(SGGPO).- Sáng 11-3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa về công tác triển khai xây dựng Đề án Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Phong (đặc khu Vân Phong).
Trước những bức thiết của các địa phương về định hướng phát triển các khu kinh tế (KKT), cuối năm 2016, Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) theo định hướng: mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa ngày 11-3-2017. Ảnh: Văn Ngọc
Chính phủ giao UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị.
Phát biểu định hướng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, tỉnh Khánh Hòa và các địa phương đã được chỉ định xây dựng đặc khu cần đánh giá, phân tích chính xác các luận cứ khoa học để có những cái nhìn sâu rõ nhất các lợi thế vượt trội của từng đặc khu để đưa ra những chính sách phù hợp. Theo Phó Thủ tướng, các vướng mắc, những hạn chế làm chậm phát triển các KKT phải được mổ xẻ, phân tích để tìm ra giải pháp. Nếu chưa bàn thảo kỹ mà trình ra Quốc hội xem xét thì chưa ổn, sẽ phải sửa, bổ sung rất nhiều là điều không ai muốn.
Trình bày với Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác Chính phủ, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong cho biết, KKT Vân Phong được thành lập từ năm 2008, trên tổng diện tích 150.000ha bao gồm cả diện tích đất và mặt nước. Xét tổng thể, đây là KKT có nhiều lợi thế để phát triển các nghề mũi nhọn liên quản đến kinh tế biển như: cảng trung chuyển, lọc hóa dầu, du lịch chất lượng cao và nuôi trồng thủy sản. Đến thời điểm này, KKT Vân Phong thu hút được 145 dự án đầu tư (trong đó có 27 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1,47 tỷ USD. Hiện đã có 79 dự án đi vào hoạt động, tuy nhiên, số vốn đã thực hiện được còn quá khiêm tốn, chỉ đạt 628 triệu USD.
Theo ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, mặc dù là KKT trọng điểm của cả khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, nhưng đến nay tốc độ phát triển của Vân Phong còn rất khiêm tốn, trong đó thể hiện rõ nhất qua số lượng dự án đầu tư và đầu tư hạ tầng tại đây còn quá ít so với các KKT khác như Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo ông Vinh, thế của Vân Phong là kinh tế biển, nhưng hiện nay tỉnh rất khó tìm nhà đầu tư vào đây khai thác. Cách đây gần 10 năm, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) vào Vân Phong xin làm dự án thép. Tuy nhiên, do quan ngại môi trường nên dự án không thể thực hiện. Từ ngày Posco rút khỏi Vân Phong, việc tìm nhà đầu tư khó khăn hơn bởi họ quan ngại cơ chế nơi đây. Tương tự, dự án Cảng trung chuyển container Vân Phong do Vinalines đầu tư với số vốn hơn 6.000 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2009 nhưng sau nhiều năm bế tắc dự án này đã bị rút giấy phép đầu tư (2012). Đến nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn bế tắc trong việc tìm nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Trên những cơ sở này, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị với Chính phủ cần sớm phê duyệt khung pháp lý cho đặc khu Vân Phong, để sớm trình Quốc hội xem xét vào năm 2018, bởi chậm ngày nào thì KKT Vân Phong thiệt thòi, mất cơ hội phát triển ngày đó.
Tại buổi làm việc, vấn đề được các đại biểu bàn thảo khá nhiều đó là việc nên hình thành một luật cho đặc khu hay tạo một khung pháp lý chung rồi ra từng Nghị quyết thành lập từng đặc khu. Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung, hiện Bộ KH-ĐT đang xem xét các mô hình đặc khu sau khi tổng hợp các ý kiến từ chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng các mô hình chuẩn, phù hơp nhất. Tuy nhiên, các mô hình đặc khu phải thực sự tạo ra được sự cạnh tranh, động lực phát triển dựa trên những lợi thế vượt trội. Còn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu thì băn khoăn: Nếu cả 3 đặc khu kinh tế mà vào một luật để vận hành thì chưa ổn, bởi mỗi khu kinh tế có một đặc thù, thế mạnh khác nhau. Vì thế, nếu vận hành theo một cơ chế thì khó mà linh hoạt, mỗi đặc khu khó tự lực…
Còn theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cái khó nhất của các đặc khu là chúng ta chưa có những quy định, khung pháp lý cụ thể. Vì thế, khi xây dựng đặc khu kinh tế, phải trả lời được cho Quốc hội biết vì sao phải xây dựng các đặc khu; liệu các đặc khu kinh tế có giải quyết được những bất cập, tạo ưu việt trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tại các KKT hiện nay hay không?
“Cái áo nó chật rồi, nhưng chúng ta chưa biết chật chỗ nào để tháo gỡ, trong khi lại cứ đòi mua áo mới. Xây dựng mô hình đặc khu sẽ xung đột đến hàng loạt luật hiện có, khi vướng thì rất khó để điều chỉnh, thay đổi, bổ sung…” ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong đã bị rút giấy phép đầu tư năm 2012. Ảnh: Văn Ngọc
Tại buổi làm việc, ông Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề xuất: Sau khi đặc khu kinh tế Vân Phong được thành lập, đặc khu này nên trực thuộc Trung ương quản lý, chỉ đạo trực tiếp. Theo ông Thân, nếu để đặc khu trực thuộc Trung ương sẽ dễ dàng thu hút được các nguồn lực đầu tư, trước mắt là nguồn nội địa bởi mọi quyết định đầu tư vào đây đều là nguồn ngoài ngân sách địa phương cấp tỉnh. Hơn thế, việc trực thuộc Trung ương sẽ giảm bớt đáng kể các “rào cản” thủ tục từ các bộ, ngành liên quan.
Về vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cũng đề xuất, song song với thời gian chờ thẩm định và phê chuẩn đặc khu, Chính phủ nên để các địa phương có đặc khu linh hoạt trong việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng mô hình chuẩn cho hoạt động đặc khu cũng như được chỉ định nhà đầu tư cho các dự án trong KKT. “Đặc khu được hình thành chính là kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp, chúng ta nên để họ cùng tham gia ý kiến xây dựng tiêu chuẩn hoạt động để lắng nghe tâm tư của nhà đầu tư”, ông Vinh cho biết thêm.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận: “Việc thành lập các đặc khu kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực để cho các KKT có những lợi thế vượt trội phát triển, vì lợi ích chung của quốc gia. Chính phủ hoan nghênh các địa phương trong thời gian qua đã cùng với Chính phủ từng bước tháo gỡ những nút thắt để tiến tới xây dựng bộ khung pháp lý về đặc khu để trình Quốc hội”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương, cần phải đánh giá, xem xét lại những lợi thế của các KKT, không chỉ so sánh với các KKT trong nước mà còn so sánh với lợi thế các KKT, đặc khu kinh tế trong khu vực và thế giới để xem mình thực sự có những lợi thế gì hơn hẳn với họ, từ đó mới có thể có những đánh giá, đưa ra các chính sách dài hơi.
Về những kiến nghị của lãnh đạo Khánh Hòa, Phó Thủ tướng cho biết: Việc có được công nhận là đặc khu hay không thì Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn vẫn tìm mọi cách để thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh sẵn có. Đặc khu kinh tế do Quốc hội xem xét thành lập thì đã là trực thuộc Trung ương rồi. Cái chính là chúng ta xây dựng bộ máy hành chính vận hành ra sao cho linh hoạt, phát huy nội lực, động lực để phát triển trên tinh thần chung là ưu tiên thế mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền.
Văn Ngọc