Cuộc khủng hoảng tại Thái Lan giờ đây đã bước qua giai đoạn mới xung quanh việc có tổ chức cuộc tổng tuyển cử đúng thời hạn ngày 2-2-2014 hay không.
Diễn biến phức tạp
Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) đã lên kế hoạch đăng ký ứng cử viên theo danh sách đảng từ 23 đến 27-12 và ứng cử viên theo khu vực bầu cử từ 28-12-2013 đến 1-1-2014. Trước đó, EC ra tuyên bố hối thúc chính phủ tạm quyền và thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ tiến hành đàm phán về thời gian tổ chức bầu cử. Tuyên bố cho biết EC đã tiến hành công tác chuẩn bị bầu cử vào ngày 2-2-2014. Tuy nhiên, tình hình chính trị ở Thái Lan hiện rất bất ổn, nếu tổ chức bầu cử có nguy cơ dẫn tới bạo loạn.
Trong một cuộc gặp Ủy ban bầu cử gần đây, các thủ lĩnh biểu tình đã được giải thích rằng để trì hoãn một cuộc tổng tuyển cử phải thỏa mãn hai điều kiện là các đảng phái chính trị phải đạt được thỏa thuận và quyết định trì hoãn có được luật pháp cho phép hay không.
Các ủy viên trong Ủy ban bầu cử nói thêm rằng trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, chính phủ có thể ra một sắc lệnh hoãn bầu cử. Việc trì hoãn này sau đó cần phải được Ủy ban bầu cử thông qua. Các ủy viên bầu cử khuyên người biểu tình nên góp phần vận động để có được một cuộc bầu cử công bằng thay cho việc muốn làm trì hoãn nó.
Đảng đối lập gặp khó
Đảng Puea Thai dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc bầu cử khi họ tuyên bố mục tiêu giành thắng lợi áp đảo. Đảng này sẽ có hơn 500 ứng cử viên đăng ký theo danh sách đảng và hơn 400 ứng cử viên đăng ký tại các khu vực bầu cử.
Đảng Dân chủ đối lập vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia cuộc bầu cử hay không. Đảng này hiện đang phải đối mặt với những khó khăn bởi nếu không tham gia uy tín của họ sẽ giảm sút và các ứng cử viên tiềm năng có thể sẽ rời bỏ đảng. Tuy nhiên, nếu tham gia thì khả năng chiến thắng của họ rất mong manh.
Trong một tuyên bố đầu tiên về cuộc bầu cử kể từ khi được bầu lại làm chủ tịch, ông Abhisit Vejjajiva cho biết cuộc tổng tuyển cử nên được hoãn lại bởi bầu không khí hiện nay không có lợi và người dân đang nghi ngờ về khả năng lợi dụng quyền lực của chính phủ.
Tình hình hiện nay khác xa so với cuộc tổng tuyển cử 2006, khi đó đảng Dân chủ đã thuyết phục được các đảng liên minh tẩy chay bầu cử và chỉ còn để lại một mình đảng Người Thái yêu người Thái tranh cử. Trong cuộc đua lần này, kể cả đảng Dân chủ có tẩy chay, thì cũng có rất ít tác động bởi tất cả các đảng nhỏ liên minh đều đăng ký tham gia.
Phe đối lập gây sức ép
Truyền thông Thái Lan đưa tin Cục điều tra các vụ án đặc biệt nước này quyết định đóng băng tài khoản ngân hàng của 18 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ trong đó có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, đồng thời gửi trát tới những người này với cáo buộc phạm tội kích động bạo loạn.
Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố rằng sẽ kêu gọi một cuộc biểu tình lớn nữa vào 22-12 nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức. Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp lại việc bà Yingluck khẳng định lại rằng bà đang thực hiện đúng nhiệm vụ thủ tướng tạm quyền được hiến pháp quy định.
Theo ông Suthep, những người biểu tình sẽ theo đuổi bà Yingluck ở mọi lúc, mọi nơi và cho tới cùng để buộc bà phải từ bỏ mọi vị trí ở Thái Lan. Người biểu tình sẽ không từ bỏ mục tiêu của mình cho tới khi giành được chiến thắng.
Tuyên bố trên của ông Suthep cũng nhằm mục tiêu ngăn cản cuộc bầu cử để phong trào biểu tình có thể thực hiện mục tiêu cải cách chính trị trước. Nhưng nó sẽ đi ngược lại kế hoạch thực hiện tiến trình cải cách theo đúng luật pháp của Chính phủ Thái Lan.
VIỆT ANH (tổng hợp)
>> Thái Lan: Ủy ban bầu cử muốn hoãn tổng tuyển cử
>> Thái Lan: Phe đối lập quyết buộc bà Yingluck từ chức