Thể thao học đường ở Nhật Bản

Sự phát triển của một số môn thể thao quốc tế tại Nhật Bản gắn liền với các bộ truyện tranh manga nổi tiếng, ví dụ như Tsubasa (nói về bóng đá), Haikyuu - manga (bóng chuyền) hay bộ anime Slam Dunk (bóng rổ)… Đó là sự thú vị!

Đặc biệt, thể loại truyện Manga đã góp phần phát triển thể thao học đường, khi người Nhật tận dụng văn hóa để thắp sáng ước mơ thể thao của từng cá nhân, qua đó tạo ra ảnh hưởng lớn kéo dài nhiều thập niên với bóng chày trong Kyojin no Hoshi (Noboru Kawasaki), quyền Anh trong Ashita no Joe (Asaki Takamori), judo trong Tiểu thư nhu đạo (Naoki Urasawa), hoặc kiếm đạo trong Ore wa Teppei (Tetsuya Chiba)...

Trong mọi bộ truyện, thể thao luôn được coi là phép ẩn dụ cho cuộc sống, thông qua đó nhân vật chính học được những bài học cơ bản cho sự phát triển cá nhân về kỷ luật, ý chí và sự hy sinh. Điểm chung xuyên suốt của các truyện manga nêu trên vẫn là thể thao học đường.

Mọi nhân vật đều đi lên từ các trận đấu ở trường trung học, nơi mà quá trình rèn luyện, vươn lên và cạnh tranh phản ánh một xã hội Nhật Bản thu nhỏ - kỷ luật và thứ bậc đến mức hà khắc, nhưng vẫn chừa chỗ đủ để cho cái tôi xuất hiện, đi theo những giấc mơ tưởng như hão huyền, cho đến khi chúng trở thành sự thật.

Thể thao là một trong những lĩnh vực được Nhật Bản ưu tiên hàng đầu trong giáo dục phổ thông. Với mục tiêu “rèn luyện suốt đời”, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống hoạt động thể dục ngoại khóa thanh thiếu niên với 3 hình thức chính là các CLB trong trường học, các đoàn thể thao thiếu niên và CLB thể thao của địa phương. Tất cả đều được tổ chức ở mức độ chuyên nghiệp cao nhất.

Đơn cử như bóng chày - môn thể thao được ưa chuộng tại Nhật Bản - có khoảng 4.000 đội bóng chày thuộc các trường trung học phổ thông ở Nhật Bản, nhưng chỉ có 50 đội có thể tham gia giải đấu chính quốc gia. Và nếu giành chiến thắng chung cuộc, các em có thể được tuyển vào các trường đại học danh tiếng ngay cả khi không đủ tiêu chuẩn học vấn.

Dĩ nhiên, thể thao học đường ở Nhật không chỉ có bóng chày. Với các CLB thể thao trong trường học, học sinh có thể tự do lựa chọn môn thể thao mình yêu thích để luyện tập sau giờ học. Các CLB có đông thành viên tham gia chơi như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền. Lễ hội thể thao học đường Undokai là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của các trường phổ thông Nhật Bản, kiểu như Hội khỏe Phù Đổng ở Việt Nam (4 năm/lần).

Riêng với bóng đá, không phải tự nhiên mà giải U13 của Việt Nam lại do một doanh nghiệp Nhật Bản (Yamata) tài trợ. Tại Nhật, các doanh nghiệp càng lớn thì lại càng có nghĩa vụ phải tài trợ các hoạt động phong trào, nhưng lại không nhất thiết tài trợ cho CLB chuyên nghiệp.

Các học trình trung học của Nhật Bản vẫn được dạy bởi giáo viên thể thất, khác biệt là những giáo viên này phải có bằng HLV chuyên nghiệp và ngoài chơi bóng đá tại trường học, học sinh tham gia từ 3 đến 5 buổi học đá bóng tại CLB để phát triển năng lực của mình.

Đấy là lý do mà có nhiều ngôi sao bóng đá Nhật Bản trưởng thành từ bóng đá học đường. Cầu thủ tài năng nhất hiện nay, Kaoru Mitoma - đang khoác áo Brighton ở Premier League - là điển hình. Năm 19 tuổi, Mitoma đã từ chối một bản hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp để có thể theo học ngành giáo dục thể chất ở Đại học Tsukuba. Tại đây, anh đã thực hiện luận văn với tên gọi “Nghiên cứu về việc xử lý thông tin của bên tấn công trong tình huống 1 đối 1”.

Với luận văn này, Mitoma đã nghiên cứu về kỹ năng rê dắt bóng của cầu thủ. Tại Đại học Tsukuba, anh vừa theo học lại vừa đá bóng cho đội bóng của trường. Phải tới 23 tuổi, Mitoma được CLB Kawasaki Frontale ký hợp đồng vào năm 2020 và chỉ một năm sau anh được Brighton mua với giá 3 triệu euro. Hiện tại, Mitoma được định giá 40 triệu Euro.

Tin cùng chuyên mục