Luyện kiếm đạo, luyện cốt cách tinh thần

Là môn thể thao còn khá xa lạ với nhiều người nhưng kiếm đạo (Kendo) dần trở nên thu hút người tập với những động tác linh hoạt và đường kiếm dứt khoát. Học kiếm đạo không chỉ giúp rèn luyện thể chất mà còn nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần.

Kiếm đạo không kén chọn độ tuổi hay giới tính của người tập. Ảnh: THANH TÙNG
Kiếm đạo không kén chọn độ tuổi hay giới tính của người tập. Ảnh: THANH TÙNG

Từ lạ thành quen

Du nhập từ Nhật Bản, kiếm đạo là môn võ thuật tái hiện trực tiếp và đậm nét hình tượng của các chiến binh, chiến đấu với trường kiếm (shinai) trong bộ giáp phục ấn tượng. Điểm thu hút của bộ môn với nhiều người là tiếng thét vang của các võ sinh khi thực hiện động tác, bộ giáp trông “rất ngầu” bao gồm mũ trùm kín, giáp bảo vệ cơ thể, găng tay và dụng cụ tập trên tay là thanh kiếm tre. Các võ sinh sẽ sử dụng kiếm tre để đối kháng trực tiếp vào 4 vị trí tấn công trên bộ giáp phục của đối phương gồm: mặt, cổ tay, hông và cổ họng. Sự khổ luyện liên tục trong nhiều năm giúp đòn đánh được tung ra với tốc độ cao trong thời gian cực ngắn. Âm thanh của kiếm tre khi thực hiện động tác toát ra trong trẻo, cao vút và tạo khí thế cho người tập. Kiếm đạo là môn thể thao khá dễ tiếp cận, không hề kén chọn người tập, độ tuổi hay giới tính. Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng có thể tập kiếm đạo.

Theo chia sẻ của HLV trưởng đội tuyển kiếm đạo TPHCM Nguyễn Sỹ Hiệp, bộ môn này hạn chế tối đa việc chấn thương do người tập đã được bảo hộ chặt chẽ trong bộ giáp. Điểm độc đáo ở đây nếu người tập càng lớn tuổi thì đường kiếm càng đẹp và trầm ổn hơn. Mỗi buổi tập, các võ sinh sẽ ngồi thiền để loại bỏ mọi suy nghĩ tạp niệm, sau đó thi lễ (phép chào giữa các thành viên), rồi đến các bài tập khởi động làm nóng, bài tập cơ bản, đối luyện... Vào cuối mỗi buổi học, các võ sinh có thể thi đấu giao lưu, kiểm tra năng lực hàng tuần, hàng tháng.

Tại TPHCM, hiện có khoảng 16 câu lạc bộ đang hoạt động trên địa bàn. Chủ tịch Liên đoàn Kiếm đạo TPHCM Trần Thanh Tùng cho hay: “Những đòn đánh nhanh, mạnh và liên tục của kiếm đạo giúp tăng sức mạnh thể chất (nhất là chân, hông và tay), tăng sự dẻo dai và khả năng kết hợp cơ khớp của toàn thân. Tiếng thét trong kiếm đạo tăng khả năng hô hấp và còn tăng sự tự tin của võ sinh. Ngoài ra, kiếm đạo còn giúp võ sinh tu dưỡng nhân cách, xây dựng sức mạnh tinh thần, sự điềm đạm, tập trung, tỉ mỉ, ý chí vượt qua thử thách và có trách nhiệm đối với từng hành động của mình”.

Từng bước chuyên nghiệp hóa

Năm 2020, Liên đoàn Kiếm đạo TPHCM được thành lập, từ đó định hướng bộ môn phát triển theo con đường chính thống, bài bản và chuyên nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam chưa có liên đoàn kiếm đạo cấp quốc gia, liên đoàn của TPHCM trở thành đại diện trong mối quan hệ quốc tế và khu vực về kiếm đạo. Liên đoàn Kiếm đạo TPHCM phối hợp các câu lạc bộ thành viên tham gia nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... HLV Nguyễn Sỹ Hiệp chia sẻ: “Trở thành một VĐV kiếm đạo không cần yếu tố đặc biệt nào, mà cần sự đam mê, dấn thân, cống hiến tập luyện. Khi có cơ hội sang nước ngoài thi đấu và tập huấn, tôi bắt gặp những người tập có các khiếm khuyết trên cơ thể, dù vậy họ vẫn cho thấy sự đam mê, nhiệt huyết với bộ môn, thậm chí đạt các đẳng cao hay giành chức vô địch tại các giải. Nếu VĐV có tố chất, chỉ cần 1-1,5 năm luyện tập là có thể thi đấu, người tập bình thường thì khoảng 2-3 năm”.

Đội tuyển kiếm đạo TPHCM được thành lập với 20 VĐV, 1 HLV trưởng, 4 HLV phó, đào tạo chuyên sâu để tăng cường chuyên môn các câu lạc bộ thành viên và tham gia các giải đấu trong nước cũng như quốc tế. Việc thành lập và huấn luyện đội tuyển thành phố là một trong những định hướng của Liên đoàn Kiếm đạo TPHCM nhằm hệ thống hóa công tác tuyển chọn, đào tạo, xây dựng lực lượng cho bộ môn. Liên đoàn còn phối hợp Sở VH-TT TPHCM thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn chuyên sâu, lớp đào tạo trọng tài, HLV và cấp chứng chỉ hành nghề. Từ đó, các nhân sự này sẽ trở thành những “hạt giống” để phát triển phong trào mạnh mẽ hơn, đưa bộ môn này đến gần hơn với cộng đồng, thu hút nhiều người tham gia tập luyện.

“Nếu so sánh với các môn của Nhật Bản như Judo, Karate hay Aikido phát triển lâu đời tại nước ta, thì kiếm đạo có phong trào phát triển theo hướng đại chúng mới chỉ hơn 10 năm, trong khi Liên đoàn Kiếm đạo TPHCM cũng mới thành lập khoảng 4 năm. Do chưa có liên đoàn kiếm đạo quốc gia, nên không thuộc hệ thống liên đoàn quốc tế, dẫn đến việc VĐV muốn thi lấy đẳng cấp phải ra nước ngoài, hay việc tham gia và đăng cai tổ chức các cuộc thi kiếm đạo cấp khu vực, quốc tế cũng sẽ khó khăn hơn”, Chủ tịch Liên đoàn Kiếm đạo TPHCM Trần Thanh Tùng thông tin.

Đến với Kendo, các võ sinh không chỉ được học về kiếm thuật mà học cả kiếm đạo, hay còn gọi là cốt cách người dùng kiếm. Trong mối quan hệ với người khác, kiếm đạo đề cao tinh thần “giao kiếm tri ái” (trao yêu thương và hiểu biết qua từng đường kiếm), nghĩa là mỗi lần tập luyện với bất kỳ võ sinh nào khác là những cơ hội để cả hai cùng chia sẻ sự hiểu biết và kỹ thuật để cùng nhau tiến bộ. Khi hiểu được triết lý đó, các võ sinh sẽ trân quý những cơ hội tập luyện với nhau, duy trì sự tôn trọng, yêu thương mọi người.

Tin cùng chuyên mục