Đồng Tháp: Hội quán nông dân đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 18-11, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của hội quán”, với sự tham dự của Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong, đại diện chủ nhiệm 145 hội quán trên địa bàn tỉnh, các tổ chức quốc tế và lãnh đạo các sở ngành trong tỉnh.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, ngày 3-7-2016, Canh Tân Hội quán được thành lập đầu tiên tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, mô hình đã lan tỏa ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, với 145 hội quán và 7.580 thành viên.

Hội quán hoạt động đa dạng các loại hình như: Sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột... Và đã thành lập được 35 hợp tác xã mới từ mô hình hội quán. Từ đó cho thấy mô hình hội quán là nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp từ “lượng” sang “chất”.

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong tham dự hội thảo
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong tham dự hội thảo

Đến nay, mô hình đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giải bài toán “liên kết - hợp tác” giữa các nông dân với nhau, đây là mắc xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí - tăng chất lượng”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Chia sẻ tình hình thực tiễn tại tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bình Thuận cho biết: Chứng kiến nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, sinh kế người dân thiếu ổn định, do tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) vì chưa được ngăn chặn triệt để. Trong khi đây là ngư trường trọng điểm của vùng Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, với khu bảo tồn biển Hòn Cau, Phú Quý và nhiều bãi đẻ thuỷ sản, nơi di cư kiếm ăn và sinh sản của rùa biển tại Việt Nam.

“Nhận thấy tính quan trọng của cộng đồng trong quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tỉnh duy trì hoạt động của 4 tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, với 538 thành viên hộ gia đình. Mỗi tổ chức cộng đồng đều hình thành và xây dựng các đội tuần tra/giám sát, đội tuyên truyền, có nội quy tự quản, hoạt động bài bản, với sự tham gia rộng rãi của nhiều thành phần người dân tại địa phương. Từ đó, nguồn lợi thuỷ sản trong vùng quản lý và các vùng lân cận đã phục hồi và phát triển rất tốt, nhiều loài thủy sản bị tận diệt trong nhiều năm đã phục hồi, đem lại nguồn thu nhập tốt cho các tàu thuyền trong khu vực”, ông Huỳnh Quang Huy chia sẻ.

Các đại biểu đã có nhiều tham luận tại 2 phiên hội thảo “Phát huy vai trò cộng đồng tự lực, tự quản, tự chủ, thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp” và “Hội quán tham gia bảo vệ môi trường, phát huy giá trị bản sắc văn hoá cộng đồng và phát triển du lịch nông nghiệp”.

Hội quán đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Hội quán đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Sáng cùng ngày, đã diễn ra lễ khai mạc không gian trưng bày Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng; Vòng chung kết cuộc thi Thủ lĩnh Đất Sen hồng.

Tối nay, 19 giờ 30 sẽ diễn ra lễ khai mạc Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I năm 2023, tại Quảng trường công viên Văn Miếu (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Tin cùng chuyên mục