Bóng đá và câu chuyện kinh doanh

Những ngày chờ đợi Arsenal sang Việt Nam quả có nhiều cảm xúc. Cách chúng ta chuẩn bị đón tiếp các “pháo thủ thành London” thật trọng đại, đúng với tính chất của một sự kiện lịch sử. Và như thế, lại càng thấy giá trị của những con người đã làm cầu nối để Arsenal có mặt tại Việt Nam.
Bóng đá và câu chuyện kinh doanh

Những ngày chờ đợi Arsenal sang Việt Nam quả có nhiều cảm xúc. Cách chúng ta chuẩn bị đón tiếp các “pháo thủ thành London” thật trọng đại, đúng với tính chất của một sự kiện lịch sử. Và như thế, lại càng thấy giá trị của những con người đã làm cầu nối để Arsenal có mặt tại Việt Nam.

Bóng đá và câu chuyện kinh doanh ảnh 1

Ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF cùng 2 nhà tài trợ ông Lê Hùng Dũng (Eximbank), ông Đoàn Nguyên Đức (HAGL) và đại diện Arsenal trong buổi ký kết hợp đồng. Ảnh: Quang Thắng

Tất nhiên, phía sau sự kiện này là một thương vụ kinh doanh, những thứ có lẽ nằm trong đầu của ông Lê Hùng Dũng và bầu Đoàn Nguyên Đức. Chẳng ai cho không ai cái gì. Arsenal cũng vậy và những người có công mời được họ sang cũng vậy.

Nhưng dù là với lý do gì đi nữa, đối với bóng đá Việt Nam, đây cũng là một món quà lịch sử và không dễ được lặp lại trong thời gian ngắn. Nó không phải là vấn đề của 2 hay 3 hay nhiều triệu USD mà là một vấn đề rất riêng của bóng đá. Nói đúng hơn, nếu chỉ là vấn đề tiền, các doanh nghiệp có nhiều cách để phát triển thương hiệu của mình. Nhưng nếu đó là câu chuyện về bóng đá, hẳn luôn phải có một lý do.

Như thương vụ Arsenal này chẳng hạn. Sẽ không có điều đó nếu không có một quá trình suốt 6 năm qua, từ chuyến sang London của bầu Đức, đến biển quảng cáo HAGL trên sân Emirates, rồi Học viện bóng đá tại Pleiku. Trong hành trình đi đến sự kiện lịch sử này, có lẽ câu chuyện tài chính, kinh doanh chỉ mang tính quyết định trong giai đoạn cuối cùng.

o0o

Chúng tôi không muốn nói nhiều đến bầu Đức hay ông Lê Hùng Dũng, mà muốn nhắc đến một chi tiết: với Việt Nam, Arsenal ghé thăm 3 ngày sắp đến là sự kiện lịch sử nhưng với các CLB lừng danh đến từ Anh quốc,  đã nhiều năm rồi họ xem Đông Nam Á như một điểm đến quen thuộc. Ví dụ như Chelsea, họ ở, ăn, tập cả tuần ở Thái Lan. Trong thời điểm đó, có mặt cả Man.United với một trận đấu do một hãng bia tổ chức. Các quốc gia như Singapore, Malaysia hay Indonesia cũng đều đều đón những vị khách nổi tiếng.

Riêng với Việt Nam, sau Arsenal sẽ là ai? Và khi nào?

Như đã nói, đó không chỉ là vấn đề tiền bạc. Khi đã nói, những sự kiện thế này luôn nặng tính thương mại thì chuyện hiệu quả của đồng tiền luôn phải được tính đến. Mà đã như thế, thông thường chỉ có những doanh nhân đang làm trong lĩnh vực bóng đá mới đủ khả năng tham gia.

Đấy chính là vấn đề. Bây giờ, đang còn những người như ông Dũng, bầu Đức nhưng ngay cả 2 ông này cũng chẳng ai dám chắc sẽ tiếp tục với bóng đá Việt Nam. Thế mà ngoài 2 ông ra, trong làng cầu Việt hiện tại, người ta có cảm giác các doanh nghiệp đang bỏ dần địa hạt này. Nói không xa, một người như bầu Thắng, hiện cũng đang dần bớt đi sự dính líu. Một ông bầu nổi tiếng khác (bầu Hiển) thì đã tự cắt đứt mọi sự liên quan dù trong ông hẳn vẫn còn nhiều tình yêu với bóng đá. Ngoài những người đó ra, liệu còn mấy ai thực sự xem bóng đá là một môi trường để thúc đẩy công việc kinh doanh của mình chứ không đơn thuần chỉ là một thú vui.

Một nền bóng đá muốn làm chuyên nghiệp, muốn thường xuyên có các sự kiện thương mại, thì không thể thiếu những nhà kinh doanh nhìn bóng đá theo cách của họ chứ không chỉ là một trò vui ngắn ngủi.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục