Phải chăng tiền để đưa Lionel Messi tới Mỹ là từ túi của người hâm mộ?

Mùa bóng đầu tiên của Messi tại Mỹ đã kết thúc sớm khi đội bóng Inter Miami mà anh đang khoác áo không thể đi tiếp vào giai đoạn 2 nên chỉ Messi chỉ còn đá thêm một trận nữa rồi nghĩ đến sang năm. Vậy nhưng chỉ cần chừng đó thời gian, Miami đã cho thấy họ mua Messi mà chẳng phải tốn kém quá nhiều kể cả khi ngôi sao Argentina được trả lương cao nhất giải nhà nghề MLS.
Phải chăng tiền để đưa Lionel Messi tới Mỹ là từ túi của người hâm mộ?

Vị thế của Inter Miami – và bản thân giải MLS – đã được nâng cao nhờ sự xuất hiện của Messi. Thuật ngữ “Messi Mania” đã mổ tả một “cơn sóng thần” tràn vào bóng đá Mỹ về mức độ lôi cuốn cũng như số tiền chảy vào két sắt của Inter Miami. “Bóng đá ở Bắc Mỹ sẽ không bao giờ giống như vậy. Khi kết hợp sức mạnh ngôi sao được cho là vĩ đại nhất mọi thời đại, khả năng tiếp cận sản phẩm của chúng tôi dễ dàng và thị trường Bắc Mỹ vốn rất thích bóng đá đã giúp tạo hiệu ứng cấp số nhân”, Camilo Durana, Phó Chủ tịch điều hành quan hệ đối tác, tài sản và sự kiện của hãng Apple tại MLS, nói với Forbes vào tháng 6, vài ngày sau thông báo rằng Messi sẽ chuyển đến giải đấu. "Sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của chúng tôi. Giải đấu và môn thể thao của chúng tôi".

Sự tăng trưởng đó diễn ra ngay lập tức. Số lượt theo dõi trên Instagram của Inter Miami đã tăng hơn 500% trong vòng 24 giờ kể từ khi thương vụ Messi được công bố và hiện lớn hơn bất kỳ thương hiệu NFL (bóng đá kiểu Mỹ), MLB (bóng chày) hoặc NHL (Khúc côn cầu) nào.

Kể từ khi gia nhập Miami, các sản phẩm liên quan đến Messi đã trở thành mặt hàng bán chạy nhất so với bất kỳ VĐV nào trên Fanatics, cửa hàng bán lẻ thể thao trực tuyến. Trong vòng vài tháng sau khi anh đến, sự bùng nổ của Messi đã khiến số lượng trang phục của Inter Miami được bán ra nhiều hơn cả năm 2022.

Apple TV+ là một trong những người được hưởng lợi lớn nhất khi Messi đến Mỹ. Công ty phát trực tuyến này đã ký một hợp đồng mang tính bước ngoặt có thời hạn 10 năm trị giá 2,5 tỷ USD cho bản quyền phát sóng MLS toàn cầu vào năm ngoái. Gói tài chính hấp dẫn đã lôi kéo Messi đến với giải đấu được cho là bao gồm mức lương hàng năm từ 50 triệu đến 60 triệu USD và các ưu đãi thương mại liên quan đến việc đăng ký Apple+ mới. Dịch vụ phát trực tuyến này đã ra mắt loạt phim tài liệu đầu tiên về Messi Meets America trong tuần vừa qua.

“Đối với MLS, chúng tôi không thể hạnh phúc hơn với mối quan hệ hợp tác đang diễn ra như thế nào,” Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết. “Rõ ràng chúng tôi đang ở những ngày đầu, nhưng chúng tôi đang vượt quá mong đợi về số lượng người đăng ký, và việc Messi tới Inter Miami đã giúp chúng tôi một chút. Vì thế chúng tôi rất hạnh phúc.”

Và mặc dù khó có thể biết chính xác con số doanh thu đăng ký của Apple, nhưng các trận đấu vẫn được phát sóng trên truyền hình truyền thống cung cấp một dấu hiệu rõ ràng hơn về mức độ phổ biến ngày càng tăng của bóng đá ở Mỹ. Ví dụ: theo hệ thống xếp hạng của hãng điều tra thị trường Nielsen, các trận đấu ở Leagues Cup có trung bình 680.000 người xem, cao hơn mức trung bình của mỗi mùa giải MLS. Tổng cộng có 13,6 triệu người xem đã theo dõi Leagues Cup 2023, nơi mà Miami đã giành chiến thắng cùng Messi.

Không chỉ thế, giá vé cho bất kỳ trận đấu nào có Messi đều rất cao. Miami gần đây đã công bố thông tin chi tiết về vé mùa giải tiếp theo của họ. Rẻ nhất cũng đã 867 USD, đắt hơn mức tương đương của 90% các đội ở giải Ngoại hạng Anh. Phần lớn nhờ vào các bản hợp đồng của Messi và các đồng đội cũ ở Barcelona như ​​​​Sergio Busquets và Jordi Alba. Tất nhiên là quỹ lương của Miami đã tăng hơn 4 lần trong năm qua, khoản tiền ấy có thể hiểu là lấy từ túi của người hâm mộ.

Thực tế thì mức tăng giá vé lớn nhất nằm ở khu cao cấp, vốn đặt ở gần mặt sân nơi có băng gế huấn luyện. Các giá vé tại đây để tăng gấp đôi, dành cho những người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng và các thương hiệu hy vọng chụp được một bức ảnh cùng với Messi. Điều này nằm trong tính toán của David Beckham, đồng sở hữu Inter Miami. “Tôi nghĩ Miami cần một ngôi sao. Bạn phải nhận ra lượng khán giả mà chúng tôi có và Miami mong đợi chúng tôi mang đến một ngôi sao. Đó là những gì chúng tôi dự định làm”, Beckham nói hôm ra mắt Messi.

Trước Messi, Miami có lượng người đến sân trung bình thấp nhất ở MLS. Vào năm 2022, đội có trung bình 12.000 người/trận trên sân vận động 21.000 chỗ ngồi. Còn giờ đây, Inter Miami trở thành một trong những CLB có vé xem bóng đá đắt nhất thế giới. Không chỉ có vé vào sân DRV PNK tăng vọt, ​​mức giá tăng đáng kể ở bất cứ nơi nào Inter Miami đến. Theo TickPick, một nhà bán vé trực tuyến, giá vé cho trận đấu tháng 9 tại LAFC đã tăng tới 527% so với mức trung bình MLS trên thị trường.

Jeff Cheney, thị trưởng thành phố Frisco -Texas, cho biết trước trận Inter Miami đấu với FC Dallas: “Rất nhiều người trong cộng đồng của chúng tôi đang xem đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời”. Vé của FC Dallas thường có giá dưới 40 USD nhưng hôm đó, giá phân phối đạ lý lên đến hàng trăm USD còn vé chợ đen thì đạt đến… 864 USD.

Để thấy mức tác động của Messi, thì cứ lấy ví dụ về những trận anh không ra sân thì sẽ rõ. Đó là trường hợp Miami đến làm khách trên sân Atlanta United hồi giữa tháng 9. Messi đã trở lại sau chuyến làm nhiệm vụ quốc tế cùng tuyển Argentina với một chấn thương nhẹ. Người ta dự đoán rằng Messi sẽ chơi một chút trong trận đấu mà sân Mercedes-Benz có sức chứa 73.000 chỗ ở Atlanta đã bán hết vé. Vào buổi sáng diễn ra trận đấu, thông tin xác nhận Messi đã ở lại Miami và sẽ không thi đấu. Giá vé giảm mạnh trên các trang web bán lại và hàng nghìn người hâm mộ đã trả hàng trăm USD đều thất vọng.

Với trường hợp này, có thể MLS sẽ áp dụng một chính sách tương tự NBA (bóng rỗ nhà nghề Mỹ) cho các trận đấu liên quan đến khả năng ra sân của các ngôi sao có hiệu ứng thương mại lớn. Tại NBA, các cầu thủ không bị chấn thương thì không được phép nghỉ đột ngột mà không có thông báo trước. Mùa giải này, NBA sẽ có thể phạt các đội vi phạm chính sách 100.000 USD cho lần vi phạm đầu tiên và 250.000 USD cho lần vi phạm thứ hai. Tiền phạt cho mỗi lần vi phạm sau đó sẽ tăng thêm 1 triệu USD. Có một vài cầu thủ được miễn trừ nếu ngoài 35 tuổi hoặc các siêu sao như LeBron James, Steph Curry và Kevin Durant.

Mặc dù sự vắng mặt của Messi rõ ràng là do chấn thương dai dẳng, nhưng có thể MLS áp dụng chính sách tương tự do các sức ép từ những công ty như Apple vốn có liên quan trực tiếp đến tài chính với Messi. Công ty đã giúp tài trợ cho thương vụ đưa Messi đến Mỹ. Để thấy được lợi tức đầu tư, họ cần anh ấy chơi thường xuyên nhất có thể.

MLS và Inter Miami đã không tiếc chi phí để đưa Messi đến Hoa Kỳ, nhưng việc trở thành ngôi sao như vậy cũng đi kèm với cái giá phải trả cho người hâm mộ và tạo gánh nặng cho cầu thủ này.

Tin cùng chuyên mục