Thể thao TPHCM và chuyện vươn tầm

Ở 3 kỳ SEA Games gần nhất, tỷ trọng đóng góp của thể thao TPHCM vào thành tích chung của thể thao Việt Nam ổn định về chất lượng, đặc biệt là các môn Olympic, đồng thời tăng về số lượng HCV. Vậy nhưng từ năm 2003 đến nay, thành phố lại không có thêm bất kỳ cơ sở vật chất hiện đại, tầm cỡ châu Á nào mới.
Nhà thi đấu Phú Thọ và khu thể thao Phú Thọ là những công trình đang phục vụ đào tạo thể thao đỉnh cao cho TPHCM. Ảnh: P.MINH
Nhà thi đấu Phú Thọ và khu thể thao Phú Thọ là những công trình đang phục vụ đào tạo thể thao đỉnh cao cho TPHCM. Ảnh: P.MINH

Đó là một điểm nghẽn không nhỏ trong hành trình vươn tầm châu lục của thể thao thành phố và việc đăng cai tổ chức các sự kiện thế giới hiện nằm ngoài tầm tay.

Hoặc lấy ví dụ như tour diễn của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Blackpink, nếu muốn tổ chức tại TPHCM thì sẽ diễn ra ở đâu? Hỏi là đã trả lời, và không phải tự nhiên mà các sự kiện văn hóa, các buổi concert có quy mô lớn chỉ có thể chọn sân vận động quốc gia Mỹ Đình làm nơi tổ chức. Đó là một điều đáng tiếc với TPHCM, bởi về các tiêu chuẩn quốc tế đi kèm, chắc chắn TPHCM đáp ứng tốt, song “hạng mục cốt lõi” thì lại chưa có.

Khi TPHCM chưa gia tăng về dân số, thì ở vùng “lõi” của các quận 1, 3, 5, 10 đều có những cơ sở vật chất tốt như sân vận động Thống Nhất, khu thể thao Phú Thọ, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng… tạm hình thành một “khu liên hợp thể thao” với khoảng cách giữa các điểm tương đối gần. Nhưng hiện nay, sự kết nối ấy đã không còn vì dân số tăng, không gian mở bị thu hẹp, giao thông chưa mấy thuận tiện. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải có một khu liên hợp thể thao đẳng cấp châu Á và thế giới trở thành một nhu cầu, phù hợp với quy mô đại đô thị, tương xứng với tầm vóc của thành phố. Điều đó không chỉ giải quyết bài toán quy hoạch “không gian thể thao” mà còn là “đường băng” cho thể thao đỉnh cao của TPHCM “cất cánh”.

Nhưng sự vướng mắc, chậm trễ, quy hoạch kéo dài của dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP Thủ Đức, TPHCM) đã đặt ra một bài toán có tính tổng thể cho các nhà quản lý thể thao cũng như lãnh đạo thành phố trước khi tái khởi động dự án này theo tinh thần Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ví dụ như cần thì ai cũng thấy là cần, nhưng cấp thiết ra sao thì lại tính đến một “điểm nghẽn” khác, đó là TPHCM phải đăng cai một sự kiện tầm cỡ như SEA Games, hay tốt hơn là Asiad.

Nói cách khác, phải có một đề án ở tầm vóc như vậy, có kế hoạch đầu tư công chi tiết với nguồn tiền lớn, thì mới thúc đẩy được tốc độ đưa dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc vào thực tế. Bởi nói cho cùng, một khu liên hợp lớn không thể chỉ xây dựng dựa trên nhu cầu tổ chức một vài trận đấu của đội tuyển hay các sự kiện văn hóa, giải trí đơn lẻ. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều dựa trên việc đăng cai các sự kiện để xây dựng các khu liên hợp thể thao quy mô, bởi dễ chứng minh được tính khả thi, dù là trước mắt. Sau đó, mới nói đến việc sử dụng “hậu sự kiện” ra sao cho hiệu quả.

Nói cách khác, sự cần thiết của một khu liên hợp thể thao hiện đại ở TPHCM là điều không phải bàn cãi!

Tin cùng chuyên mục