Bóng đá nữ đang “chiến đấu” vì điều gì?

World Cup nữ 2023 được xem như ngày hội lớn của bóng đá nữ thế giới. Song cái từ “ngày hội” ấy đâu chỉ có các trận cầu hay, bàn thắng đẹp, những cơn địa chấn được các đội tốp dưới tạo ra, mà đó còn là một xã hội thế giới thu nhỏ, tồn tại những vấn đề đang rất nóng của nhân loại, tiêu biểu là cuộc chiến chống lại các định kiến về giới tính, bất bình đẳng đối với một số cô gái theo đuổi môn thể thao vua.
Tiền đạo Alex Morgan (Mỹ) luôn đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bóng đá nữ
Tiền đạo Alex Morgan (Mỹ) luôn đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bóng đá nữ

Nếu tinh mắt để ý sẽ thấy nhiều tuyển thủ nữ Mỹ đã không hát quốc ca ở 2 trận đấu với Việt Nam và Hà Lan. Đó là một phần trong cuộc đấu tranh của các cô gái xứ cờ hoa đòi hỏi được nâng cao mức thu nhập, thậm chí phải ngang các đồng nghiệp nam, khi bóng đá nữ Mỹ đã mang về 4 chức vô địch World Cup và nhiều danh hiệu khác nữa. Cuộc chiến ấy diễn ra từ nhiều năm qua và chưa có hồi kết vì đôi bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Thậm chí, tiền đạo Alex Morgan, mẹ của cô con gái đã 3 tuổi, từng yêu cầu Hiệp hội Bóng đá Mỹ phải có phòng riêng cho cầu thủ nữ đang có con nhỏ khi tập luyện và thi đấu, tạo điều kiện cho bảo mẫu chăm sóc con để họ yên tâm ra sân, đồng thời phải được trả lương đầy đủ trong thời gian nghỉ thai sản. Đó là “di sản” mà các ngôi sao bóng đá nữ Mỹ đương thời tạo dựng. Họ trở thành người tiên phong ủng hộ mạnh mẽ quyền bình đẳng giới, dũng cảm công khai sự đồng tính... Từ đó, tạo ra làn sóng hưởng ứng cho các đồng nghiệp khác trên toàn thế giới cùng đấu tranh.

Để rồi khi Asisat Oshola sút tung lưới Australia, ấn định màn lội ngược dòng ngoạn mục với tỷ số 3-2 cho Nigeria, cô đã cởi áo không chỉ ăn mừng chiến tích của đội nhà tạo ra, mà còn phát lại thông điệp về quyền bình đẳng. Thông điệp của việc cởi áo ăn mừng vốn được cựu tuyển thủ Mỹ Brandi Chastain khởi xướng ở World Cup nữ 1999 - tức 24 năm đã trôi qua, dù xã hội đã có những tiến bộ, song cuộc chiến đòi bình quyền vẫn chưa khép lại.

Đó là những câu chuyện mang tầm vĩ mô, về dấu chấm hỏi rất lớn của toàn nhân loại. World Cup nữ 2023 còn có sứ mệnh lan tỏa những câu chuyện đời thường khác mà các nữ cầu thủ luôn muốn được thế giới nhìn thấy. Ở tuổi 15 với nhiều hoài bão mơ ước, Linda Caicedo được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng. Cơn đau dữ dội của từng đợt xạ trị từng khiến nữ tuyển thủ Colombia này có suy nghĩ bản thân sẽ không bao giờ chơi bóng đỉnh cao được nữa.

Song Caicedo không hề sợ hãi ở trong bóng tối, bởi nếu tiếp tục giữ sự tiêu cực bên mình thì căn bệnh sẽ ngày càng một nặng thêm. Bằng nghị lực phi thường cùng khát khao được trở lại với bóng đá, Caicedo đã giành lại sự sống trước “cánh cửa” tử thần. Tính cách này được cô thể hiện trên sân bóng, đó là một mẫu cầu thủ luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, mang tinh thần cầu tiến và nghĩ về những điều tích cực.

Hay Khadija Shaw lớn lên trong một gia đình nghèo ở Jamaica, với cha làm thợ đóng giày, còn mẹ là một nông dân. Là con út trong gia đình có 13 anh chị em, nữ cầu thủ hồi nhỏ thường trốn ra ngoài đá bóng sau khi cha mẹ đi làm và trở về trước khi họ về nhà. Rồi một hôm, khi phát hiện con gái đá bóng, cha đã đuổi đánh Shaw từ sân bóng đến về nhà. Với cha mẹ của cô, đá bóng nữ không kiếm ra nhiều tiền. Trưởng thành từ những trận đòn roi từ cha, Shaw đã vượt qua tất cả rào cản để trở thành một trong những tiền đạo hàng đầu ở Ngoại hạng Anh. Đồng thời, nữ cầu thủ thuộc biên chế Manchester City cũng giữ kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử cho đội tuyển quốc gia với 56 pha lập công.

Sự vươn lên của Caicedo, Shaw... đã trở thành câu chuyện đầy cảm hứng cho thế giới bóng đá về vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng bệnh tật. Trong mỗi cô gái đá bóng đều có những câu chuyện riêng, phải thật sự quan tâm sát sao và đồng cảm với nhân vật thì mới cảm nhận rõ nghị lực vươn lên đầy phi thường của họ đến nhường nào.

Tin cùng chuyên mục