Là giáo viên giảng dạy tại Trường Đại học TDTT TƯ 2, từng làm HLV trưởng đội V - League và cũng từng làm HLV trưởng cấp đội tuyển quốc gia, ông Đoàn Minh Xương vẫn giữ phương châm dù làm gì thì cũng phải chừng mực và gương mẫu. Vì như thế nói học trò mới nghe và mới nể…
- Phải có hậu phương vững chắc
Trong giới làm thể thao của những người như ông Xương và những người được xem là cùng thời như ông Ngô Lê Bằng, Nguyễn Văn Hiệp… thì phải có một hậu phương vững chắc mới yên tâm làm thể thao. Làm thể thao mà cứ đau đáu chuyện cơm áo gạo tiền thì khó lắm. Khó trong cư xử, khó trong công việc và nhất là học trò không khó nhận ra để “coi mặt đặt tên” nên tuyệt đối phải tránh, hoặc hạn chế đến mức thấp nhất, trong công việc của mình.
Những lúc chúng tôi gặp HLV Đoàn Minh Xương để trò chuyện, phỏng vấn tại nơi ông công tác (Trường ĐH TDTT TW2) được nghe ông kể nhiều về cái nghề của mình. Lúc trà dư tửu hậu ông cũng vui miệng kể về “hậu phương” vững chắc của ông, giúp ông yên tâm làm nghề giáo, làm thể thao, làm nghề… trồng người trong ngành thể thao.
Ông Xương là người gốc Bắc nhưng lại làm rể Đồng Tháp, công tác tại TPHCM. Còn nhớ cách đây bốn mùa bóng, khi đội bóng quê vợ lận đận khó khăn trong việc trụ hạng V-League, tiền thưởng cho đội thì không có để kích thích tinh thần cầu thủ thi đấu trụ hạng, thế là ông con rể Đồng Tháp được triệu về nắm đội. Khi ấy có được khoản tiền mặt 600 triệu đồng, ông tuyên bố thẳng thừng: “Tôi dùng số tiền cá nhân này của mình để làm tiền thưởng cho đội”. Và thật vậy, ông đã mang số tiền đó dùng làm “doping”, tuy nhiên do lực lượng quá mỏng lại quá trẻ nên vẫn không giúp đội bóng Đồng Tháp trụ hạng thành công.
- Từ ông giáo sang HLV chuyên nghiệp
Ngồi trò chuyện cùng ông, đôi lúc ông thổ lộ rất thật cái nghề giáo kiêm HLV của những người như ông: “Làm HLV trưởng phải có những ngón nghề trị cầu thủ, những tiểu xảo, những đòn giương đông kích tây, thậm chí là những cái trò nói ra nó hơi kỳ kỳ nhưng HLV phải áp dụng. Mình biết những ngón nghề đó hết nhưng không thể áp dụng được vì cái chất nhà giáo, cái chất mô phạm không cho phép mình làm điều đó, mà một khi không áp dụng những tiểu xảo ấy thì cầu thủ không sợ”.
Chúng tôi cho rằng đó là tâm sự rất thật của ông thầy Đoàn Minh Xương.
Phải chăng vì thế mà khi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ra đời đến nay ông Xương cũng từng nắm đội Đồng Tháp, rồi Bình Dương, nhưng chẳng trụ được bao lâu. Sân chơi chuyên nghiệp không dành cho những nhà sư phạm kiểu như thầy giáo Đoàn Minh Xương, mặc dù cỡ ông Xương có đủ ngón nghề thậm chí là thừa, để… trị cầu thủ.
Cũng có lần ông tâm sự với chúng tôi: “Nếu có làm bóng đá, mình thích làm đào tạo trẻ vì đầu óc của các cháu như trang giấy trắng dễ giáo dục, dễ dạy bảo…”. Còn nhớ năm 2003, HLV Đoàn Minh Xương được giao làm HLV trưởng đội U-18 quốc gia dự giải vô địch U-18 Đông Nam Á. Có thể nói đó là một lứa cầu thủ cực tốt. Thế hệ ấy bây giờ chính là những Công Vinh, Tấn Trường, Quý Sửu, Anh Đức, Thanh Bình, Tiến Thành, Minh Chuyên…
Lần ấy U-18 Việt Nam vào bán kết giải đấu, đánh dấu một thế hệ cầu thủ, chơi đồng đều, giàu khát khao, mà bây giờ họ góp mặt rất nhiều trong đội tuyển và là trụ cột của nhiều CLB.
Mỗi lần trao đổi với ông HLV Đoàn Minh Xương về những vấn đề của V-Legaue, về những nỗi nhức nhối của bóng đá Việt Nam, ông Xương lại không bi quan, thả tay, hay chọn cách nói cho “đã” cái miệng mà ông luôn nhìn ra một hướng giải quyết theo chiều hướng góp ý tích cực vì cái chung. Đó là phẩm giá đáng trân trọng của những người làm công tác trồng người cho ngành thể thao như ông. Những con người âm thầm cống hiến cho thể thao nước nhà
DUY ĐỨC
| |
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu