Ngoại hạng Anh mùa 2023-2024: Sức hút của giải đấu hàng đầu thế giới

Giải Ngoại hạng Anh sẽ khai diễn vào cuối tuần này. Cách đây 2 tuần, HLV Pep Guardiola của Man.City đã nhận định: “Giải vô địch Saudi Arabia - Saudi Pro League đang đe dọa Premier League”.
Mùa giải mới của Ngoại hạng Anh hứa hẹn hấp dẫn
Mùa giải mới của Ngoại hạng Anh hứa hẹn hấp dẫn

Tờ tạp chí kinh doanh Forbes đánh giá nhận xét của Pep là đáng để chú ý vì sức mạnh đồng tiền và nhu cầu gia tăng quyền lực mềm của quốc gia Ả Rập này là không có giới hạn. Nhưng bài bình luận trước mùa giải của tờ báo Guardian lại tin rằng tiền không phải là yếu tố làm nên sự cường thịnh của bóng đá Anh.

Hiện các CLB hàng đầu ở Anh chỉ kiếm tiền nhiều hơn các đội phải xuống hạng khoảng 1,8 lần. Tỷ lệ này ở Tây Ban Nha có thời điểm lên đến gấp 12 lần. Tính cạnh tranh của bóng đá Anh chính là điểm tựa hy vọng cho các CLB hạng thấp, cũng là động cơ để các nhà đầu tư ngoại quốc sẵn sàng đổ tiền vào những đội cấp thấp để hướng đến ngày lên đá ngoại hạng. Từ năm 1969 đến nay, có đến 12 nhà vô địch Anh khác nhau và không đội nào vô địch giải đấu này quá 5 lần. Nhưng từ năm 2003 đến nay, khi Roman Abramovich đến Chelsea thì 17 trong số 20 danh hiệu đã được chia cho 3 đội là Chelsea và 2 đội thành Manchester, cho dù có rất nhiều đội bóng cũng bỏ tiền ra nhiều chẳng kém gì họ.

Người ta thống kê rằng Man.United thành công nhất lịch sử nhưng chỉ thắng 20 chức vô địch trong 124 năm lịch sử bóng đá đỉnh cao nước Anh. 3 đội có số lần vô địch nhiều nhất (Man.United, Liverpool, Arsenal) cũng chưa chiếm đến 50% số danh hiệu. Mỗi đội bóng tại Anh đều mang trên mình lịch sử của riêng họ, vì thế mà năm ngoái, trung bình mỗi trận đấu ở giải hạng 4 (League Two) vẫn có đến 5.700 người mua vé vào sân. Sức hút đó tạo ra sự khác biệt của Premier League và khiến nó được nâng tầm thành “Văn hóa bóng đá”.

Dựa trên các nền tảng như vậy, giới phân tích của Anh khá dè dặt khi đánh giá triển vọng vô địch của các CLB như Man.United, Liverpool hay Chelsea mùa này. Các thế lực truyền thống này đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Liverpool phải bán đến 10 cầu thủ, trong khi chỉ mới mua được 2 tiền vệ trong nỗ lực làm mới hoàn toàn tuyến giữa. Man.United bổ sung đủ 3 vị trí ở 3 tuyến, tiêu tốn đến 140 triệu bảng nhưng chất lượng của họ vẫn cần thời gian để kiểm chứng. Chelsea thì lại gần như “đập hết, xây mới” dưới thời tân HLV Pochettino vốn ưa thích sử dụng cầu thủ trẻ. Vì vậy, có lẽ cuộc đua vô địch vẫn sẽ là Man.City và Arsenal khi cả 2 đều gia cố lực lượng bằng các bản hợp đồng chất lượng, tiêu biểu là thương vụ kỷ lục Declan Rice mà Arsenal thực hiện ngay đầu mùa chuyển nhượng. Sự ổn định của 2 đội từng đua tranh quyết liệt hồi mùa trước là ưu thế so với các CLB còn lại trong nhóm Big 6 hoặc ngựa ô Newcastle.

Có một sự thú vị nho nhỏ nằm ở cái tên Luton, đội bóng lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền chơi tại Premier League. Đội bóng này sẽ khởi đầu mùa giải trên sân… đi mượn vì sân cũ đang được nâng cấp cho đủ tiêu chuẩn về sức chứa. Giám đốc điều hành của Luton bảo rằng họ không có tham vọng gì ngoài việc tạo ra “sự náo loạn nho nhỏ” cho giải ngoại hạng mùa tới. Cũng đừng vội cười nhạo tuyên bố đó bởi cần nhớ rằng mùa trước 3 đội thăng hạng là Fulham, Bournemouth và Nottingham đều trụ lại trong khi lừng lẫy như Leicester, Southamton thì rớt hạng. Đó chính là sự hấp dẫn đặc biệt của Premier League.

Tin cùng chuyên mục