Đi tìm một trường phổ thông năng khiếu TDTT đúng nghĩa

Ngày 27-4, đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM do Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát tại Trường THPT năng khiếu TDTT (quận 1). Tại đây, nội dung xoay quanh chức năng và nhiệm vụ của một trường phổ thông năng khiếu TDTT đã được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình triển khai các nội dung tại buổi khảo sát. Ảnh: THANH TÙNG
Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình triển khai các nội dung tại buổi khảo sát. Ảnh: THANH TÙNG

Hiệu trưởng trường THPT năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Yến Phương cho biết, nhà trường có chức năng giảng dạy văn hóa cho học sinh năng khiếu TDTT thuộc các tuyến do Sở VH-TT TPHCM quản lý. Tại đây, các học sinh sẽ được tạo điều kiện tối đa cho việc huấn luyện về năng khiếu để nâng cao thành tích thể thao, song song đó là được học tập văn hóa để bổ sung kiến thức.

Nếu so với các trường năng khiếu TDTT khác trên địa bàn TPHCM thì trường còn gặp khá nhiều khó khăn khi đối tượng học sinh là VĐV thuộc 3 tuyến đào tạo của đội tuyển thành phố. Việc thi đấu và tập huấn dài hạn thường xuyên diễn ra đã làm gián đoạn việc học ở trường của các em. Lúc này, nhà trường sẽ tổ chức các lớp học trực tuyến hoặc lớp ôn luyện để kịp thời bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho đối tượng học sinh năng khiếu.

Đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM tham quan cơ sở vật chất tại trường THPT năng khiếu TDTT. Ảnh: THANH TÙNG

Đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM tham quan cơ sở vật chất tại trường THPT năng khiếu TDTT. Ảnh: THANH TÙNG

Tuy nhiên, việc vừa tập trung luyện tập để nâng cao chuyên môn, giành thành tích cho thể thao TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng vừa học đủ chương trình giáo dục văn hóa và tham gia các kỳ thi như một học sinh bình thường có thể là quá sức đối với đối tượng học sinh năng khiếu. Thực tế hiện nay, đối tượng này vẫn không được hưởng chế độ ưu tiên nào về việc học văn hóa.

Trước thực trạng đang tồn tại ở nhà trường, nhiều ý kiến đã được đưa ra tại buổi khảo sát xoay quanh nội dung “Vậy trường phổ thông năng khiếu TDTT khác gì so với các trường phổ thông bình thường?”. Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho biết, đây là một câu hỏi đơn thuần nhưng mang hàm ý rất lớn. Nhìn chung, các học sinh năng khiếu (đang là VĐV) được ưu tiên thời gian tập luyện hoặc tạo điều kiện để các em ôn tập sau khi thi đấu về, nhưng điều này là chưa đủ.

Các học sinh năng khiếu TDTT vẫn chưa có chế độ ưu tiên trong việc học văn hóa. Ảnh: THANH TÙNG

Các học sinh năng khiếu TDTT vẫn chưa có chế độ ưu tiên trong việc học văn hóa. Ảnh: THANH TÙNG

Nhiều đại biểu tại buổi khảo sát cũng cho rằng, xét ở nhiều góc độ, các trường phổ thông năng khiếu TDTT tại TPHCM vẫn tương tự như trường phổ thông bình thường, bởi vẫn chưa có chế độ ăn ở, nghỉ ngơi gì đặc biệt cho đối tượng học sinh năng khiếu. Các em vẫn tham gia chương trình giáo dục văn hóa phổ thông, rồi khi có giải đấu mới được ban huấn luyện đội tuyển triệu tập để đưa lên các trung tâm đào tạo VĐV.

Qua đây, Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM mong muốn Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu một đề án nâng cao chất lượng đào tạo năng khiếu TDTT cho TPHCM. TPHCM cần có một trường năng khiếu TDTT đúng nghĩa, hội tụ đủ từ cấp tiểu học, THCS, THPT, mà ở đó có chuyên gia tâm lý, đội ngũ y tế, chuyên gia dinh dưỡng, giáo viên đào tạo văn hóa và giáo viên đào tạo năng khiếu TDTT. Từ đó, các phụ huynh sẽ yên tâm cho con em theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp, phát triển nhiều tài năng cho thể thao TPHCM.

Tin cùng chuyên mục