Blog văn chương tiếng Việt

Đi đâu về đâu?

Đi đâu về đâu?

Theo một thống kê không chính thức thì hiện nay có khoảng hơn 1 triệu blog (nhật ký điện tử) tiếng Việt (nguồn vnexpress.net) với đủ loại nội dung khác nhau, trong đó có một số lượng lớn blog dùng để giới thiệu, chuyển tải các tác phẩm văn học tiếng Việt.

Nhà văn làm blog

Trước thực trạng ngày càng có nhiều tác phẩm văn học lên blog và từ blog ra sách, vừa qua Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM đã tổ chức một cuộc gặp gỡ bàn tròn giữa các nhà văn, nhà quản lý, blogger (người viết blog) cùng các NXB để trao đổi về thực trạng blog văn chương tiếng Việt hiện nay. Dự kiến trước những tranh cãi sẽ xuất hiện xung quanh cuộc gặp gỡ về một loại hình phát triển văn học đầy mới mẻ, nhà văn Trần Văn Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM, người chủ trì cuộc gặp gỡ đã phải giới hạn khi đề nghị mọi người tập trung vào: “Nâng cao ý thức trách nhiệm công dân và chất lượng văn học ở các blog văn chương”.

Đi đâu về đâu? ảnh 1

Cuộc gặp gỡ nóng lên về những vấn đề xung quanh blog văn chương.

Tuy nhiên, khi bước vào trao đổi, cuộc gặp gỡ đã trở nên nóng hơn với những ý kiến khác nhau. Theo nhà văn Trần Quốc Toàn thì có một số nhà văn hiện nay đang sử dụng blog như một công cụ hiệu quả để giới thiệu về mình. Điển hình như trường hợp nhà văn nữ Trang Hạ, blog của chị trở nên rất nổi tiếng khi đã liên tục giới thiệu một số tác phẩm văn học do chị dịch từ các nhà văn trẻ Trung Quốc “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”… Chính vì thế khi chị giới thiệu lại tác phẩm “Những đống lửa trên vịnh Tây Tử” do chính chị viết đã mau chóng được bạn đọc biết đến.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn lại có ý kiến khác, anh cho rằng blog là nơi lý tưởng để các nhà văn kiểm tra phản ứng của độc giả với các sáng tác của mình trước khi chính thức xuất bản. Từ những ý kiến đóng góp của độc giả nhà văn có thể cho ra đời một tác phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, điều mà tác phẩm nổi tiếng “Tru Tiên” của nhà văn Trung Quốc Tiêu Đỉnh đã từng làm. Nhà thơ cũng cho rằng blog chính là nơi nhà văn đạt được sự tự do tuyệt đối trong sáng tác khi không phải chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nào đối với tác phẩm của mình khi đưa lên blog. Chính vì thế, blog văn chương tiếng Việt đã không còn là sân chơi độc quyền của các nhà văn trẻ như trước đây. Hiện nay đã có rất nhiều nhà văn lớn tuổi cũng làm blog, đưa tác phẩm của mình lên blog.

Blog văn chương - Đi đâu về đâu?

Tự do là ưu điểm cao nhất của blog và cũng là nhược điểm nghiêm trọng nhất. Ông Hoàng Đình Giang, Giám đốc Chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TPHCM đã khẳng định rằng blog cũng là một hình thức xuất bản, và như mọi hình thức xuất bản khác việc thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến những biến dạng xấu. Thực tế, đã xuất hiện nhiều blog văn chương mượn danh văn học để chửi bới, bôi nhọ lẫn nhau, thậm chí có blog còn giới thiệu những “tác phẩm văn học” miêu tả những câu chuyện phòng the với những ngôn từ sống sượng, thô tục nhất. Đó là chưa kể những sáng tác khi đưa lên blog thường mang tính ý tưởng hơn là một tác phẩm hoàn chỉnh nên người đọc cũng không thể thưởng thức một tác phẩm văn học thực sự. Tuy nhiên, khi bàn tới đây hầu như tất cả những nhà văn, blogger tham dự đều đồng ý với nhau ở chỗ là khó có thể quản lý blog bằng văn bản hành chính hay biện pháp kỹ thuật khi mỗi ngày có khoảng 1 triệu bài viết mới được đưa lên blog.

Trước thực trạng đó, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân đã kiến nghị Hội Nhà văn Việt Nam nên chú ý hơn đến văn chương trên blog, khuyến khích trui rèn những nhà văn mới, có tác phẩm hay và mở lớp huấn luyện các nhà văn trong hội sử dụng blog làm công cụ sáng tác mới. Có như vậy mới phát huy được những ưu điểm của blog trong sáng tác văn chương và giảm bớt các blog độc hại. Con đường xây dựng một thế giới văn chương mạng ở Việt Nam đang trông đợi vào tính tự giác, sự hỗ trợ của Hội Nhà văn Việt Nam, các hội nhà văn địa phương hơn là những nghị định, quy định của pháp luật, đó cũng là kết luận chung của các đại biểu tham dự cuộc gặp gỡ bàn tròn. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục