World Cup nữ 2023: Khi các "đại gia" châu Âu "chơi không đẹp"

Trên 155 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đã sở hữu bản quyền phát sóng World Cup nữ 2023. Tất nhiên là giá phân phối bản quyền cũng tương đối rẻ vì FIFA muốn tiếp cận môn chơi này đến một tầm cao mới. Cũng vì mục tiêu đó mà đã có một “cuộc chiến” giữa tổ chức này với một vài quốc gia có nền bóng đá phát triển tại châu Âu. Thậm chí, suýt nữa FIFA “cấm sóng” với một số đài lớn.
World Cup nữ – Australia & New Zealand 2023
World Cup nữ – Australia & New Zealand 2023

Chính tờ Independent của Anh cũng thừa nhận “Lần này FIFA đã làm đúng”. Các đài truyền hình lớn chuyên sở hữu các bản quyền bóng đá hàng đầu đã có một thái độ không tốt khi cố kỳ kèo về giá bản quyền của World Cup nữ. Theo tờ báo Le Monde của Pháp, những quốc gia bao gồm: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Pháp chỉ muốn trả từ 2 đến 4 triệu euro. Số tiền này có khoảng cách khá xa so với mong đợi của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, người cho rằng giá trị của bản quyền nên từ 8 đến 10 triệu euro. Về giá trị, thì chỉ đạt 5% so với bản quyền của bóng đá nam, vậy nhưng đề nghị tốt nhất đến từ Italy chỉ là 1%, của Đức là 3% thậm chí Nhật Bản cũng mặc cả xuống còn 2%.

Trong một tuyên bố vào đầu tháng 5, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết việc các đài truyền hình ở những quốc gia này đưa ra mức giá thầu thấp hơn ít nhất 100 lần so với bản quyền World Cup bóng đá nam là điều "không thể chấp nhận được". Tất nhiên, có nhiều lý do để bản quyền bóng đá nữ không thể bằng với bóng đá nam, nhưng có những yếu tố khác chứng minh là việc trả giá như vậy là có yếu tố phân biệt đối xử.

Các quốc gia đến từ châu Âu luôn nói về sự công bằng, nhân quyền, bình đẳng giới nhưng khi bước vào bàn đàm phán, họ lại đưa ra các số liệu về kinh doanh, chênh lệch múi giờ, dù ai cũng biết là bóng đá nữ rất cần sự ủng hộ về tài chính hơn là một giải pháp thương mại. Theo Chủ tịch FIFA cũng như phân tích của tờ Independent thì tỷ lệ người xem bóng đá nữ không hề kém nếu căn cứ vào lượng người xem truyền hình miễn phí mặt đất (analog). Trong khi đó, những nơi đang kỳ kèo giá bản quyền thì đều là quốc gia phát triển bóng đá nữ hàng đầu: Đức hiện đang xếp thứ 2 trên thế giới, Anh thứ 4, Pháp thứ 5 và Tây Ban Nha thứ 7. Tại Tây Ban Nha, bóng đá nữ ngày càng được quan tâm, số người đến xem các trận đấu liên tục bị phá kỷ lục và hiện đang được chuyển đến các sân vận động cỡ lớn để tổ chức.

Các quốc gia đến từ châu Âu luôn nói về sự công bằng, nhân quyền, bình đẳng
Các quốc gia đến từ châu Âu luôn nói về sự công bằng, nhân quyền, bình đẳng

Những chi tiết này không được các đài tư nhân đề cập khi thực hiện đàm phán. Cựu danh thủ Ian Wright, nay đang là chuyên gia về bóng đá nữ đã cáo buộc họ "không bước lên": “Trên khắp châu Âu, các đài truyền hình liên tục thúc đẩy thông điệp phát triển bóng đá. Mỗi chương trình phát sóng, họ muốn các chuyên gia như tôi nói về thành công của bóng đá nữ. Nhưng đến khi cần họ hành động thì họ lại thụt lùi”. Ngay ở Nhật Bản cũng không tốt hơn. Trận đấu vòng bảng năm World Cup 2019 với Scotland bị chậm vài giờ, nhưng vẫn thu hút được 6 triệu khán giả. Trận chung kết năm World Cup 2015 ở Canada giữa Nhật Bản và Mỹ có đến 11 triệu khán giả.

Vì thế mới có câu hỏi: Vì sao các đài truyền hình tư nhân lại đưa ra mức giá bèo bọt đến vậy? Phải chăng đây là vấn đề về phân biệt đối xử chứ không phải chuyện kinh doanh. "Nhiều đài truyền hình trong số này thường lên tiếng về sự bình đẳng, nhưng lại đưa ra gói giá thầu bản quyền World Cup bóng đá nữ ít hơn 100 lần so với bóng đá nam. Điều này là không thể chấp nhận được", Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nhấn mạnh. Theo ông Infantino, FIFA đang đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 4 năm để phát triển bóng đá nữ trên toàn cầu. "Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được giải pháp cho vấn đề này, nhưng điều quan trọng là mọi người phải hành động cụ thể thay vì lời nói. Ngoài ra, chúng ta cần bắt đầu xem xét bóng đá nữ theo một cách công bằng hơn, tương tự như cách chúng ta đã làm với bóng đá nam", ông Infantino nói thêm.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng những quốc gia này cũng có lý do của riêng họ. Với việc World Cup 2023 được tổ chức tại Australia & New Zealand, do chênh lệch múi giờ, khán giá châu Âu sẽ phải theo dõi các trận đấu vào khoảng từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Đây là khung giờ không thuận lợi, gây tụt giảm lượng người xem và doanh thu quảng cáo. Do đó, có thể các nhà đài không muốn đầu tư quá nhiều cho một giải đấu có tỷ lệ sinh lời không cao. Nhung trường hợp Nhật Bản, không bị vấn đề về múi giờ, lại cho thấy bản chất của câu chuyện.

Cần thêm nổ lực để đưa bóng đá nữ vượt tầm

Cần thêm nổ lực để đưa bóng đá nữ vượt tầm

Theo bình luận của Independent thì trong trường hợp này FIFA đã làm đúng phần lớn trách nhiệm của mình. Mục tiêu của FIFA là đem đến thu nhập bình đẳng hơn cho các cầu thủ cả nam lẫn nữ khi tham gia World Cup vào năm 2027 và để làm điều đó, FIFA cần thêm tiền từ bản quyền. Tại World Cup 2023, số tiền thưởng tăng đến 152 triệu bảng, gấp 3 lần so với năm 2019 và tăng gấp 10 lần so với năm 2015. Nó đã chứng kiến ​​một bước nhảy vọt ở bóng đá nữ và được cho là không chỉ phục vụ cho mục tiêu bình đẳng mà còn là yếu tố chuyên môn.

Trong những năm 1980, cũng từng có các trận đấu vòng bảng ở World Cup nam xuất hiện những tỷ số cách biệt lớn. Bây giờ không còn nữa dù số đội dự World Cup đã tăng lên, cũng một phần nhờ quá trình đầu tư và tiền thưởng kích thích nỗ lực thi đấu của các đội bóng nhỏ. Nếu các trận đấu vòng bảng (có nhiều đội lót đường) mà gây cấn, quyết liệt thì số người xem truyền hình trên khắp thế giới sẽ tăng nhanh. Cứ lấy ví dụ của Việt Nam, chắc chắn các trận đấu sắp đến của thầy trò HLV Mai Đức Chung tại World Cup lịch sử sẽ không kém gì bóng đá nam.

Tin cùng chuyên mục