Asiad 19 - Ngày hội ở Hàng Châu

Tháng 9 sẽ trở thành điểm nhấn khó quên của thể thao châu Á, khi Asiad 19 khởi đi ở TP Hàng Châu (Trung Quốc) trong vài ngày tới đây. Hơn 12.000 vận động viên (VĐV) của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ bước vào cuộc tranh tài để thể hiện tài năng, cũng là để khẳng định vị thế của cả quốc gia trong “ngôi nhà thể thao châu Á”.
Đoàn thể thao Việt Nam sẽ dự Asiad 19 với 504 thành viên
Đoàn thể thao Việt Nam sẽ dự Asiad 19 với 504 thành viên

Từ trái tim đến trái tim

Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19) sẽ giương cao khẩu hiệu “Heart to Heart, @Future” (Từ trái tim đến trái tim, cùng hướng đến tương lai) trong cuộc tranh tài kéo dài từ ngày 23-9 đến 8-10, với 40 môn thể thao bao gồm 61 phân môn và 481 nội dung. Lễ khai mạc chính thức diễn ra vào ngày 23-9, song một số môn bắt đầu thi đấu sớm từ ngày 19-9.

TP Hàng Châu và các địa phương vệ tinh khác sẽ chào đón hơn 12.500 VĐV và gần 5.000 quan chức từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu lục tham gia sự kiện thể thao đa môn lớn nhất châu lục, theo chu kỳ 4 năm/lần. Đây là kỳ đại hội có số lượng VĐV tham dự đông nhất trong lịch sử. Kỷ lục trước đó được thiết lập tại Asiad 18 diễn ra tại Indonesia vào năm 2018, với hơn 11.000 VĐV góp mặt.

Ban đầu, Asiad 19 dự kiến được tổ chức vào tháng 9-2022. Tuy nhiên tháng 5-2022, Ủy ban Olympic châu Á (OCA) thông báo buộc phải hoãn đại hội vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, sau 2 tháng nhóm họp liên tục và tiếp nhận ý kiến đóng góp từ phía các ủy ban Olympic quốc gia thành viên ở châu Á. Thành thử, Asiad 19 dù diễn ra vào năm nay nhưng vẫn được tính cho năm… 2022. Khẩu hiệu “Heart to Heart, @Future” của Asiad 19 ra đời cũng không ngoài mục tiêu kéo các nền thể thao châu Á lại gần nhau hơn, đoàn kết và tương trợ nhau nhiều hơn để cùng phát triển, cùng hướng tới một tương lai hưng thịnh.

Đây sẽ là kỳ đại hội đầu tiên ra mắt một số môn thể thao phổ biến trong giới trẻ như Breakdance và thể thao điện tử. Thậm chí, một số môn thể thao mang tính đặc thù của một số quốc gia như đua thuyền rồng, kurash hay cầu mây, dù không được công nhận thuộc nhóm môn Olympic nhưng vẫn được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Asiad 19, với mong muốn tạo nên nét đặc sắc riêng cho đại hội này.

Asiad 19 có 6 khu vực thi đấu, rải đều ở các thành phố: Hàng Châu, Ninh Ba, Ôn Châu, Kim Hoa, Thiệu Hưng, Hồ Châu. Làng VĐV chính tại Hàng Châu sẽ chứa khoảng 20.000 người tham gia trong 3 khu vực chính: dành cho VĐV và cán bộ, quan chức các đoàn (hơn 10.000 người); dành cho giới truyền thông (khoảng 5.000 người); dành cho cán bộ kỹ thuật (khoảng 4.000 người). Tại đây còn thành lập trung tâm thể hình trải dài từ tầng 2 và tầng 3 của Tòa nhà 2, cũng như tầng 1 đến tầng 5 của Tòa nhà 6 tại Làng VĐV. Ngoài ra, Tòa nhà 2 có khu vực dành riêng cho việc tập luyện của các VĐV bơi lội.

Trung tâm báo chí chính (MPC) nằm ở tầng trệt của Trung tâm Triển lãm quốc tế Hàng Châu, gồm 4 phòng triển lãm cùng với sảnh, nhà hàng ở tầng hầm và một số khu vực chuyên môn. MPC sẽ có các khu chức năng riêng biệt như: bàn dịch vụ truyền thông, phòng làm việc chung, phòng họp báo và phòng phỏng vấn trên nền tảng đám mây.

Trong suốt thời gian đại hội diễn ra, các màn hình lớn sẽ hiển thị các chương trình phát sóng trực tiếp về nhiều trận đấu khác nhau, cho phép các nhà báo có thể theo dõi nhiều sự kiện cùng một lúc. Trung tâm Phát thanh Truyền hình quốc tế (IBC) đóng vai trò là trung tâm của các cơ quan truyền thông phát thanh và truyền hình, chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp các dịch vụ phát sóng chính và phát sóng lại các sự kiện thi đấu.

Kỳ vọng một đại hội xanh

Với mục tiêu tổ chức một kỳ đại hội xanh, ban tổ chức đã nỗ lực mang đến một Asiad lần đầu tiên không có carbon. Khái niệm “xanh”, “thông minh”, “tiết kiệm” và “văn minh” được thể hiện rõ ràng trong từng chi tiết. Ban tổ chức đại hội đã khởi xướng 8 dự án đặc biệt nhằm giảm lượng khí thải như: xây dựng địa điểm xanh, cung cấp năng lượng xanh, nâng cấp giao thông xanh, cố gắng giảm thiểu lượng khí thải carbon… Đơn cử như việc xây dựng địa điểm phục vụ thi đấu tại Asiad 19, ban tổ chức đã tận dụng hệ thống các cơ sở vật chất sẵn có và chỉ xây mới 12 địa điểm. Trong việc xây mới, hướng dẫn về thiết kế kiến trúc xanh và lành mạnh trong đó ưu tiên sử dụng các công nghệ và vật liệu xanh. Với việc quản lý và vận hành các địa điểm, ban tổ chức cũng sử dụng năng lượng xanh để giảm lượng khí thải carbon.

Trong khi đó, Làng VĐV của Asiad 19 sẽ chứa một lượng lớn người, tạo ra nhiều loại rác khác nhau cần được thu gom và xử lý nhanh chóng mỗi ngày. Do đó, ban tổ chức đại hội năm nay đã thiết lập một hệ thống xử lý rác toàn diện và hệ thống “Asiad không rác thải”. Rác thải được thu gom tại Làng VĐV (không bao gồm rác dễ hỏng) sẽ được vận chuyển đến nhà máy đốt rác để chuyển hóa thành năng lượng.

- Ngày 16-9, Đoàn thể thao Việt Nam xuất quân

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 19 với 504 thành viên (337 vận động viên) do Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt làm Trưởng đoàn, tham gia tranh tài ở 31 môn. Dự kiến, lễ xuất quân của Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 19 được tổ chức vào ngày 16-9 tới tại Hà Nội và các thành viên đoàn sẽ lên đường sang Hàng Châu (Trung Quốc) vào ngày 20-9. Đoàn được chia thành 3 nhóm lên đường đi thi đấu. Nhóm một gồm các môn: Cờ tướng, cầu mây, bắn súng, karate, xe đạp, cử tạ, bắn cung. Nhóm hai gồm các môn: Bơi, điền kinh, đua thuyền rowing, đua thuyền canoeing, bóng bàn, cờ vua, quần vợt, thể dục dụng cụ, roller, quyền anh (boxing), taekwondo, vật, wushu, judo, kurash, jujitsu, đấu kiếm. Nhóm ba là các môn: Bóng chuyền, bóng đá, golf, cầu lông, bóng mềm (soft tennis), thể thao điện tử - esports, nhảy breaking.

Hướng tới Asiad 19, mục tiêu thể thao Việt Nam đặt ra là giành từ 2-5 HCV, tập trung vào nhóm môn điền kinh, cờ tướng, võ thuật. Tuy nhiên theo giới chuyên môn, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi đang là giai đoạn chuyển giao thế hệ của nhiều môn thể thao thế mạnh và khá nhiều lý do khách quan khiến phong độ của các vận động viên không còn được như trước.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng sẽ là người cầm cờ cho Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Asiad 19.

- Bóng đá khởi tranh vào ngày 25-9

Tại Asiad 19, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ nằm chung bảng D với các đội tuyển Nhật Bản, Nepal và Bangladesh. Đội xếp thứ nhất và 3 đội thứ nhì có thành tích tốt nhất trong 5 bảng đấu (tổng cộng 8 đội) sẽ giành quyền đi tiếp vào tứ kết. Môn bóng đá nữ sẽ diễn ra từ ngày 25-9 đến 6-10. Trong khi đó, đội tuyển Olympic Việt Nam được xếp ở nhóm hạt giống số 1 môn bóng đá nam. Kết quả bốc thăm đưa thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vào bảng B cùng các đội tuyển Olympic Saudi Arabia, Iran và Mông Cổ. Môn bóng đá nam sẽ diễn ra từ ngày 19-9 đến 7-10. Đội xếp thứ nhất và thứ nhì tại mỗi bảng cùng với 4 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất trong 6 bảng sẽ giành quyền vào vòng 1/8 (vòng 16 đội).

- Bản quyền truyền hình quá cao

Hiện tại chưa có đơn vị truyền hình nào của Việt Nam chi tiền để mua bản quyền truyền hình Asiad 19 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc), ngay cả khi mức giá của ban tổ chức giảm đi nhiều. Giá bản quyền truyền hình Asiad 19 đã giảm từ mức 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng) xuống còn khoảng 7 triệu USD, nhưng vẫn bị các đơn vị truyền hình ở châu lục từ chối, trong đó có Việt Nam.

Tại Asiad 17-2014, nước chủ nhà Hàn Quốc chỉ bán bản quyền với mức giá… 200.000 USD, tức là thấp hơn tới 35 lần hiện tại. Đến Asiad 18-2018 tại Indonesia, số tiền tăng lên thành 2 triệu USD, nhưng vẫn là mức mà đơn vị truyền thông Việt Nam có thể theo được. Tuy nhiên, đến Asiad 19, hầu hết các đơn vị truyền hình tại Việt Nam cho biết, phía đối tác chào bán bản quyền truyền hình thiếu nhiệt tình trong việc đàm phán. Như vậy, khả năng người hâm mộ thể thao Việt Nam sẽ không được xem trực tiếp các môn thi đấu của Asiad 19 là rất cao.

PHƯƠNG MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục