Tiêu chuẩn mới cho SEA Games?

Nước chủ nhà SEA Games 32 Campuchia liên tục có những hành động đẹp như không thu phí bản quyền truyền hình và mới nhất là miễn phí di chuyển, ăn ở, dịch vụ cho tất cả các đoàn tham dự đại hội lần đầu tiên được tổ chức trên đất nước Chùa Tháp. Giới thể thao Đông Nam Á hồ hởi: Có khi đây là một tiêu chuẩn mới cho SEA Games chăng?
Sân vận động Olympic, nơi diễn ra môn bóng đá nam bảng A tại SEA Games 32
Sân vận động Olympic, nơi diễn ra môn bóng đá nam bảng A tại SEA Games 32

Đó là một câu hỏi thú vị. Bởi gần đây, SEA Games với một vài nước có nền thể thao mạnh không còn là cơ hội để quảng bá hoặc tiếp thị hình ảnh quốc gia. Việc tổ chức vì vậy cũng giới hạn trong những hoạt động căn bản, bầu không khí chỉ sôi động ở các khu vực tranh tài. Nhưng câu chuyện từ Campuchia được giới quan sát đánh giá là “pha ghi điểm” về PR không thể chê, đặc biệt khi nước chủ nhà SEA Games 32 thực hiện các “bàn thắng” ấy vào thời điểm cuối, tạo hiệu ứng bất ngờ, gây ấn tượng mạnh.

Nói cách khác, SEA Games vẫn còn đó những giá trị mà vì thế được sinh ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Đó là sự kết nối, giao thoa, trải nghiệm và tạo dấu ấn cho quốc gia đăng cai sự kiện. Campuchia cho thấy, họ vẫn rất quan tâm đến những giá trị đó của SEA Games và cố gắng để tạo ra được hiệu quả tốt nhất từ việc đăng cai. Công bằng mà nói, chỉ tính riêng trong lĩnh vực du lịch - văn hóa, ASEAN là một thị trường hơn 600 triệu dân - một cơ hội được quảng bá và tiếp thị các sản phẩm phi vật chất không thể xem thường. Campuchia có đạt được mục tiêu hay không thì còn phải chờ đại hội kết thúc, nhưng việc nước chủ nhà đưa ra quyết tâm ấy rất đáng khen.

Tuy vậy, những ấn tượng ban đầu ấy vẫn cần đi kèm với một tiêu chuẩn mang tính cốt lõi sẽ diễn ra trong vài ngày tới, đó là chất lượng thi đấu cũng như sự công minh, liêm chính và tinh thần thể thao của nước chủ nhà. Bất kỳ sự kiện thể thao nào cũng vậy, luôn cần có 2 yếu tố để thành công, đó là sự đầu tư của nước chủ nhà và chất lượng chuyên môn. Không thể cái này làm thật tốt, thật hoành tráng nhưng cái kia lại sơ sài, qua loa, mất đi thiện cảm ngay từ chính những thành viên trong ngôi nhà thể thao. Như SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam năm ngoái, sân vận động Thiên Trường luôn đầy kín khán giả ở bảng thi đấu dù không có đội chủ nhà chính là một ví dụ điển hình cho việc đáp ứng cùng lúc 2 tiêu chuẩn.

Lần đầu tiên đăng cai SEA Games dù đã tham gia đại hội từ kỳ thứ 2 đến nay, lại không thường xuyên tổ chức các sự kiện thể thao tầm vóc lớn nên không thể kỳ vọng quá mức về một SEA Games hoàn hảo, trọn vẹn đối với Campuchia. Tuy nhiên, vẫn có thể chờ đợi thêm từ nước chủ nhà SEA Games 32 các pha ghi bàn khác, ấn tượng hơn và có thể tạo ra tiền đề để Hội đồng thể thao Đông Nam Á thiết lập những tiêu chuẩn mới cho SEA Games trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục