“Miếng đánh” sút xa

Nhận đường chuyền từ Nguyễn Thái Sơn, Phạm Tuấn Hải xoay người dứt điểm trước vòng cấm, đưa bóng đi chìm vào góc xa khung thành của Syria. Một bàn thắng đẹp mở ra chiến thắng 1-0 cho thầy trò ông Philippe Troussier ở trận giao hữu vào tối 20-6 trên “chảo lửa” Thiên Trường. Điều quan trọng là sự kiên nhẫn trong việc triển khai những “miếng đánh” sút xa của đội tuyển Việt Nam đã phát huy được hiệu quả.
Nguyễn Tuấn Anh suýt có bàn thắng vào lưới Syria với tình huống sút xa ở cuối hiệp 1. ẢNH: MINH HOÀNG
Nguyễn Tuấn Anh suýt có bàn thắng vào lưới Syria với tình huống sút xa ở cuối hiệp 1. ẢNH: MINH HOÀNG

Đội tuyển Việt Nam rất tích cực sút xa ở cuộc tiếp đón Syria. Không có số liệu thống kê cụ thể, song đội chủ nhà đã gần hơn với bàn thắng từ những tình huống bóng “sống” như thế. Một phần vì sau nửa thời gian hiệp 1 các pha phối hợp rơi vào trạng thái bế tắc, lối dẫn vào khung thành của Syria bị bịt kín, Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội phải chuyển đổi cách tiếp cận. Trong 20 phút cuối của hiệp 1, Quang Hải cùng Nguyễn Công Phượng đã tung ra 4 pha dứt điểm ngoài vòng cấm. Nguyễn Tuấn Anh suýt mở điểm khi đưa hướng bóng làm rung lưới mép ngoài cầu môn Syria. Ngay cả tiền đạo “chim mồi” Nguyễn Văn Tùng cũng được ông Troussier khuyến khích thử vận may mắn với phương án sút xa.

Khi áp lực với những pha dứt điểm từ ngoài vòng cấm liên tục được tạo ra, thì việc Tuấn Hải ghi bàn thắng là hệ quả tất yếu. Các học trò của HLV Troussier đã kiên nhẫn với cách chơi của mình, để rồi quả ngọt chín nở. Không riêng trận đấu với Syria, các tuyển thủ Việt Nam còn thực hiện “miếng đánh” tương tự ở trận đấu với Hồng Kông (Trung Quốc). Nếu không bị xà ngang từ chối, thì cú ra chân của Phạm Xuân Mạnh vào cuối trận đấu này sẽ là một “siêu phẩm” để đời.

Ở buổi họp báo sau trận thắng Syria, HLV Troussier hài lòng về màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam, nhất là khi các học trò đã ghi bàn từ bóng “sống”. Để có thể nâng cao trình độ và đi xa hơn nữa, thì đội tuyển Việt Nam cần đa dạng hơn các phương án tấn công. Trong đó, sút xa là phương án tiếp cận khung thành đối phương nhanh nhất. Khi 2 đội bóng gần như có sự tương xứng về trình độ, mọi thứ rơi vào trạng thái bế tắc, thì chỉ cần một khoảnh khắc như pha dứt điểm của Tuấn Hải vào lưới Syria vào tối 20-6 sẽ quyết định đến kết quả chung cuộc trận đấu.

Công Phượng tích cực sút xa ở trận đấu với Syria. ẢNH: MINH HOÀNG

Công Phượng tích cực sút xa ở trận đấu với Syria. ẢNH: MINH HOÀNG

Phải thừa nhận sút xa không phải “miếng đánh” mới của các đội tuyển Việt Nam, nhưng để đạt đến cảnh giới của sự nhuần nhuyễn thì vẫn phải tập luyện hơn nữa. Song có cảm giác những cú sút từ chân Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải... ở trận đấu với Syria được ông Troussier rèn rất kỹ. Chỉ cần nhận thấy một khe hở dù nhỏ trước mặt, các tuyển thủ Việt Nam lập tức tự mở ra cơ hội “ngon ăn” cho mình. Đây là phương án tấn công có sự sắp đặt và được luyện đi luyện lại nhiều lần. Đội tuyển Việt Nam cũng đang sở hữu những cầu thủ có tư duy và kỹ - chiến thuật tốt như Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải hay Nguyễn Hoàng Đức, để có thể tận dụng tốt cơ hội tiếp cận cầu môn từ xa.

Tất nhiên, tính chất của một trận giao hữu không thể so sánh với giải đấu chính thức. Song những thử nghiệm của HLV Troussier, trong đó có việc sút xa, đã và đang mang đến tín hiệu tích cực về mặt ý tưởng tấn công cho toàn đội. Từ đó, có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào guồng quay giải đấu.

Tin cùng chuyên mục