF tự đứng trên đôi chân của mình. Khi ấy, chủ tịch VFF là một chính trị gia. Kế đến, lần đầu tiên có chuyện VFF bỏ vốn kinh doanh khi tham gia 30% cổ phần trong công ty VFD, chủ động kiếm lời trên các sản phẩm của mình, thậm chí còn làm tốt hơn VPF hiện thời. Rồi sau đó, hàng loạt những tư duy mới xuất hiện như thành lập Ban tài trợ - tiếp thị để chủ động nguồn tiền cho các đội tuyển quốc gia để từ đó có những nhà tài trợ cỡ bự như Vietcombank, Agribank, Honda… tham gia.

Vậy mà sau gần 10 năm, mọi thứ lại quay về như cũ. Chuyện tài trợ của đội tuyển quốc gia thì khoán trắng cho công ty quảng cáo nước ngoài, chủ tịch lại là một cựu quan chức về hưu, việc khai thác “con bò sữa” V-League rơi vào tay VPF vốn được sinh ra theo tư tưởng “thoát ly” chứ không thuộc VFF. Ngay cả bản quyền truyền hình, suốt 10 năm rồi mà VFF còn không biết khai thác ra sao…

Nói như vậy để thấy, với những nền móng có sẵn tại khóa 4, VFF đủ sức để thoát hẳn vòng kim cô của cơ quan chủ quản nhưng chính họ, tự trói mình lại chứ ai. Ngay cái ý tưởng táo bạo là góp vốn làm cổ đông ngân hàng của ông Lê Hùng Dũng hồi đầu khóa 5 cũng bị xếp vào hộc bàn đấy thôi. Tóm lại, chính VFF tự mình kém cỏi đi, dần trở lại phụ thuộc Bộ chứ chưa thấy tầm ảnh hưởng của Bộ chủ quản lớn đến mức khiến VFF phải “nghẹt thở” đòi thoát ra.

Ngay chính ông Lê Hùng Dũng bây giờ còn bực mình khi người ta đề cử một chủ doanh nghiệp đang còn thiếu nợ tiền của VFF vào vị trí làm tài chính khóa tới nên mới tiến cử ông Đoàn Nguyên Đức. Rõ ràng, dù không hài lòng nhưng chính ông Dũng cũng chẳng thể tìm ra ai thay thế mình bởi chuyện bầu Đức tham gia VFF rất khó xảy ra. Hơn nữa, phải “dùng” đến bầu Đức thì rõ là VFF không còn đủ sức thu hút những nhân tố mới.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục