Điều chỉnh chính sách đặc thù, tăng nguồn lực phát triển TDTT TPHCM

Chiều 24-5, đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM do ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban VH-XH làm trưởng đoàn, đã có buổi khảo sát liên quan đến kết quả triển khai Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 7-4-2022 của HĐND thành phố về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV của TPHCM tại Trung tâm Dịch vụ TDTT.
Đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM khảo sát cơ sở vật chất Trung tâm Dịch vụ TDTT. Ảnh: THANH TÙNG
Đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM khảo sát cơ sở vật chất Trung tâm Dịch vụ TDTT. Ảnh: THANH TÙNG

Chính sách hỗ trợ nào cho VĐV xã hội hóa, không thuộc tuyến đội tuyển?

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ TDTT Nguyễn Hữu Thành cho biết, đơn vị hiện đang quản lý bộ môn Triathlon (3 môn phối hợp), gồm 2 HLV, 2 VĐV thuộc đội tuyển thành phố và 2 VĐV thuộc đội trẻ. Trung tâm luôn chủ động tìm kiếm, vận động các nguồn lực kêu gọi xã hội hóa, tài trợ cho các HLV, VĐV để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác huấn luyện, tập luyện phục vụ tham gia giải đấu. Ngoài ra, khi gần đến các giải đấu sẽ triệu tập thêm VĐV nhưng theo hợp đồng ngắn hạn.

Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THANH TÙNG

Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THANH TÙNG

Thực hiện theo Nghị quyết 05, từ tháng 10-2022, trung tâm đã thực hiện chi thưởng cho các HLV, VĐV với kinh phí 730 triệu đồng, gồm: 140 triệu cho HLV, VĐV đạt huy chương tại giải vô địch các CLB Triathlon quốc gia 2022 và tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 là 590 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Thành cho biết, do lực lượng HLV, VĐV được triệu tập trước mỗi giải chiếm số lượng lớn là đối tượng phong trào, không thuộc tuyến thành phố nên họ đang phải tự túc hoàn toàn kinh phí tập luyện, thi đấu và việc khen thưởng chỉ được thực hiện sau khi đạt thành tích. Từ đây, Trung tâm Dịch vụ TDTT kiến nghị Nghị quyết 05 sẽ bổ sung thêm đối với trường hợp các VĐV được triệu tập không trong tuyến, để họ phần nào được hỗ trợ trong quá trình tập luyện, từ đó mở rộng đối tượng tuyển chọn nhân tài cho thể thao TPHCM.

Gặp khó tự chủ tài chính

Trung tâm Dịch vụ TDTT hiện có 2 cơ sở nằm ở số 3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) và 215C Lý Thường Kiệt (quận 11), có chức năng cung ứng các dịch vụ liên quan đến hoạt động, lĩnh vực TDTT; phối hợp với các bộ môn, liên đoàn, hội thể thao TPHCM tổ chức thi đấu các giải thể thao cấp thành phố, quốc gia và quốc tế, các lớp bồi dưỡng chuyên môn...Ngoài ra, tận dụng cơ sở vật chất để hoạt động dịch vụ, kinh doanh về khách sạn, nhà hàng, cho thuê văn phòng…

Cơ sở 3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) được sử dụng để hoạt động dịch vụ, kinh doanh nhà hàng...Ảnh: THANH TÙNG

Cơ sở 3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) được sử dụng để hoạt động dịch vụ, kinh doanh nhà hàng...Ảnh: THANH TÙNG

Tuy vậy, trung tâm là đơn vị công lập tự chủ tài chính toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên nên còn gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện chỉ tiêu. Với tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Cùng với đó là mức thu tiền thuê đất hàng năm của khu 215C Lý Thường Kiệt (7.600m2) theo thông báo phát hành của Chi cục thuế quận 11 (khoảng 6,8 tỷ năm 2023), thì nguồn thu của đơn vị không đủ khả năng để nộp tiền thuê đất và trang trải chi phí hoạt động thường xuyên. Do đó, trung tâm kiến nghị Sở VH-TT cho đơn vị chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

Đồng thời, kiến nghị Sở VH-TT kịp thời có văn bản tham mưu UBND TP về đề xuất của Trung tâm Dịch vụ TDTT về phương án giải quyết nợ thuế tồn đọng đối với khu đất 215C Lý Thường Kiệt, giải quyết sử dụng từ nguồn đơn vị đã thực hiện nộp vào ngân sách TP với số tiền khoảng 63 tỷ đồng. Vì hiện nay, Chi cục thuế quận 1 đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với đơn vị. Do đó, đơn vị không tổ chức được các hoạt động khai thác dịch vụ tạo nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên.

Chương trình tập huấn ở bộ môn bơi được tổ chức tại cơ sở 215C Lý Thường Kiệt (quận 11). Ảnh: THANH TÙNG

Chương trình tập huấn ở bộ môn bơi được tổ chức tại cơ sở 215C Lý Thường Kiệt (quận 11). Ảnh: THANH TÙNG

Phát biểu tại buổi khảo sát, Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình đánh giá cao sự nỗ lực và thành tích mà Trung tâm Dịch vụ TDTT đạt được trong việc thúc đẩy hoạt động TDTT trên địa bàn. Đối với chính sách đặc thù của HLV, VĐV, ông Bình đề nghị Sở VH-TT thành phố cần xem xét và tính toán lại việc ngành thể thao sẽ hỗ trợ được cho VĐV ở khoản nào và kêu gọi xã hội hóa ở khoản nào. Từ đó, Sở VH-TT sẽ báo cáo và tham mưu cho UBND TPHCM xây dựng Nghị quyết đặc thù cho HLV, VĐV, tính đến trường hợp kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ được bao nhiêu cho các đối tượng không nằm trong tuyến hoặc hoạt động bằng nguồn xã hội hóa.

Đối với hoạt động kinh doanh, liên doanh, liên kết lĩnh vực VHTT, ông Bình cho rằng trung tâm đang có 2 vị trí đắc địa, nếu khai thác tối đa công năng và thực hiện tốt các cơ chế quy định thì việc tự chủ tài chính hoàn toàn là có thể, nhưng thực tế hiện nay lại không như vậy. Do đó, phía trung tâm nên mạnh dạn xây dựng các đề án để trình Sở VH-TT TP (cơ quan chủ quản) về việc khai thác tối đa 2 cơ sở, từ đó tập trung nguồn thu rồi đầu tư nâng chất các địa điểm lưu trú và tập luyện cho những bộ môn mà trung tâm quản lý.

Trong khi đó, Sở VH-TT cần khẩn trương trong việc gửi văn bản tham mưu cho UBND TP cũng như trao đổi các đơn vị thuế liên quan để có hướng giải quyết cho trường hợp giải quyết nợ thuế tồn đọng ở Trung tâm Dịch vụ TDTT.

Tin cùng chuyên mục