Khó như đoạt huy chương olympic

Những thay đổi trong các cuộc thi đấu vòng loại cũng như sự phàn nàn về việc Thế vận hội (Olympic) mở rộng quá nhiều khiến cho việc giành vé dự sự kiện thể thao vĩ đại nhất hành tinh ngày càng trở nên chông gai. Thể thao Việt Nam đã phải đổi mục tiêu từ việc tìm kiếm huy chương trở thành tìm vé dự Olympic Paris (Pháp) 2024 cho phù hợp với thực tế.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành Huy chương vàng tại Olympic
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành Huy chương vàng tại Olympic

Theo một nghiên cứu của Anh quốc thì cơ hội trung bình để một VĐV có thể đoạt huy chương Olympic là 2,7%. Con số này sẽ thay đổi tùy vào trình độ của VĐV, giới tính hay môn thể thao họ tham gia tranh tài. Ví dụ như tỷ lệ thắng huy chương cao nhất năm ở môn Water Polo (10%), kế đến là bóng rổ và bóng ném (8,3%). Lý do khá đơn giản, các môn này chỉ mạnh ở một số quốc gia, là môn chơi tập thể và số đội tham gia tranh tài ít hơn các môn khác. Môn bóng đá cũng nằm trong số này với 6,3%. Ngược lại, các tỷ lệ thắng huy chương thấp nhất nằm ở điền kinh (2,1%), đua xe đạp (2%), quần vợt (1,9%). Đây chắc chắn là những môn mà thể thao Việt Nam gần như chẳng có cơ hội nào. Nhưng điều đáng mừng là các môn mà chúng ta có thế mạnh, từng có huy chương như bắn súng (3,8%), Taekwondo (6,2%) hay cử tạ (5,1%) đều ở trong nhóm trung bình về tỷ lệ chiến thắng.

Trong 206 thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đến nay, vẫn có 68 đoàn chưa từng giành được bất kỳ huy chương nào. Có 18 đoàn đến nay chỉ mới có duy nhất 1 HCV, trong đó có Việt Nam. Xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, đoàn có nhiều HCV Olympic nhất là Thái Lan với 10 chiếc, trong đó có 5 đến từ bắn súng và 5 là cử tạ. Indonesia xếp thứ 2 với 8 HCV nhưng cả 8 chiếc đều đến từ môn cầu lông vốn là thế mạnh của họ. Nghĩa là Indonesia chưa từng có HCV nào khác ngoài cầu lông, môn mà họ từng thống trị thế giới. Việt Nam, Singapore và Philippines là các quốc gia Đông Nam Á còn lại từng có 1 HCV. Thậm chí như Malaysia, đoàn thường xuyên đứng trên Việt Nam tại Asiad nhưng lại chưa từng có HCV nào cả.

Theo bảng tổng sắp huy chương trong lịch sử Olympic, thì 10 đoàn tốp đầu đã chiếm hơn 60% tổng số HCV, 10 đoàn tiếp theo chiếm thêm hơn 20% nữa. Nghĩa là 20 đoàn thể thao mạnh nhất thế giới đã thống trị đến 82% tổng số HCV, và phần còn lại sẽ tranh đua với nhau số lượng ít ỏi còn lại. Như thế mới thấy việc có mặt tại Olympic đã khó, thắng huy chương còn khó hơn chứ chưa nói đến kỳ tích HCV như của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Tuy nhiên, cũng theo tài liệu nghiên cứu của Anh quốc, dù cơ hội để thắng huy chương Olympic là rất khó nhưng nếu tập trung phát triển các môn thể thao thế mạnh, phù hợp với VĐV và có sự tập trung đầu tư toàn diện thì chiến thắng sẽ đến trong tương lai. Trên thực tế, có đến 124 đoàn thể thao khác nhau đã từng thắng HCV trong tổng số 148 đoàn từng đoạt một huy chương Olympic.

Tin cùng chuyên mục