Sớm ban hành Điều lệ khung trước 2 năm để Đại hội thể thao toàn quốc 2026 tránh “bệnh thành tích”

Những nội dung chi tiết nhất về Đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 đã được lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Cục TDTT, đơn vị TPHCM làm việc cụ thể từ đó tất cả cùng hướng tới giải đấu là ngày hội thể thao của cả nước, là cuộc tranh tài đúng thực chất.

Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 sẽ được ban hành sớm Điều lệ khung để các đơn vị có sự chuẩn bị lực lượng ổn định nhất. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 sẽ được ban hành sớm Điều lệ khung để các đơn vị có sự chuẩn bị lực lượng ổn định nhất. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

> Đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc 2026 sẽ được bàn bạc cụ thể

Điều lệ khung ra sớm là cần thiết

Với nhiều kỳ Đại hội thể thao toàn quốc đã diễn ra, vấn đề nan giải được người trong nghề chia sẻ là việc “chạy” thành tích, “chạy” huy chương luôn xuất hiện. Trên lý thuyết, VĐV đăng ký đúng Điều lệ là được thi đấu. Còn thực tế, nhiều địa phương có thể tìm cách lách Điều lệ khéo léo làm sao đăng ký VĐV không vi phạm và mọi người không bất ngờ nếu xảy ra trường hợp VĐV thường xuyên khoác áo thi đấu cho một đơn vị này nhưng tới gần Đại hội thể thao toàn quốc đã ký hợp đồng rồi tranh tài trong màu áo một đơn vị khác. Việc kiểm soát trên hết vẫn dựa trên Điều lệ khung thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc.

Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 với địa điểm chính tại Quảng Ninh được đánh giá diễn ra với quy mô lớn nhất. Điều bất cập đáng nói trong quá trình chuẩn bị kỳ Đại hội trên là Điều lệ khung ban hành chậm. Tháng 11, tháng 12-2022 tranh tài chính thức nhiều môn nhưng Điều lệ khung của Đại hội chỉ được Bộ VH-TT-DL phê duyệt, ban hành trước đó chưa đầy 4 tháng (ngày 25-8-2022). Điều lệ khung của kỳ thi đấu trên ghi rõ một nội dung quan trọng: “Mỗi VĐV chỉ được đăng ký ở một môn thể thao. VĐV được quyền đăng ký thi đấu cho địa phương, ngành khi có một trong các điều kiện: Có hợp đồng sử dụng VĐV hoặc hợp đồng chuyển nhượng VĐV hợp pháp được ký kết trước ngày 1-9-2022”. Điều lệ khung ban hành chậm và thời gian để kiểm soát hợp đồng của VĐV hợp lệ hay không hợp lệ rất gần với thời gian diễn ra Đại hội nên không tránh khỏi có những việc chuyển nhượng diễn ra chớp nhoáng.

Tại buổi làm việc ngày 20-3 cùng đại diện các bên về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần 10-2026, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương nêu quan điểm trên hết việc ban hành Điều lệ khung của Đại hội phải thực hiện sớm. Dự thảo Đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần 10-2026 được yêu cầu hoàn thiện trong tháng 4-2024 và Điều lệ khung của giải đấu phải được hoàn tất vào tháng 6-2024. Khi Điều lệ khung hoàn thành sớm, sớm được ban hành ngay năm nay, các địa phương hoàn toàn đủ thời gian (2 năm) chuẩn bị lực lượng ổn định hướng tới thi đấu năm 2026 thay vì sốt ruột chờ như Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 nên bị động và dễ xảy ra việc chuyển nhượng, tìm con người phút chót.

60 môn và phân môn sẽ xuất hiện ở Đại hội thể thao toàn quốc 2026

Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 đưa vào tranh tài 941 nội dung của 43 môn thể thao. Trước khi Đại hội khởi tranh, môn thể dục nghệ thuật (có 8 bộ huy chương) không thể tổ chức vì chỉ có 2 đơn vị đăng ký (Hà Nội, TPHCM), vì vậy Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9-2022 chỉ có 933 nội dung của 43 môn đã thi đấu.

dai hoi the thao toan quoc 2.jpg
Các cuộc tranh tài của Đại hội thể thao toàn quốc luôn có ý nghĩa quan trọng về thành tích với tất cả các đoàn tham dự. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Mục tiêu xuyên suốt để Đại hội thể thao toàn quốc lần 10-2026 tổ chức là tập trung vào những môn thuộc nhóm Olympic và ASIAD. Tuy nhiên, người làm thể thao hiểu việc phát triển thể thao cần có sự hài hòa và nhiều đơn vị trong cả nước cùng tham gia từ đó lựa chọn số môn, số nội dung đưa vào tranh tài Đại hội thể thao toàn quốc là thước đo quan trọng để từng địa phương, đơn vị phản ánh khả năng đầu tư, đào tạo, thi đấu của mình.

Dự kiến Đại hội thể thao toàn quốc lần 10-2026 sẽ có 60 môn, phân môn đưa vào tổ chức là: điền kinh, bơi, thể dục (TDDC, thể dục nghệ thuật), đua thuyền (rowing, canoeing, kayak, sailing), bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, vật, karate, boxing (quyền Anh), đấu kiếm, cầu lông, quần vợt, bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ, xe đạp, bóng bàn, golf, ba môn phối hợp (triathlon) – nhóm 1; wushu, pencak silat, cầu mây, kurash, jujitsu, billards & snooker – nhóm 2; Thể thao aerobic, thể hình, muay, bi sắt, kickboxing, bowling, cờ (cờ vua, cờ tướng, cờ vây), khiêu vũ thể thao - dancesports, vovinam – nhóm 3; võ cổ truyền, đá cầu, đua thuyền truyền thống, lân-sư-rồng, đẩy gậy, kéo co, thể thao điện tử (E-sports), roller – nhóm 4. Trong số này, một số ý kiến thảo luận không đưa lân-sư-rồng và E-sports vào chương trình thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc lần 10-2026. Các nội dung thể dục nghệ thuật, nhảy cầu, bơi nghệ thuật cũng được nhận ý kiến nếu diễn ra phải đủ số đơn vị đăng ký đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục