V-League và cuộc chuyển mình lịch sử: Xu thế không thể cưỡng lại và căn bệnh trầm kha

Theo khuyến nghị của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), V-League chính thức chuyển đổi sang hình thức thi đấu kéo dài 2 năm nhằm bảo đảm các kỳ nghỉ FIFA Days để phục vụ cho đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên bài toán đặt ra là chúng ta có số CLB tương đối ít, làm sao để tăng thời lượng thi đấu, làm sao để có thời gian cho các cầu thủ trẻ được ra sân. Để giải bài toán đó, cách duy nhất chính là ý thức của các CLB.

Không thiếu nguồn lực

Mùa bóng 2023 đón nhận 2 CLB vừa mới, vừa cũng rất cũ. Đầu tiên là Khánh Hòa, đội bóng mà năm 2014 đã từng tự giải thể, nhường suất đá V-League cho Hải Phòng vì doanh nghiệp Khatoco không còn theo đuổi bóng đá. Thứ hai là Công an Hà Nội (CAHN), trước đó có tên là Công an nhân dân khi còn đá giải hạng nhất. Như vậy tròn 20 năm kể từ ngày CAHN chuyển giao cho Hàng không Việt Nam ở mùa giải 2003, thì bóng đá thủ đô mới có lại cái tên một thời lừng lẫy với chức vô địch Việt Nam năm 1984.

Cả 2 tân binh này đều trụ hạng thành công. Khánh Hòa dù không có nhà tài trợ chính, đội hình không có ngôi sao, nhưng vẫn để lại các trận đấu kiên cường và trụ hạng khá sớm. Còn CAHN thì đang tiến rất gần đến chức vô địch sau khi thực hiện đến 6 trong số 10 thương vụ chuyển nhượng có giá trị cao nhất mùa giải, bao gồm 2 ngôi sao lớn là Nguyễn Quang Hải và Filip Nguyễn. Ước tính CAHN phải bỏ ra hơn 100 tỷ đồng cho mùa giải đầu tiên đá V-League của mình.

Màn so tài giữa CLB Viettel và CAHN ở giai đoạn 2 của V-League 2023

Màn so tài giữa CLB Viettel và CAHN ở giai đoạn 2 của V-League 2023

Họ đã chứng minh bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển. V-League phải có một sức hút mãnh liệt nào đó để những cái tên vốn đã phải từ bỏ, nay quay trở lại. Dù dịch Covid-19 vừa qua gây ra những tác động nặng nề, nhưng bất ngờ là từ năm 2020 đến nay, bóng đá Việt Nam lại tăng gấp đôi nguồn thu trên cả đội tuyển quốc gia lẫn V-League. Có đến 5 doanh nghiệp, thương hiệu mới tham gia đầu tư vào các CLB, V-League thì nhận tài trợ dài hạn của Sâm Ngọc Linh còn HA.GL thì có nhà tài trợ đến từ Thái Lan. Những chi tiết này cho thấy nếu làm đúng cách, chuyên nghiệp một cách bài bản, thì bóng đá Việt Nam không thiếu tiền.

Đó cũng là lý do mà V-League từ mùa bóng 2023-2024 sẽ chuyển sang thể thức thi đấu “vắt” 2 năm cho một mùa giải theo kiểu của bóng đá châu Âu. Đây là khuyến nghị của AFC nhằm chuẩn hóa các hoạt động thi đấu các CLB ở đấu trường AFC Champions League hoặc AFC Cup. Vấn đề là thể thức thay đổi nhưng số lượng CLB ở V-League không đổi thì cũng chẳng có gì khác. Mỗi mùa giải cũng chỉ có tối đa 26 vòng, nếu thêm Cúp quốc gia thì cũng chỉ được thêm 4 trận nữa, trung bình mỗi tháng CLB chỉ có 3 trận đấu. Con số này quá ít và càng khiến cho các cầu thủ trẻ mất cơ hội trải nghiệm tại giải đấu số 1 Việt Nam.

Bóng đá Nhật Bản ở trong tình cảnh tương tự và họ quyết định sử dụng 3 “mùa giải chuyển tiếp” nhằm khai thác các nguồn lực và xây dựng bộ tiêu chuẩn dài hạn. Trong 3 mùa giải này, sẽ không có lên - xuống hạng, các CLB nào đủ tiềm lực tài chính thì cứ đăng ký thi đấu chuyên nghiệp. Nói cách khác, các CLB có 3 năm để tự hoàn thiện các yếu tố chuyên nghiệp như hệ thống tuyến trẻ, tiềm lực tài chính, cam kết đầu tư dài hạn. Sau đó, sẽ thống nhất số CLB đá chuyên nghiệp ở con số từ 16-18 đội và tiến hành phân hạng.

Cần tuân thủ quy chế chuyên nghiệp

Không chỉ có mô hình bóng đá ở Nhật Bản mà trên thế giới nói chung và ngay tại châu Á cũng không thiếu các mô hình để bóng đá Việt Nam học tập, nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là ý thức chuyên nghiệp của một bộ phận không nhỏ các CLB. Lấy ví dụ như trận đấu giữa Nam Định và CAHN có thái độ thi đấu chưa thật sự tích cực, sau đó đến các phản ứng cũng chẳng mấy hay ho như ném trống, đốt áo đội nhà của CĐV Nam Định. Hoặc hành vi đốt pháo sáng của CĐV Hải Phòng mỗi khi đội nhà đá trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội). Tại hệ thống các giải trẻ quốc gia, số CLB chuyên nghiệp đăng ký chiếm chưa đến 50%, đồng nghĩa là có rất ít đội bóng thực sự tuân thủ quy chế chuyên nghiệp.

SHB Đà Nẵng năm ngoái phải xin không tham dự giải U19 quốc gia vì… không có tiền. 20 năm đá chuyên nghiệp, 15 năm gắn tên với nhà tài trợ SHB, vậy nhưng CLB không có tích lũy gì cả. Khi SHB chẳng còn mặn mà với bóng đá, đội bóng lừng danh của miền Trung ngay lập tức rơi vào cảnh khốn cùng. Từ chỗ là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng, có sân vận động dành riêng cho bóng đá, có truyền thống và cũng dư thừa danh hiệu, nhưng khi chỉ “sống” dựa trên nguồn tiền tài trợ mà không tận dụng ưu thế để phát triển kinh doanh, tạo nguồn thu thì giờ đây, bóng đá Đà Nẵng đã nếm trái đắng khi rớt hạng.

Chính vì vậy mà Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mới phải đẩy nhanh tiến độ áp dụng VAR cũng như bán bản quyền truyền hình cho một đơn vị rất mạnh về công nghệ và thương mại điện tử như FPT Play. Với bóng đá chuyên nghiệp, chỉ có lợi ích tài chính mới đủ làm động lực để các CLB thay đổi thực sự.

Chức vô địch thì chỉ có 1, không phải đội bóng nào cũng đủ khả năng chinh phục, nhưng nếu việc vận hành CLB đem lại nguồn thu đều đặn để đầu tư cho bóng đá trẻ, cho thương hiệu địa phương thì sự tồn tại của CLB mới bền vững. Hay nói cách khác, dù có VAR, có thể thức thi đấu hiện đại… mà bản thân các CLB không hề tồn tại dựa trên nền tảng kinh doanh bóng đá thì khái niệm bóng đá chuyên nghiệp vẫn còn xa vời.

Tin cùng chuyên mục