Đôi bàn tay diệu kỳ của bác sĩ Tuấn “cấp tính”

12 năm gắn bó với công tác bác sĩ thể thao cũng là ngần ấy thời gian mà anh Cao Minh Tuấn hiện thực hóa ước mơ chữa lành những chấn thương mà vận động viên (VĐV) phải chịu đựng, thậm chí có thể vì nó mà chia tay sự nghiệp.

Đó là công việc thầm lặng nhưng không thể thiếu trong thể thao thành tích cao và để làm tốt, đòi hỏi người đàn ông này phải có lòng đam mê và nhiệt huyết.

Mát tay chữa lành

Trên hành trình chinh phục thành công ở thể thao thành tích cao, chấn thương luôn là nỗi ám ảnh với mỗi VĐV. Nhưng những tổn thương ấy là điều mà họ phải làm quen và chấp nhận như một thử thách. Chấn thương dù nặng hay nhẹ, nếu bất ngờ xảy ra nhưng không được xử lý kịp thời hoặc chữa trị sai cách rất dễ khiến VĐV không phục hồi được phong độ cá nhân hoặc thậm chí phải từ bỏ sự nghiệp. Lúc này, bác sĩ thể thao như “chiếc phao cứu sinh”.

"Cái khó của nghề này là phải biết nhẫn nại, tìm hiểu và đặt cái tâm của mình trong từng trường hợp chữa trị cho bệnh nhân. Mình đặt cái tâm vào chữa không màng chi phí, khi thấy các bệnh nhân phục hồi là bản thân tôi đã hạnh phúc rồi"- Bác sĩ CAO MINH TUẤN

Trong giới thể thao Việt Nam, người ta thường nói bác sĩ Cao Minh Tuấn có đôi bàn tay diệu kỳ, chuyên trị vấn đề gân, xương khớp, tiền đình…, chỉ cần xoa chỉnh ở đâu là cơn đau ở đó tan biến ngay. Vốn xuất thân là một VĐV thể hình có tiếng ở những năm 90 nhưng vì chấn thương dai dẳng mà anh Tuấn phải chia tay với sự nghiệp thể thao của mình. May mắn thay, anh gặp được người thầy chữa trị theo phương pháp đông y, từ đó niềm đam mê chữa lành đau đớn cho những người chơi thể thao trong anh lớn dần và anh quyết định “tầm sư học đạo”. Để rồi sau 12 năm gắn bó với công việc này, anh đã giúp bao nhiêu VĐV từ phong trào đến thành tích cao phục hồi sau chấn thương mà không dựa vào phẫu thuật.

Bác sĩ Cao Minh Tuấn đang chữa trị cho bệnh nhân. Ảnh: NGUYỄN ANH

Bác sĩ Cao Minh Tuấn đang chữa trị cho bệnh nhân. Ảnh: NGUYỄN ANH

Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các VĐV chuyên nghiệp như Lê Tú Chinh (điền kinh), Nguyễn Văn Đương (quyền Anh), Lý Hoàng Nam (quần vợt), đội tuyển aerobic TPHCM…, anh nhận ra thực trạng chăm sóc sức khỏe cho người chơi thể thao trong nước còn nhiều hạn chế, nhất là việc điều trị cấp tốc chấn thương lại càng hiếm hơn. Hầu hết các tuyển thủ thường chọn giải pháp chườm đá, xịt lạnh để giảm đau tức thì nếu không may dính chấn thương, bị đau… trong lúc luyện tập và thi đấu. Nhưng cách làm này cũng chỉ giảm đau tạm thời bên ngoài da.

“Bản chất công việc của bác sĩ thể thao là bằng mọi cách giảm thiểu chấn thương và điều trị cho VĐV. Nhưng trong trường hợp đang tập luyện hay thi đấu, VĐV chẳng may bị lật sơ mi, lật cổ tay, hay trật xương khớp, bắt buộc bác sĩ phải chữa cấp tốc trong vòng 15-20 giây, hay vài phút để phục hồi trạng thái ban đầu cho họ”, bác sĩ Tuấn chia sẻ. Theo lời bác sĩ Tuấn kể, được sự tin tưởng của Ban Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM, anh được bố trí công tác tại phòng khoa học và y học thể thao, trong đó phụ trách trực tiếp việc kiểm tra và phục hồi chấn thương cho các đội tuyển, nhất là trước mỗi giải đấu: Đó là lần chữa đau cho 31 VĐV đội tuyển cử tạ tham dự SEA Games 31, hay phải tức tốc bay ra Hải Phòng để phục hồi chấn thương cho một số thành viên đội tuyển aerobic TPHCM trước ngày thi chung kết tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022…

Đa phần các VĐV sẽ gặp chấn thương ở phần cổ, gối, lưng, chân tay. Trong trường hợp không đứt hoặc gãy nghiêm trọng, thì bằng các thao tác xoa nắn, bóp chỉnh, đồng thời bôi thuốc đông y, bác sĩ Tuấn đã có thể chữa lành trong một lần điều trị, hoặc nghiêm trọng hơn sẽ cần 2-3 lần.

Gian nan nghề bác sĩ “cấp tính”

Về lý thuyết, nhiệm vụ của bác sĩ thể thao sẽ là tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho VĐV gặp chấn thương, hỗ trợ họ tập luyện trong quá trình hồi phục hay tập để phòng tránh chấn thương khi thi đấu. “Sau khoảng thời gian làm việc, tôi nhận ra mặt bằng chung về y học thể thao, chăm sóc y tế trong thể thao ở Việt Nam còn khá hạn chế. Đa phần người chơi thể thao tại Việt Nam có đau cũng sẽ tự chữa, mua thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng. Thậm chí rất nhiều VĐV có vấn đề với cơ thể nhưng họ vẫn nén đau để ra sân”, bác sĩ Tuấn nhận định.

Đa phần các bác sĩ thể thao tại Việt Nam sẽ điều trị những trường hợp chấn thương dựa trên kết quả của kiểm tra chuyên sâu và thăm khám trong bệnh viện, chẩn đoán, phim X-quang…, nhưng chuyên chữa “cấp tính” theo phương pháp đông y như bác sĩ Tuấn thường rất hiếm. Xoa, nắn hay chỉnh xương khớp nghe có vẻ là những động tác quen thuộc của một chuyên viên vật lý trị liệu, thế nhưng cái khó ở đây là bác sĩ cũng phải hiểu VĐV và môn thi đấu rất rõ, từ đó xác định đúng vị trí và loại chấn thương xảy ra để nhanh chóng thực hiện phương pháp điều trị dứt điểm, giúp VĐV tiếp tục thi đấu. Thời gian của toàn bộ quá trình này rất nhanh, đôi khi chỉ vài phút.

Không chỉ chuyên trị cho VĐV thành tích cao, mà bác sĩ Tuấn còn điều trị cho nhiều người chơi thể thao nghiệp dư, hay có những người có vấn đề về xương khớp, bởi họ đều nghe danh anh mà tìm đến. 12 năm gắn bó với nghề là ngần ấy thời gian vị bác sĩ này tìm tòi những phương pháp điều trị tối ưu, tìm hiểu và mua các dược liệu ngâm thuốc nhằm giúp các bệnh nhân sớm quay trở lại trạng thái cơ thể tốt nhất. Điều đặc biệt hơn là toàn bộ quá trình điều trị và giúp các bệnh nhân phục hồi, đều miễn phí.

Tin cùng chuyên mục