HLV Phạm Hồng Thắng (Dự án GUMBĐ ở Đắk Nông): Nỗi lòng người thầy muốn hỗ trợ phát triển bóng đá tỉnh nhà từ nấc thang xã hội hóa

Để Dự án Gieo ước mơ bóng đá phát triển ra đến 6 tỉnh thành, và vừa chạy thêm dự án mới tên là 01:30 (một cá nhân/tổ chức/đội bóng sẽ đứng ra đỡ đầu cho lớp - có 30 em nhỏ/tỉnh) chuẩn bị trải rộng ra 7 tỉnh khác, Trúc Phương và cả ê kíp đã nỗ lực rất nhiều. Nhưng nếu chỉ để vận hành Dự án GUMBĐ ở Đắk Nông, rồi Dự án chuẩn bị đại diện tỉnh nhà tham dự Giải bóng đá U9 toàn quốc, đó là những hỗ trợ không biết mệt mỏi từ HLV Phạm Hồng Thắng!
Dự án GUMBĐ ở Đắk Nông chuẩn bị tham dự Giải U9 toàn quốc 2023. Ảnh: THANH ĐÌNH
Dự án GUMBĐ ở Đắk Nông chuẩn bị tham dự Giải U9 toàn quốc 2023. Ảnh: THANH ĐÌNH

Người thầy chấp nhận giảm thu nhập, đi hàng chục cây số 3 ngày/tuần

Để nói về thầy Phạm Hồng Thắng, Trúc Phương dành những lời lẽ tôn trọng, và chân thành nhất: “Anh ấy rất nhiệt tình. Anh Thắng đi làm ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đắk Nông, nên bình thường anh ấy đã có các lớp học của mình. Dù vậy, khi Dự án GUMBĐ ở Đắk Nông bắt đầu được triển khai, anh ấy tình nguyện bỏ chỗ thu nhập tốt để sang phụ tôi, nơi thu nhập chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3”.

“Để đi làm, đi dạy 3 buổi/tuần, anh Thắng phải di chuyển rất xa từ trung tâm đến nơi mở lớp cách hàng chục kilomet. Thậm chí, cả những ngày mưa gió, anh ấy cũng cố gắng đi dạy, vì các em nhỏ thì anh biết rồi, nếu không có người lớn đôn đốc, sẽ lười, sẽ quên, gọi điện thoại thúc giục thì không ổn vì điện thoại mất sóng... Rất nhiều thứ khác. Suốt thời gian qua, nhờ anh Thắng, các lớp học ở Đắk Nông mới liên tục duy trì, trừ thời gian dịch bệnh”.

Tuy vậy, phải khi trao đổi với anh Thắng, tôi mới thấy những khó khăn mà người HLV cho các em nhỏ này phải đối mặt suốt thời gian qua, cả khát khao muốn hỗ trợ bóng đá tỉnh nhà vốn còn rất là kém phát triển, để từng bước đi lên chuyên nghiệp, thông qua những nấc thang xã hội hóa cơ bản nhất, ở đây chính là Dự án GUMBĐ.

Nung nấu giấc mơ dự U9 toàn quốc từ hướng đi xã hội hóa

Thầy Thắng nhiệt tình chia sẻ: “Tôi sinh năm 1983, hiện đang công tác tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đắk Nông và đang sống tại tại TP Gia Nghĩa. Trước khi Dự án GUMBĐ được thành lập, tôi quản lý các đội U như là U9, U11, U13, U15. Công việc của tôi là đưa các cháu đi đá giải phong trào của tỉnh, rồi các tỉnh lân cận và các khu vực”.

“Các cháu đá khá tốt, nhưng chơi ở các giải đấu phong trào, khi gặp mình mạnh thì các đội khác đưa vào những cầu thủ có tầm vóc không giống các em cùng tuổi để đối phó. Mình để thua mấy trận đó ức chế lắm anh à. Khi bắt đầu có Dự án GUMBĐ của Trúc Phương, tôi nhìn ra được, có thể phát triển bóng đá Đắk Nông đi lên chuyên theo hướng xã hội hóa, dù hơi khó. Phương sắm cho mình cái cần câu, thì mình cần cố gắng hơn”.

“Bên cạnh đó các bé, các cháu, các em ở Đắk Nông đặc biệt rất yêu thích bóng đá, đá khá tốt. Mô hình GUMBĐ nhanh chóng được tiếp nhận và đến thời điểm này, chúng tôi đã cung cấp khá nhiều cầu thủ cho các Học viện đào tạo bóng đá nhí, trẻ chuyên nghiệp. Từ những nấc thang đầu tiên này, tôi rất mong muốn đưa GUMBĐ Đắk Nông đến tham gia giải U9 toàn quốc của năm nay”.

Các em nhỏ đá khá tốt

Các em nhỏ đá khá tốt

Lên kế hoạch từ năm ngoái

“Để chuẩn bị cho U9 toàn quốc 2023, tôi đã lên kế hoạch từ rất sớm, hồi tháng 8-2022 khi Vòng chung kết U9 toàn quốc năm ngoái còn diễn ra ở Đắk Lắk. Tôi xin nghỉ phép ở cơ quan, và bắt xe lên Đắk Lắk xem các đội thi đấu tại giải. Ở đây, tôi đã làm quen với BTC, xin số điện thoại để liên lạc, và mong muốn được tham gia giải năm sau (là giải năm nay)”.

“Từ sự nhiệt tình của BTC giải, tôi về làm các thủ tục, giấy tờ để xin phép tỉnh nhà cho Dự án GUMBĐ đại diện cho Đắk Nông tham dự Giải U9 toàn quốc năm nay. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông đã có quyết định đồng ý và đây chính là một bước ngoặt của Dự án GUMBĐ nói chung khi có sự phát triển vượt bậc, nhận được công nhận của chính quyền địa phương”.

“Để chuẩn bị lực lượng thi đấu giải toàn quốc, ngoài nòng cốt là 15 em của lớp học GUMBĐ tại Đắk Glong - Quảng Khê, tôi phải đi các huyện khác tìm nhân tố bổ sung, mỗi huyện chừng 3-4 ngày, và đi hết 7 huyện, một thành phố. Sau đó, tôi tập trung các em về TP Gia Nghĩa để tập luyện thường xuyên, chuẩn bị cho giải U9 năm 2023".

Thầy Thắng đang hướng dẫn các em

Thầy Thắng đang hướng dẫn các em

"Những ngày này, 18 vận động viên thuộc đội bóng đá U9 tỉnh Đắk Nông đang miệt mài luyện tập tại sân bóng đá mini Tỉnh đoàn. Đây là lần đầu tiên Đắk Nông có đội U9 dự giải U9 toàn quốc nên việc tuyển chọn vận động viên, tổ chức luyện tập được Ban huấn luyện và các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm".

"Với khát vọng mang chiến thắng về cho Đắk Nông, các vận động viên nhí không ngại khó, ngại khổ, hăng say luyện tập và hứa sẽ thi đấu thật tốt, ghi được nhiều bàn thắng, để không phụ công lao của Ban huấn luyện..." - Truyền hình Đắk Nông.

Thuận lợi: Được xã quan tâm, phụ huynh hoàn toàn tạo điều kiện

Để chuẩn bị cho một đội bóng gồm các em nhỏ chuẩn bị đi đá giải toàn quốc dành cho độ tuổi nhỏ nhất Việt Nam, anh Thắng được tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Đầu tiên là từ chính quyền địa phương. Dù ban đầu, quá trình đăng lý, làm thủ tục và giấy tờ chưa được trơn tru, phải làm lại nhiều lần, do cán bộ địa phương còn rất bỡ ngỡ với việc một đội bóng đại diện cho Đắk Nông tham dự giải toàn quốc từ kinh phí xã hội hóa, nhưng “họ rất nhiệt tình, cùng giúp tôi hoàn thiện mọi thủ tục”.

“Đây là lần đầu tiên, Đắk Nông có đội bóng tham dự giải U9 toàn quốc, xã và tỉnh rất quan tâm, theo dõi đội sát sao. Điều này tạo ra hiệu ứng tích cực cho sự phát triển của phong trào bóng đá trẻ và bóng đá nhí tại địa phương. Bên cạnh đó, phụ huynh - cha mẹ các cháu được tuyển chọn vào đội cũng hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện, đóng góp cả một phần kinh phí. Dự án của Trúc Phương cũng trích tiền để tôi thực hiện giấc mơ của mình”.

Khó khăn: Tài trợ hầu như không xin được, các em nhỏ rất hồn nhiên

Đóng góp kinh phí từ phụ huynh và tiền trích từ Quỹ GUMBĐ của Trúc Phương cũng có giới hạn. Đó là lý do, đến tận ngày hôm nay, Trúc Phương vẫn đang chạy vạy đi xin tiền tài trợ ở nhiều nơi để các em, các cháu có xe di chuyển, có máy bay và bay ra Bắc Ninh.

Dự án vẫn đang trong quá trình thành hình và còn phát triển ra nhiều tỉnh thành, chiến dịch tham dự giải U9 toàn quốc chỉ là một phần nhỏ trong số đó, nên tất cả mọi thứ phải tính toán rất kỹ. Đội hiện không có sân bãi để tập luyện chuyên nghiệp, dụng cụ tập luyện thiếu thốn... “Ngoài ra, còn có một số người không ủng hộ, thậm chí còn nói xấu vì hiểu sai công việc của mình!”, anh Thắng kể.

Ngoài khó khăn thường thấy về kinh phí, anh Thắng chia sẻ thêm những khó khăn cực kỳ dễ thương khi phải làm một người thầy quản các cháu, các em, trước khi làm HLV dạy dỗ và rèn luyện các cầu thủ: “Các cháu nhỏ lần đầu xa gia đình, nhớ mẹ nhớ cha nên khóc nhè suốt thôi. Mỗi khi như vậy, phải dành thời gian ra dỗ dành để các em nguôi ngoai nỗi nhớ. Ngoài ra, các bé còn nhỏ nên sự tập trung trong công tác tập luyện chưa cao. Khi tập luyện, một số em lại bị chấn thương”

Cần nhiều hơn nữa cán bộ thể thao chung tay hỗ trợ

Tháng 8 tới đây, Dự án GUMBĐ sẽ đến Bắc Ninh tham dự giải U9 toàn quốc, đánh dấu bước chuyển mình đáng kể chương trình này, một trong những nấc thang xã hội hóa thể thao - vì cộng động với mô hình rất đáng trân trọng. Nhưng mọi chuyện với cả Trúc Phương, các cộng sự ở nhiều tỉnh thành, và với cả thầy Thắng ở Đắk Nông vẫn còn ở phía trước, nghĩa là, khó khăn vẫn còn nguyên và bủa vây hàng ngày, càng lúc càng nhiều thêm.

Thế nên, khi được hỏi, hiện bản thân cần những gì, thầy Thắng chỉ nói: “Tôi thì nhiệt huyết, và rất có trách nhiệm với công việc mình làm, nhưng một mình tôi làm không hết được mọi thứ. Thế nên, Dự án ở Đắk Nông cần nhiều hơn nữa cán bộ thể thao hợp tác cùng chung tay hỗ trợ nhau, để phát triển Dự án nói riêng và giúp phong trao bóng đá tỉnh nói chung, được cải thiện. Điều này là cực kỳ quan trọng”.

Thầy Thắng (hàng đầu bên trái) cần thêm nhiều cán bộ thể thao hỗ trợ

Thầy Thắng (hàng đầu bên trái) cần thêm nhiều cán bộ thể thao hỗ trợ

Tin cùng chuyên mục