Hội nghị chống phân biệt chủng tộc LHQ - Khai mạc trong bối cảnh bị tẩy chay

Ngày 20-4, Hội nghị về chống phân biệt chủng tộc của LHQ (còn gọi là Durban II) khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ. Durban II khai mạc trong bầu không khí nặng nề do nhiều nước, trong đó có Mỹ, từ chối tham gia.

Các nước Mỹ, Hà Lan, Australia, Canada, Israel, Đức, New Zealand, Ba Lan và Italia tẩy chay hội nghị vì lo ngại nó có thể bị “sử dụng như một diễn đàn phục vụ những lợi ích khác”, rằng các quốc gia Hồi giáo sẽ nhân cơ hội này chỉ trích Israel và cản trở tự do ngôn luận khi đến lượt nước khác chỉ trích tôn giáo của họ. Riêng sự vắng mặt của Washington đã khiến Cao ủy nhân quyền LHQ, Navi Pillay, tức giận và tuyên bố “cảm thấy bị sốc và thất vọng ghê gớm” vì hội nghị lần này được coi là cơ hội để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng từ năm 2001.

Một nguyên nhân nữa khiến nhiều nước không tới tham dự là sự có mặt của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Đúng như dự đoán, bài diễn văn của Tổng thống Iran một lần nữa khiêu khích Israel, cho rằng nước này là nơi “tàn ác nhất và phân biệt chủng tộc mạnh nhất”. Lập tức, các đại diện đến từ EU bỏ ra ngoài phòng hội nghị.

Tổng thống Pháp N.Sarkozy kịch liệt lên án bài diễn văn trên, đồng thời kêu gọi EU có thái độ cương quyết với Iran. Đây cũng là lý do khiến các nhóm Do Thái và Israel không có mặt vì không muốn lặp lại những gì ở Durban năm 2001 cũng như muốn tỏ rõ thái độ với ông Ahmadinejad, người từng tuyên bố “gạch tên Israel ra khỏi bản đồ”.

Cho đến sát giờ khai mạc, các nước EU vẫn còn chia rẽ sâu sắc. Các nước như Pháp, Anh, Bỉ đồng ý tới tham dự với các cấp đại diện khác nhau. Cùng ngày, Israel đã quyết định triệu hồi Đại sứ nước này tại Thụy Sĩ về nước để tham vấn nhằm bày tỏ thái độ phản đối cuộc gặp giữa Tổng thống Thụy Sĩ Hans-Rudolf Merz và Tổng thống Iran bên lề hội nghị.

Năm 2001, tại Durban (Nam Phi), hội nghị thế giới tuy đã thông qua kế hoạch hành động chống lại nạn phân biệt chủng tộc nhưng lại kết thúc trong mâu thuẫn gay gắt do các cáo buộc bài Do Thái bắt nguồn từ Mỹ và Israel. Trên trang web của mình, LHQ đã dự báo sẽ có ít quốc gia tham dự. Phần lớn các nước phương Tây “dị ứng” với dự thảo Tuyên bố chung do các nhà ngoại giao soạn thảo vì cho rằng sẽ có vấn đề với tự do ngôn luận. 

V.Kh. (Theo AFP, AP)

Tin cùng chuyên mục