Thể thao Việt Nam không thiếu những nữ tuyển thủ quả cảm

Xuyên suốt một hành trình lịch sử, thể thao Việt Nam đã tham dự nhiều đấu trường quốc tế ở mọi giải đấu theo các cấp độ khác nhau và giành được những kết quả đáng ghi nhận. Đóng góp vào kết quả chung về thành tích huy chương của thể thao Việt Nam phải nói tới nỗ lực của nhiều tuyển thủ nữ qua các thế hệ. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, chúng ta cũng phải dành nhiều thời gian để nói về họ.
Nguyễn Thị Thật là một trong những nữ VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam. Ảnh: ĐOÀNTTVN
Nguyễn Thị Thật là một trong những nữ VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam. Ảnh: ĐOÀNTTVN

Chiến thắng của sự mạnh mẽ

Chỉ tính riêng ở năm nay, 3 gương mặt nữ của thể thao Việt Nam đáng được nhắc tới đó là Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh (bắn súng) và Nguyễn Thị Oanh (điền kinh). Từng người họ đã và đang trở lại thi đấu sau ASIAD 19 tuy nhiên trong những giải đấu đã qua từng nữ tuyển thủ trên đã đạt được dấu ấn đầy mạnh mẽ cho thể thao nước nhà mang lại vinh quang cho phái nữ nói riêng trên đấu trường quốc tế.

Nguyễn Thị Oanh không thành công tại ASIAD 19 nhưng không thể phủ nhận, cô là biểu tượng của thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games 32 và khiến tất cả cùng ngả mũ thán phục. Trong tháng 5-2023 ở sân vận động Modorok Techo (Campuchia) của SEA Games 32, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có một nữ tuyển thủ môn điền kinh giành được 4 tấm HCV khi thi đấu Đại hội. Kết quả đã được làng thể thao Đông Nam Á gọi là kì tích cũng như người hâm mộ nước nhà đồng loạt cổ vũ tinh thần và nghị lực vượt khó khăn của Nguyễn Thị Oanh.

Các tấm HCV của Oanh đã giành được ở nội dung 5.000m, 10.000m, 1.500m và 3.000m chướng ngại vật nữ của môn điền kinh tại SEA Games 32 giúp cô trở thành một trong những tuyển thủ được chú ý nhất Đại hội lần này. Đáng kể hơn, Oanh đã thi đấu hai nội dung 1.500m và 3.000m chướng ngại vật trong cùng một buổi tranh tài và chỉ cách nhau 15 phút nhưng đều giành HCV. Chưa kể vào đầu năm, cô đã thi đấu và giành HCV 1.500m nữ tại giải điền kinh vô địch châu Á trong nhà 2023. Sau các kết quả trên, Nguyễn Thị Oanh đã thi đấu giải vô địch châu Á 2023, giải điền kinh thế giới 2023 và ASIAD 19 nhưng dù không đạt được kết quả huy chương nhưng làng điền kinh Việt Nam vẫn rất trân trọng những thành tích cô gái nhỏ bé này đã có được ở SEA Games 32.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Thật là người đầu tiên của làng xe đạp Việt Nam giành một suất chính thức dự Olympic cho môn này đối với thể thao Việt Nam. Nguyễn Thị Thật đã giành HCV nội dung xuất phát đồng hàng nữ ở giải vô địch châu Á 2023 sau đó đủ điều kiện để giành suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2024 cho xe đạp Việt Nam. Từ trước tới nay, xe đạp Việt Nam chưa một lần có kết quả trên. Nhưng, Nguyễn Thị Thật thành công. Tấm vé Olympic có thể xem là giá trị để đời cho bản thân cua-rơ người An Giang nhưng với xe đạp Việt Nam thì nhà quản lý đã có điều để chia sẻ về lịch sử hình thành và phát triển môn này.

Một sự ghi nhận đáng kể khác phải nói tới nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Xạ thủ người quê gốc Thanh Hóa của đội bắn súng Công an Nhân dân và bắn súng Việt Nam này giành được tấm vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 từ kết quả thi đấu của mình tại giải vô địch thế giới 2023. Lần đầu tiên trong lịch sử, một xạ thủ nữ của Việt Nam được suất chính thức dự Olympic. Ở ba kì Olympic gần nhất trước đó diễn ra năm 2012, 2016 và 2021, các suất mà bắn súng Việt Nam dự Olympic đều thuộc về các xạ thủ nam. Sau thành công trên, Trịnh Thu Vinh đã thi đấu ASIAD 19 nhưng chưa có được tấm huy chương và cô đã chia sẻ rất thật lòng “khi ra thi đấu, tôi đều cố gắng hết khả năng. Nếu bảo tranh tài mà không run là không chính xác nhưng mình luôn nghĩ rằng thi đấu là mang vinh quang về cho tổ quốc nên đều cố gắng giữ một sự bình tĩnh nhất...”

Những bà mẹ quên mình vì thể thao Việt Nam

Thể thao Việt Nam đã thi đấu SEA Games 32 và ASIAD 19 là hai đấu trường Đại hội lớn nhất trong năm 2023. Qua mỗi Đại hội, chúng ta đều ghi nhận những kết quả chuyên môn và thành tích huy chương từ các nữ tuyển thủ. Trong số đó, không ít người đã là những người mẹ nhưng vẫn toàn tâm với thể thao để sẵn lòng xa con trong tập luyện, hướng tới thi đấu giành kết quả cao nhất.

Các tay chèo rowing Việt Nam tại ASIAD 19. Ảnh: ĐOÀNTTVN

Các tay chèo rowing Việt Nam tại ASIAD 19. Ảnh: ĐOÀNTTVN

“Xa con nhiều tháng, chúng tôi nhớ lắm. Nhưng đã quyết tâm với tập luyện và đặt mục tiêu thi đấu thì tất cả cùng bảo nhau cứ thi đấu xong sẽ về gặp con và người thân là mệt mỏi được cởi bỏ”, đó là chia sẻ đầy cảm động của các tay chèo Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Thảo khi giành được những tấm HCĐ cho đội đua thuyền rowing Việt Nam ngay tại Hàng Châu (Trung Quốc) vừa qua. Họ là những tay chèo kinh nghiệm nhất của đội tuyển rowing Việt Nam và là những đàn chị cứng cỏi nhất để các đàn em noi gương. Vì thế, tất cả đều quyết tâm xa gia đình làm nhiệm vụ tổ quốc và những tấm HCĐ tại Hàng Châu (Trung Quốc) lần này là phần thưởng để mang về chung vui cùng người thân.

Trong khi đó, Bùi Thị Thu Thảo hay Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) cũng có những sự động viên tinh thần cho mình chính là con cái ở nhà. Lúc có mặt tại Campuchia đấu SEA Games 32 hay tại Hàng Châu (Trung Quốc) đấu ASIAD 19, họ đều nỗ lực hết khả năng của bản thân nhằm giành thành tích cho thể thao Việt Nam nhưng sau đó, sự mệt nhọc được giải tỏa khi có những cuộc điện thoại trò chuyện cùng con ở Việt Nam đang ngóng mẹ sớm về bế nựng, vỗ về.

Tin cùng chuyên mục