Bóng đá nữ: Kiên trì tạo dựng lịch sử

Bóng đã lăn trên sân cỏ World Cup nữ 2023. Trận khai mạc của đội đồng chủ nhà New Zealand đón hơn 47.000 khán giả dự khán - một con số kỷ lục. Nhưng thống kê trên sân của đội đồng chủ nhà còn lại là Australia ở trận ra quân gặp Ireland mới thực sự choáng ngợp: hơn 75.000 người có mặt.
Mỹ là đội tuyển đang giữ nhiều danh hiệu vô địch World Cup nhất thế giới
Mỹ là đội tuyển đang giữ nhiều danh hiệu vô địch World Cup nhất thế giới

Bước ngoặt

Phải mất 61 năm sau khi FIFA tổ chức World Cup đầu tiên cho bóng đá nam, mới có kỳ giải vô địch thế giới dành cho nữ. Điều thú vị là các tài liệu lịch sử cho thấy phụ nữ đã chơi môn thể thao này từ đầu thế kỷ 19. Ví dụ như ở Việt Nam, đội bóng đá nữ đầu tiên mang tên Cái Vồn đã có từ năm 1930.

Bóng đá nữ khởi phát có phần muộn màng hơn nhiều môn thể thao khác. Mãi đến năm 1970, Liên đoàn bóng đá nữ độc lập châu Âu (FIEFF) có trụ sở tại Turin tổ chức giải vô địch bóng đá nữ thế giới không chính thức tại Italy, với 7 đội bóng tham gia và Đan Mạch đã trở thành nhà vô địch.

Năm kế tiếp, cũng FIEFF tổ chức một giải đấu nữ khác ở Mexico, với sự tham gia của 6 đội và Đan Mạch đánh bại nước chủ nhà trong trận chung kết. FIEFF giải thể vào năm 1972 vì không có kinh phí để hoạt động nhưng nỗ lực của họ đã tạo ra nền móng của lịch sử.

Các giải đấu ở quy mô thế giới vẫn được tổ chức đều đặn từ đầu đến giữa những năm 1980 thông qua Mundialitos, còn được gọi là cúp thế giới nhỏ, tuy nhiên chỉ mang tính chất “giải mời”. Người Italy tiếp tục đóng góp nhiều nhất với 4 lần đăng cai. Bước ngoặt xảy ra vào năm 1986. Tại đại hội FIFA lần thứ 45 ở Mexico, một đại biểu của đoàn Na Uy là Ellen Wille yêu cầu FIFA phải có trách nhiệm thúc đẩy bóng đá nữ. Bài phát biểu hôm đó của cô Ellen Wille đã thay đổi mọi thứ. Năm 1988, tại Trung Quốc, FIFA tổ chức một giải thế giới với 12 quốc gia và Na Uy trở thành đội vô địch.

Giải đấu này không mang tên World Cup, vì thời điểm World Cup đang được FIFA biến thành “con gà đẻ trứng vàng” nhờ sự xuất hiện của truyền hình vệ tinh. Họ không muốn mạo hiểm với “thương hiệu World Cup”. Tuy vậy, thành công của giải đấu năm 1988 chính là tiền đề để FIFA chính thức xác nhận một giải vô địch bóng đá nữ thế giới đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 1991, cũng tại Trung Quốc.

Đó là khởi đầu, nhưng chẳng có gì phấn khởi quá nhiều. Thành công thương mại của “World Cup” dành cho nữ vẫn còn lờ mờ, và FIFA ban đầu đặt tên cho giải đấu là “Giải vô địch bóng đá nữ thế giới”, hay còn mang tên là M&M's Cup với nhà tài trợ duy nhất là tập đoàn chuyên sản xuất bánh kẹo đến từ Mỹ là Mars. Tuy nhiên, tất cả những nghi ngờ cuối cùng đã bị xua tan. Hơn nửa triệu người hâm mộ đã đến xem 12 đội tuyển quốc gia thi đấu, và sau khi Mỹ đánh bại Na Uy trong trận chung kết trước đám đông 65.000 người tại sân vận động ở Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch FIFA lúc bấy giờ, ông Joao Havelange đã tuyên bố: “Bóng đá nữ giờ đây đã phát triển tốt và thực sự vững chắc”.

Thành quả vững chắc

Vào thời điểm đó, các trận đấu của nữ chỉ diễn ra trong 80 phút, khiến April Heinrichs, đội trưởng của tuyển Mỹ đã trào phúng rằng “Có lẽ các nhà tổ chức sợ buồng trứng của chúng tôi sẽ rụng nếu chúng tôi thi đấu 90 phút!”.

Chưa hết, theo hồi ký của nhà báo thể thao Caitlyn Murray thì chiếc máy bay chở đội Mỹ đến Trung Quốc đã phải bay sang châu Âu để cho 2 đội Thụy Điển và Na Uy “quá giang” vì không có kinh phí mua vé sang châu Á. Một số cầu thủ thậm chí còn nói rằng đồng phục của họ là do đồ thừa của các đội nam, được may lại cho vừa. Trong khi các cầu thủ nam được ở khách sạn khi dự World Cup thì các đội nữ đều dùng chung một khách sạn theo kiểu phòng chung. Đến năm 2007, World Cup nữ mới có tiền thưởng…

Bóng đá nữ có bước tiến dài đến thành công
Bóng đá nữ có bước tiến dài đến thành công

Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. 435 triệu USD được FIFA dành cho công tác tổ chức World Cup 2023. Các đội tuyển có khu tập trung riêng trên cả 2 quốc gia đăng cai. Chủ tịch LĐBĐ Mỹ khẳng định, bóng đá nữ đã sẵn sàng cho sự phát triển theo cấp số nhân.

Bà Cindy Parlow Cone nói: “Trước đây, việc điều hành bóng đá nữ gần giống như từ thiện, nay thì nhiều nơi đã nhìn thấy tiềm năng đầu tư. Chúng tôi thấy nhiều người hâm mộ hơn trên khán đài, tất cả những tiến bộ này thật tuyệt vời và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy điều đó”.

Chủ tịch FIFA Infantino cho biết, tổ chức này kỳ vọng 2 tỷ người sẽ mở truyền hình xem World Cup 2023. Đó là lý do mà FIFA quyết định chia đến gần 500 triệu USD cho công tác tổ chức vì họ xem đây là một cơ hội đầu tư cho kinh doanh. Infantino thậm chí còn rất lạc quan: “Chúng ta đã tiến một bước quan trọng và con đường đã rộng mở”.

Bóng đá nữ Việt Nam hình thành từ TPHCM

Bóng đá du nhập vào Việt Nam từ năm 1896 dưới thời Pháp thuộc. Đội tuyển nữ Cái Vồn được thành lập năm 1932 được xem là đội bóng đá nữ đầu tiên của châu Á. Tuy nhiên, sau đó bóng đá nữ gần như không tồn tại cho đến tận những năm đầu thập niên 1990. TPHCM là địa phương tiên phong trong việc phục hồi bóng đá nữ.

Từ năm 1984, bóng đá nữ đã có những buổi tập luyện ở khu vực hồ bơi Lam Sơn (quận 5), sau đến sân Tao Đàn (quận 1). Nhưng khi đó, chỉ tập thôi, còn việc đi đá với những đội khác gần như không thể vì có các quy định bất thành văn ngăn cản việc phát triển bóng đá nữ.

Mãi đến năm 1994, nhân giải đua xe đạp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, TPHCM và Hà Nội phối hợp với nhau đưa các đội bóng đá nữ lên thi đấu phục vụ đồng bào dân tộc dọc hành trình của giải đua xe. Năm tiếp theo, tại cuộc đua xe đạp “Về nguồn” cũng ở miền núi phía Bắc, các cầu thủ nữ lại có dịp thi đấu.

Đến năm 1998, giải vô địch bóng đá nữ quốc gia lần đầu tiên được tổ chức. Năm 2001, Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam vinh danh cả cầu thủ nữ và tiền đạo Lưu Ngọc Mai đoạt Quả bóng đồng năm đó. Đến năm 2002 thì chính thức có hạng mục Quả bóng vàng dành cho cầu thủ nữ.

Tin cùng chuyên mục