Trên cánh đồng đông xuân

Tết trên đồng
Trên cánh đồng đông xuân

Vụ đông xuân 2014 - 2015, toàn vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 1,5 triệu ha. Đến thời điểm này, trừ một số địa phương gieo sạ sớm đã bắt đầu thu hoạch lúa, phần lớn diện tích đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, bà con nông dân vẫn bám đồng, bám lúa, phòng trừ dịch bệnh, sâu hại, hy vọng vào vụ mùa bội thu.

Nông dân huyện Tân Hưng (Long An) thu hoạch lúa đông xuân trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: VĂN ĐÁT

Tết trên đồng

Trước thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, ngành NN-PTNT các địa phương khuyến cáo nông dân chú ý vui xuân, đón tết nhưng phải thường xuyên thăm ruộng, theo dõi chăm sóc lúa để kịp thời xử lý dịch bệnh. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh An Giang, do vụ đông xuân này nông dân trồng nhiều giống dễ nhiễm bệnh như Jamine, IR 50404, Nàng Hoa chính, OM 6976... và ảnh hưởng của thời tiết là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Cùng nông dân ra đồng trong các ngày tết, lãnh đạo Sở NN-PTNT An Giang đã tổ chức trực 24/24, thành lập Ban chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh trên lúa, phân công các thành viên cùng với trạm khuyến nông, phòng nông nghiệp xuống thăm đồng với nông dân thường xuyên từ mùng 1 đến mùng 5 Tết Ất Mùi. Ông Nguyễn Văn Két, nông dân xã Bình Long (Châu Phú), tâm sự: “Điều kiện canh tác hiện nay đòi hỏi nông dân phải theo sát ruộng lúa. Vì vậy, những ngày nghỉ tết vừa qua, chúng tôi vẫn thường xuyên thăm đồng cùng anh em kỹ thuật viên ngành nông nghiệp”.

Năm 2015 là năm thứ hai tỉnh Đồng Tháp triển khai sâu rộng đề án tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời giảm giá thành sản xuất để gia tăng thu nhập cho nông dân. Với mục tiêu đó, từ mùng 3 Tết, nhiều nông dân đã ra đồng chăm sóc lúa đông xuân. Nông dân Hồ Văn Hiếu (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) cho biết: “Vui xuân đón tết nhưng nông dân vẫn lo lắm vì ngành bảo vệ thực vật thông báo dịch bệnh thường xuyên. Nếu mình lơ là, năng suất lúa giảm, kéo theo thu nhập sẽ giảm”.

Tại Bạc Liêu, đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống hơn 46.600ha lúa đông xuân 2014 - 2015. Các trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và phát triển khá tốt. Theo Chi cục BVTV tỉnh, vụ lúa đông xuân, các loại sâu bệnh như rầy nâu, đạo ôn, bệnh cháy bìa lá… đã xuất hiện và phá hại lúa. Gia đình anh Lê Văn Cảnh (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) có 50 công đất sản xuất lúa đông xuân. Hầu hết diện tích lúa của anh Cảnh đều bị nhiễm bệnh đạo ôn. Anh Cảnh cho biết: “Gia đình tôi và bà con vừa ăn tết vừa phải phun thuốc trừ bệnh đạo ôn theo hướng dẫn của cán bộ BVTV. Sau khi phun, kiểm tra lại thấy bệnh đã giảm rất nhiều”.

Mong được mùa, được giá

Vụ đông xuân là vụ lúa lớn nhất năm ở ĐBSCL. Thời điểm này, nông dân đã bắt đầu thu hoạch những trà lúa gieo sạ sớm. Theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam (VFA), tháng 1-2015, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 169.358 tấn gạo, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2014. Hợp đồng tập trung chưa có, lúa gạo chỉ tiêu thụ nội địa nên giá bị đẩy xuống thấp. Trước tình hình này, hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đã kiến nghị Chính phủ thu mua tạm trữ sớm. Bộ NN-PTNT cho biết, tổng sản lượng lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 vùng ĐBSCL dự kiến là 11,3 triệu tấn, tương đương 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa. Dự kiến năm 2015, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,7 triệu tấn gạo. Trong bối cảnh giá giảm, cạnh tranh gay gắt trên thị trường, thu nhập của người trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng. Với tình hình giá chào bán xuất khẩu hiện nay, VFA nhận định, các nước có tiềm năng xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam, nhất là phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp vào các thị trường như Trung Quốc, Đông Nam Á (Philippines, Malaysia, Indonesia), châu Phi (Nigieria), châu Mỹ (Cuba, Mexico).

Trước tình hình này, Bộ Công thương cho biết, mục tiêu xuất khẩu gạo vẫn phải đảm bảo có lợi cho nông dân. Trong khi đó, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt về chất lượng và giá với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này. Để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, Bộ Công thương đề ra mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2015 phải đảm bảo góp phần tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa của nông dân; góp phần đảm bảo cân đối cung cầu, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; thực hiện các cam kết quốc tế, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.

 Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương của Liên bộ NN-PTNT, Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014 - 2015, thời gian thu mua từ ngày 1-3 đến 15-4 để ổn định giá lúa, gạo. Theo đó, nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng tối đa 4 tháng cho doanh nghiệp mua tạm trữ.


Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục