Chuyên nghiệp từ sự minh bạch

Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vừa lên danh sách sơ bộ đội tuyển nữ Việt Nam để chuẩn bị tham dự giải vô địch thế giới 2023 và VĐV Nguyễn Thị Bích Tuyền của Ninh Bình tiếp tục xin không lên tập trung. Lần này lý do từ đơn vị chủ quản đưa ra là do VĐV quê Vĩnh Long “đang chịu áp lực tâm lý lớn” nên thời điểm tập trung này không phù hợp (!?).
Nguyễn Thị Bích Tuyền (đập bóng)
Nguyễn Thị Bích Tuyền (đập bóng)

Về lý thuyết, khi VĐV không có đủ sự tập trung do các yếu tố bên ngoài sàn đấu cũng là một dạng “chấn thương tâm lý” nên cũng khó đạt được phong độ tốt khi lên tuyển. Nhưng vấn đề ở đây là nếu áp lực đó đến từ ngoại cảnh thì tại sao không có biện pháp giải quyết, giải tỏa. Đây không phải là lần đầu mà Bích Tuyền từ chối đội tuyển quốc gia, không lẽ một VĐV giỏi lại không hề có mong muốn được khoác áo tuyển, hoặc cao hơn, là thực hiện trách nhiệm với nghĩa vụ quốc gia?

Được biết, áp lực tâm lý mà VĐV Bích Tuyền đang chịu liên quan đến một số yêu cầu xác định giới tính của cô, đến từ các CLB khác trước vòng 2 giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2023. Đây là một vấn đề nhạy cảm nhưng đòi hỏi cũng không phải vô lý. Ở một mức nào đó, thì người ta mới công khai yêu cầu như vậy nên những người điều hành bóng chuyền cũng cần có giải pháp cụ thể và minh bạch. Đây không chỉ là vấn đề của một cá nhân, bởi những ngờ vực còn tồn tại thì cũng sẽ dẫn đến các hệ lụy lớn hơn, ví dụ như trên mạng xã hội của Thái Lan cũng từng bình luận về vẻ bề ngoài của Bích Tuyền. Rõ ràng, một VĐV tài năng nhưng cứ mãi không lên tuyển thì chắc chắn để lại nhiều dị nghị.

Câu chuyện nằm ở 2 từ: Minh bạch. Có một sự kiện vừa xảy ra ở bóng đá Anh khi lần đầu tiên trong lịch sử có CLB bị trừ đến 10 điểm vì sự thiếu minh bạch trong hoạt động tài chính. Sau khi Everton bị trừ điểm, dư luận đồng loạt yêu cầu điều tra Chelsea và Man City, 2 đội bóng đã thống trị Premier League suốt 2 thập niên qua. Thậm chí còn có một vụ kiện trị giá 300 triệu USD của một số CLB khi họ cho rằng vì sự thiếu minh bạch của Everton trong việc mua sắm cầu thủ, đã làm họ bị xuống hạng, ảnh hưởng nguồn thu.

Đó chính là thể thao chuyên nghiệp. Và cũng theo cách hiểu này, thì càng ít minh bạch thì lại càng không chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, để TTVN phát triển, thay vì đưa ra các định hướng, tầm nhìn hoành tráng như “chuyên nghiệp”, “nhà nghề” thì việc đầu tiên phải làm đó là tăng tính minh bạch và thực hiện nó theo nghĩa rộng hơn. Chúng ta phải kiểm tra, giám sát sức khỏe VĐV một cách bài bản, khoa học để tránh tình trạng sử dụng chất cấm “vì thiếu hiểu biết” hay những yếu tố nhạy cảm như giới tính, sự dân chủ trong tập thể. Minh bạch cũng đi kèm với việc bổ sung những thành phần quan trọng trong hoạt động thi đấu như chế độ dinh dưỡng, sự chăm sóc tâm lý, hồi phục sức khỏe. Một VĐV đỉnh cao không chỉ có đến ngày, đến giờ là ra sân thi đấu. Phần lớn thời gian không thi đấu của họ cũng quan trọng chẳng kém, thậm chí trong môi trường chuyên nghiệp, nó còn tác động lớn đến năng lực thi đấu của họ. Nếu chúng ta chỉ công khai phần thi đấu, không thực sự biết rõ những gì phía sau, thì đó cũng là sự thiếu sót khiến cho nền thể thao không thể chuyên nghiệp.

Tin cùng chuyên mục