Mặc dù kinh tế TPHCM tăng trưởng nhanh hơn so với cả nước nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, TPHCM cần nhận diện rõ những bất cập, lạc hậu trong quản lý, đặc biệt đối với ngành công nghiệp mũi nhọn, để từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu, kịp thời nhằm tái cấu trúc hiệu quả.
Còn nhiều bất cập
Theo đánh giá của UBND TPHCM, vấn đề phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả đúng như vai trò của TP đã được xác định đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung là thu hút, dẫn dắt, làm điểm tựa cho sự phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng. Dù vậy, thực tiễn thời gian qua cho thấy, công nghiệp trên địa bàn TP đang có nhiều tồn tại cần được tháo gỡ, giải quyết.
Cụ thể, quá trình hội nhập quốc tế có nhiều thách thức trong khi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn thấp. Quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, vốn ít; vấn đề tổ chức quản lý, đào tạo nhân lực... còn nhiều bất cập. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước còn thấp; chậm thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ.
Ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, hình thức gia công chiếm tỷ trọng lớn, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Chiến lược sản phẩm, chiến lược thị trường, năng lực dự báo và đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực này (nhất là thiết kế mẫu mã, nghiên cứu ứng dụng và cải tiến công nghệ) của thành phố cũng như của từng doanh nghiệp còn thiếu.
Các chính sách quản lý và điều tiết hoạt động sản xuất hay biến động, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật không theo kịp sự phát triển của ngành công nghiệp. Do đó, chưa thực sự thu hút sự tham gia của cộng đồng đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Việc phát triển công nghiệp của các địa phương trong vùng còn mang tính tự phát, theo phong trào, thiếu quy hoạch và sự chỉ đạo đồng bộ đã dẫn đến nhiều trường hợp cạnh tranh, triệt tiêu động lực phát triển. Mặt khác, giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn thấp; tỷ lệ sản xuất gia công còn cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Quách Tố Dung, hiện vẫn còn khoảng 85% doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, vốn vay ngân hàng là chủ yếu. Chưa có sự điều phối hữu hiệu của các bộ ngành trung ương trên phạm vi vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TPHCM là trung tâm.
Tại các KCX-KCN chủ yếu mang tính tổng hợp, nhiều ngành nghề quy tụ, ít khu chuyên ngành nên chưa hình thành các cụm liên kết, hỗ trợ sản xuất, do đó tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa thật sự mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, tuy thủ tục hành chính thời gian qua có giảm, nhưng vẫn còn nhiêu khê, áp dụng không thống nhất, gây phiền hà đối với nhà đầu tư.
Tạo cơ chế thông thoáng
Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ phát triển TPHCM trở thành địa bàn công nghiệp vào năm 2015–2017, trở thành trung tâm công nghiệp, giữ vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, UBND TPHCM triển khai Nghị quyết của Đảng bộ và chỉ thị của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, thực hiện “Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015”.
Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng bình quân 11%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13%/năm. Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu và phát triển công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành sản xuất trong các KCX-KCN theo hướng giảm ngành thâm dụng lao động, công nghệ thấp, trung bình sang ngành công nghệ cao và không gây ô nhiễm môi trường hoặc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
Điều chỉnh quy hoạch các KCN, KCX và cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa. Đẩy mạnh liên kết với các địa phương nhằm phát huy lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư và hội nhập. Tổ chức tốt công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao, có năng lực quản lý, có chuyên môn và kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp. Đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đáng chú ý trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế lần này là TP tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, đổi mới công nghệ trang thiết bị. Thông tin, giới thiệu và hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách mới như: Quy hoạch ngành, chương trình kích cầu và các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ... Hướng dẫn doanh nghiệp tham gia chương trình bảo lãnh tín dụng, lập dự án đầu tư và các chương trình cho vay ưu đãi khác. Trong đó, có nhiều lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp chủ lực được ưu đãi miễn giảm lãi suất 100%.
Mặt khác, xây dựng danh mục các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao được khuyến khích phát triển trên địa bàn TP. Trong đó, ưu tiên 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi (vốn, mặt bằng, đào tạo lao động, công nghệ, thiết kế mẫu, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm,…) trong khuôn khổ quy định của WTO cho phép nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có các sản phẩm, dự án đầu tư thuộc danh mục.
Đối với các khoản hỗ trợ doanh nghiệp, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Phan Minh Tân cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ đưa ra một số chương trình mang tính chất hỗ trợ trọn gói. Trong đó, có thể hỗ trợ tài chính về nghiên cứu đổi mới công nghệ và hỗ trợ nhập khẩu công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu… Tất cả nhằm mục tiêu để giá trị gia tăng của doanh nghiệp phải được cải thiện.
Trong cuộc tọa đàm với các các chuyên gia kinh tế để góp ý xây dựng Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế của TPHCM hồi đầu tháng 4, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, TP sẽ thực hiện các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế với các cách làm phù hợp với mô hình tăng trưởng và cấu trúc kinh tế của TP.
Lạc Phong