Chạy và… bóng đá

Mùa đầu tiên của Run To Live 2024 - Chạy vì cuộc sống 2024, giải chạy do Báo SGGP phối hợp với Sở VH-TT TPHCM và Công ty Miracle Entertainment Group tổ chức đã kết thúc với thành công ngoài mong đợi ở tất cả các nội dung chạy. Ngoài sự nỗ lực, tính chuyên nghiệp và tâm huyết của nhà tổ chức thì tính phổ biến của chạy bộ là một yếu tố để sự kiện “đi đến nơi, về đến chốn”.

Thông tin về các giải chạy có thể bắt gặp hàng ngày trên các kênh truyền thông. Có thể nói chạy đã trở thành “hot trend” (xu hướng nóng) trong đời sống thể thao ở Việt Nam hiện nay. Từ những giải chạy có quy mô lên đến hàng chục ngàn người tham gia, đến việc một số cá nhân tổ chức sự kiện chạy đơn lẻ nhưng “lôi kéo” được nhiều người cùng chạy với mình cho các mục đích thiện nguyện. Khi chạy trở thành thói quen, thì người tham gia cũng quen dần với việc lên kế hoạch tham gia những sự kiện. Có thể là kết hợp để đi du lịch hoặc để tìm kiếm giải thưởng cũng như tăng các chỉ số cá nhân đối với VĐV chuyên nghiệp. Nhờ vậy, việc tổ chức và tham gia các giải chạy cũng ít phức tạp hơn trước.

cn6-anh1-img-2388-9619.jpg
Sân chơi V-League vẫn chưa thật sự bền vững. Ảnh: P.MINH

Nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó. Sự phát triển quá “nóng” của chạy bộ có thể làm “loãng” phong trào và khiến đời sống của môn thể thao hấp dẫn này trở nên ngắn đi. Ban đầu, những sự kiện chạy do các cơ quan chuyên môn hoặc các đơn vị truyền thông lớn tổ chức. Nhưng khi sự lan tỏa trở nên rộng rãi, thì một số doanh nghiệp, thương hiệu nhận thấy được tiềm năng cho hoạt động tiếp thị nên chuyển hẳn sang tự mình tổ chức thay vì chỉ tham gia tài trợ. Trước mắt thì thấy có lợi, vì nhờ vậy mà phong trào chạy bộ được lan tỏa rộng hơn, khuyến khích người dân tham gia tập thể thao nhiều hơn. Nhưng về lâu dài, khi các doanh nghiệp kết thúc chu kỳ tiếp thị của mình, thì số lượng giải chạy sẽ giảm dần.

Ở góc độ khác, vì chỉ trong một thời gian ngắn mà số lượng giải chạy lại xuất hiện quá nhiều, thì dẫn đến tình trạng thiếu hụt người tham gia. Chạy thì ai cũng có thể, nhưng để thi đấu ở các nội dung đường dài từ bán marathon đến marathon thì phải có kỹ năng và nền tảng tập luyện tốt, trong khi các nội dung này mới là yếu tố quyết định đến đẳng cấp và chất lượng của các giải chạy. Con số VĐV chuyên nghiệp không nhiều, dễ dẫn đến tình trạng giải nào cũng chỉ có chừng đó những gương mặt. Chưa kể càng nhiều giải chạy thì hoạt động tuyên truyền cũng chồng chéo. Nhiều thông tin quá cũng không đem lại hiệu quả, nhất là khâu quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp tài trợ. Đấy là chưa nói, đang có xu hướng địa phương nào cũng tổ chức giải chạy, càng khiến cho yếu tố chuyên nghiệp bị pha loãng nhiều hơn.

Đây là câu chuyện mà bóng đá từng vấp phải ở thời gian đầu làm chuyên nghiệp. Có thời điểm, người ta nói vui V-League là giải đấu ngành ngân hàng, hoặc ngành xây dựng “mở rộng”. Sau này V-League là cuộc đua tiếp thị của các doanh nghiệp bất động sản. Kết quả là tiền đổ vào bóng đá rất nhiều nhưng chẳng giữ lại được bao nhiêu. Cụ thể là số trung tâm đào tạo bóng đá quy mô không nhiều hơn trước, các tuyến U của CLB vẫn phải dựa vào ngân sách địa phương, bởi đơn giản là nguồn tài trợ của doanh nghiệp, thương hiệu chủ yếu phục vụ cho thành tích của đội nhằm quảng bá, tiếp thị chứ không phải là các khoản đầu tư lâu dài.

Đó là lý do mà trong hơn 20 năm phát triển của V-League, có đến hơn 10 CLB xuất hiện đột ngột và biến mất cũng nhanh không kém. Trong khi đó, tổng số CLB chuyên nghiệp, bao gồm cả hạng nhất, đến nay cũng không nhiều hơn thời điểm trước khi V-League ra đời. Trong số 14 CLB V-League hiện nay, có đến 10 đội đã từng dự các giải vô địch quốc gia những mùa đầu tiên hồi thập niên 1980, chỉ có Hà Nội FC và Hà Tĩnh là mới trong hơn 10 năm trở lại đây. Nói cách khác, giai đoạn phát triển nóng của bóng đá Việt Nam không đem lại kết quả đáng kể nào, ngược lại còn khiến cho nền bóng đá phía Nam ngày càng teo tóp.

Để tránh đi vào “vết xe đổ” ấy của bóng đá, các giải chạy cần hướng đến các “nội dung” thực chất, có ý nghĩa khác biệt riêng để tạo dấu ấn và nhận được sự quan tâm của từng nhóm đối tượng VĐV lẫn người chơi phong trào. Ví dụ như giải chạy Run To Live ngay từ tên gọi cho đến mục tiêu sự kiện là hướng đến cộng đồng và các hoạt động nhân văn, gần gũi với đời sống thể thao. Hoặc với các địa phương khi tổ chức giải chạy cũng cần đặt ra những mục tiêu gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội như quảng bá hình ảnh, tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ sự kiện…

Có như vậy mới giúp các nhà quản lý phân loại được từng sự kiện, đâu là giải sẽ hướng đến các chuẩn quốc tế, đâu là sự kiện du lịch văn hóa, hoặc các thông điệp riêng cần nhận được sự tham gia đông đảo của các runner…

Tin cùng chuyên mục