CEO Truyền hình K+ chia sẻ về Phát triển và bảo vệ nội dung trong chuyển đổi số

Trong khuôn khổ tuần lễ “Hội nghị Bộ trưởng AMRI lần thứ 16” từ ngày 20 đến 23 - 9, “Hội thảo ASEAN về Chuyển đổi số báo chí - Kiến tạo tri thức số” đã được tổ chức vào ngày 21-9. Tại đây, ông Thomas Jayet, Tổng Giám đốc Truyền hình K+, đã có bài phát biểu về chủ đề phát triển và bảo vệ nội dung trong chuyển đổi số, đồng thời thảo luận về cách thúc đẩy ngành công nghiệp nghe - nhìn trong thời đại số.
CEO Truyền hình K+ chia sẻ về Phát triển và bảo vệ nội dung trong chuyển đổi số

Nội dung trình bày của ông Thomas Jayet thuộc phần 2 của hội thảo diễn ra vào chiều 21-9, với mục tiêu giới thiệu cách làm hay, mô hình thành công của chuyển đổi số báo chí truyền thông - kinh nghiệm từ các nước ASEAN, cùng diễn giả khách mời từ một số đơn vị và quốc gia khác trong khu vực. Ngoài ra, thương hiệu K+ còn có một gian hàng giới thiệu sản phẩm trong ngày 22 đến 23-9.

Bài trình bày của ông Thomas Jayet gồm 7 phần chính: Tổng quan về K+; Hệ sinh thái hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; Phản ứng của thị trường đối với việc chuyển đổi số; Sự bùng nổ của nạn vi phạm bản quyền trong quá trình số hóa nội dung; Hậu quả của nạn vi phạm bản quyền; Lợi ích từ hoạt động chống vi phạm bản quyền mạnh mẽ; Việt Nam: Sự linh hoạt trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền.

Ra đời năm 2009, Truyền hình K+ là liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Tập đoàn CANAL+ Group và Opal (một thành viên thuộc Openasia Group). K+ là thương hiệu truyền hình trả tiền chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, dẫn đầu sản xuất và phát sóng các chương trình giải trí đa dạng thể loại gồm thể thao, phim ảnh, âm nhạc…

K+ hiện phân phối hơn 164 kênh qua nền tảng OTT như App K+ trên thiết bị di động, Smart TV và qua vệ tinh. Đơn vị sản xuất 5 kênh chất lượng cao mang thương hiệu K+ dành riêng cho thị trường Việt Nam gồm: K+SPORT1, K+SPORT2, K+CINE, K+ACTION (hiện được gọi là K+LIFE), K+KIDS.

Việt Nam có lợi thế mạng Internet chất lượng cao nhờ hạ tầng viễn thông phát triển mạnh, kết hợp thói quen mới của khách hàng khiến các ứng dụng số bùng nổ; cùng nhiều tiềm năng trong ngành sáng tạo nội dung. Trong đó K+ có thế mạnh chiến lược về nội dung độc đáo, hấp dẫn, độc quyền trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, gồm: Các giải đấu thể thao trực tiếp đẳng cấp (Ngoại hạng Anh, đua xe Formula 1, võ thuật UFC, quần vợt ATP, LIV Golf…); Loạt phim độc quyền phát sóng song song với thế giới (Ẩn Danh 2, Cuộc Chiến Sinh Tồn…); Các bộ phim nguyên bản thuần Việt mang thương hiệu K+ORIGINAL do K+ đầu tư sản xuất (Trại Hoa Đỏ, Nhà Mình Lạ Lắm!…).

Tỷ trọng thuê bao chuyển dịch mạnh mẽ từ các nền tảng truyền hình truyền thống như vệ tinh, cáp sang nền tảng OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem qua Internet). Hoạt động kinh doanh trên OTT sôi động hơn so với DTH (vệ tinh) từ năm 2023: Hơn 80% hành vi thanh toán được thực hiện trên digital và thiết bị di động, hơn 40% thuê bao chỉ xem trên thiết bị di động.

Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực với 15,5 triệu người truy cập trái phép các website vi phạm bản quyền năm 2022. Về thể thao, hơn 100 website vi phạm bản quyền, 1,5 tỷ lượt xem trên các website lậu trong mùa giải Ngoại hạng Anh 2022-2023. Về phim, hơn 200 website vi phạm bản quyền với hơn 120 triệu lượt xem/tháng. Ông Thomas Jayet nhấn mạnh: Ngành công nghiệp nội dung đang gánh chịu tổn thất do nạn vi phạm bản quyền bùng nổ từ các nền tảng digital và OTT.

Bốn hệ quả chính của nạn vi phạm bản quyền: Gây trở ngại cho quá trình phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa của các quốc gia thông qua ngành công nghiệp nội dung và truyền thông; Phá vỡ chu kỳ lành mạnh giữa chuyển đổi số và nội dung; Gây thiệt hại kinh tế cho ngành công nghiệp Truyền thông và Nội dung; Tác động xấu đến xã hội. Ông Thomas Jayet nhận định: Nạn vi phạm bản quyền gây thiệt hại không chỉ đối với ngành công nghiệp sáng tạo mà còn tác động tiêu cực đến văn hóa, xã hội, nền kinh tế quốc gia.

Lợi ích từ hoạt động chống vi phạm bản quyền đầu tiên là các doanh nghiệp truyền hình trả tiền như K+ có thể tối ưu hóa doanh thu. Theo Media Partner Asia, nếu kiểm soát được nạn vi phạm bản quyền sẽ giúp doanh thu video trực tuyến tăng gấp 3 lần, tăng thêm 11,7 triệu thuê bao hợp pháp đến năm 2027.

Từ đó, các doanh nghiệp có khả năng tái đầu tư vào sản xuất nội dung bản địa độc đáo, các chương trình thể thao độc quyền, tài trợ các liên đoàn thể thao quốc gia. Nguồn tiền này sẽ đóng góp vào thuế, tạo cơ hội việc làm, thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh và sáng tạo phát triển, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa quốc gia.

Sự linh hoạt trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền: Ông Thomas Jayet cho biết việc giảm lượng truy cập vào các website phát trực tuyến trái phép giúp giảm tần suất vi phạm bản quyền như Việt Nam, Malaysia, Singapore. Để làm được điều này, ông chia sẻ cần 3 yếu tố: Công nghệ và nguồn lực; Khung pháp lý tốt; Chung tay góp sức từ các bên liên quan, nhất là từ ISP (Nhà cung cấp dịch vụ Internet).

Tin cùng chuyên mục