Công Phượng có đi lại... vết xe đổ?

Để trả lời câu hỏi này chưa phải lúc, bởi J-League 2023 chỉ mới lăn bóng được 5 vòng đấu. Đang đứng cuối bảng với vẻn vẹn 1 điểm, Yokohama FC bắt buộc phải có sự điều chỉnh về mặt đội hình nếu muốn cải thiện về mặt điểm số. Điều này sẽ mở ra cơ hội thi đấu cho Nguyễn Công Phượng. Những người yêu mến Công Phượng, và cả bản thân Phượng luôn nghĩ về điều tích cực.
Công Phượng trở lại bóng đá Nhật Bản mang theo nhiều kỳ vọng của người hâm mộ Việt Nam.
Công Phượng trở lại bóng đá Nhật Bản mang theo nhiều kỳ vọng của người hâm mộ Việt Nam.

Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, và khả năng Công Phượng được ra sân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào cách dụng nhân của HLV Shuhei Yomoda. Còn hiện tại, sau 5 trận từ đầu mùa giải 2023 chưa được thi đấu, 4 trong số này không được đăng ký vào danh sách, mây đen u ám đang “phủ kín” sự nghiệp của cựu tiền đạo HAGL. Có nhiều lý do đưa Công Phượng trở lại với bóng đá Nhật Bản. Nhưng xét khía cạnh chuyên môn, ở tuổi 28, chưa thể đứng lên tại nơi mình đã vấp ngã cách đây 7 năm, đó là điều không thể chấp nhận với một ngôi sao của bóng đá Việt.

Năm 2016, khi khoác lên bản sắc Mito HollyHock (lúc đó thi đấu J-League 2) theo bản hợp đồng cho mượn từ HAGL, Công Phượng ra sân 5 trận, với tổng số phút thi đấu chỉ 80. Nhưng có thể thông cảm cho Phượng vì bản hợp đồng năm xưa mang yếu tố thương mại hơn chuyên môn. Tiền đạo gốc Nghệ An lần đầu sang Nhật Bản ở tuổi 21, với mục đích chủ yếu để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

Trong 7 năm chơi bóng ở Việt Nam vừa qua, chân sút sinh năm 1995 đã có những thành tích cá nhân lẫn tập thể đáng nhớ, như cùng đội tuyển quốc gia lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 và vô địch AFF Cup 2018. So với các đồng nghiệp, Công Phượng có mọi nền tảng để phát triển về chuyên môn. Tuổi 19 đã được lên đội tuyển quốc gia, kinh nghiệm thi đấu quốc tế đầy mình.

Nhưng hiện tại, niềm tự hào một thời của bầu Đức đã chững lại, và thậm chí còn để các đồng nghiệp vượt qua, nếu dựa vào việc mất vị trí chính thức ở đội tuyển quốc gia. Không được ra sân ở Yokohama FC, hệ lụy kéo theo với Công Phượng là cánh cửa trở lại với đội tuyển cũng đang hẹp dần. Tân HLV Philippe Troussier từng nhấn mạnh về việc sẽ triệu tập những cầu thủ có phong độ tốt nhất ở thời điểm đội tuyển có lịch hoạt động. Chưa kể trận gần nhất của tiền đạo nào ở đội tuyển đã từ tháng 9-2022, thì Phượng lấy đâu ra các thông số để thuyết phục ông Troussier.

Công Phượng đang gặp nhiều khó khăn khi tái xuất với bóng đá Nhật Bản.

Công Phượng đang gặp nhiều khó khăn khi tái xuất với bóng đá Nhật Bản.

Những gì xảy ra với Công Phượng ở Yokohama FC cũng đang trở thành vấn đề với Nguyễn Quang Hải tại Pau FC. Tuần trước, tiền vệ sinh năm 1997 vừa kỷ niệm.... 1 tháng không được ra sân thi đấu ở Pháp. Công Phượng và Quang Hải "xuất ngoại" mang theo nhiều kỳ vọng của người hâm mộ Việt Nam. Hành trình chơi bóng của cả 2 nhận nhiều sự theo dõi, quan tâm, động viên và ủng hộ từ giới điệu mộ. Hướng về tương lai tương sáng và sự tích cực là điều tốt, với điều kiện kèm theo các ngôi sao phải có bước tiến về mặt chuyên môn. Như trường hợp của Huỳnh Như ở Lank FC chẳng hạn.

Còn việc Công Phượng và Quang Hải có chọn sai CLB khi xuất ngoại hay không, thì hãy dựa vào các chỉ số là phần nào hình dung ra được câu trả lời, bao gồm cả câu hỏi ở tiêu đề bài viết. Nhưng chắc chắn, không có chuyến “xuất ngoại” nào là vô bổ.

Tin cùng chuyên mục