Chạm đến và vượt ngưỡng

Bóng chuyền nữ Việt Nam vừa có lần đầu trong lịch sử vào đến vòng bán kết giải vô địch châu Á.

Trước đó, các cô gái của chúng ta đã tạo lập hàng loạt chiến tích như vô địch Cúp các CLB bóng chuyền nữ châu Á, vô địch AVC Challenge Cup, thắng Hàn Quốc ở vòng bảng giải vô địch châu Á… Những thành tích trên phù hợp với vị trí thứ 5 của tuyển nữ Việt Nam trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng chuyền châu lục.

Nếu ai theo dõi bóng chuyền nữ Việt Nam thì có lẽ cũng biết là để có được vị trí hiện nay chúng ta đã phải nỗ lực bền bỉ như thế nào. Từ thế hệ của tuyển thủ Hà Thu Dậu với chiếc HCĐ SEA Games 1997, đến lứa các tuyển thủ Trần Hiền, Phạm Kim Huệ, Bùi Thu Huệ từng vươn đến tốp 7 châu Á, rồi những Ngọc Hoa, Phạm Thị Yến… đến bây giờ cũng đã ngót nghét 30 năm để “nhích” dần trên bảng xếp hạng châu Á. Có thể nói là chỉ để tăng thêm 1 bậc, cũng mất cả 10 năm và một thế hệ tài năng.

Nhưng dù hiện đang ở trong tốp 5 châu Á, kỳ thực bóng chuyền nữ Việt Nam cũng chỉ mới “chạm” đến đẳng cấp hàng đầu châu lục. Gần giống như bóng đá nữ, từ hạng 5 hiện tại của Việt Nam để vươn đến vị trí thứ 4, nơi có suất mặc định dự National League bóng chuyền (kiểu như World Cup nữ) là một khoảng cách rất xa. 4 đội bóng hàng đầu châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc đều ở một đẳng cấp khác, họ thuộc 11 đội bóng “cốt lõi” của FIVB Nations League, không phải thi đấu vòng loại, trong khi Việt Nam muốn dự Nations League phải vượt qua giải Challenge châu Á, sau đó là World Challenge. Vì thế mà chiến thắng trước Hàn Quốc vừa qua ở giải châu Á được xem là “địa chấn”, bởi ngay sau đó, chúng ta thua dễ Trung Quốc ở bán kết dù đội này không đưa đội hình mạnh nhất.

Nói cách khác, “chạm” đến là một chuyện, nhưng có vượt qua giới hạn ấy hay không là chuyện hoàn toàn khác. Mới đây ở môn cầu lông, tay vợt nữ số 1 quốc gia Nguyễn Thùy Linh đánh bại đối thủ hạng 8 thế giới và số 1 Indonesia tại giải China Open, nhưng kết quả đó chưa nói được gì về triển vọng của cầu lông Việt Nam cả. Vì cùng thời gian, tại giải vô địch quốc gia, tay vợt 40 tuổi Nguyễn Tiến Minh có lần thứ 15 đăng quang. Tiến Minh từng vươn đến hạng 7 thế giới, từng đã nói lời giải nghệ, vậy mà đến nay vẫn chưa có đối thủ trong nước. Những gì mà Tiến Minh “chạm” đến ở tầm vóc thế giới chỉ mang ý nghĩa cá nhân, việc anh còn thi đấu là một cố gắng lớn của anh nhưng là thất bại của cầu lông Việt Nam.

Đó là vấn đề cần suy nghĩ. Các tuyển thủ của chúng ta có khả năng vươn đến đỉnh cao, đó là điều chắc chắn vì có 2 yếu tố quan trọng: tài năng và sự kiên trì. Nhưng rõ ràng, chúng ta vẫn thiếu một chiến lược tổng thể, những tầm nhìn dài hạn và sự đầu tư trọng tâm. Vì lẽ đó mà khoảng cách giữa các thế hệ thường quá xa, không có sự tiếp nối và bồi đắp liên tục, khiến cho chúng ta chỉ đủ khả năng “chạm” đến đẳng cấp thế giới nhưng không đủ nội lực để tiến thêm bước nữa, hoặc có tiến thì rất chậm, rất mất thời gian.

Tin cùng chuyên mục