Hàng trăm ngàn tấn vải thiều của hàng ngàn hộ canh tác ở 2 “vương quốc vải thiều” nổi tiếng cả nước là Thanh Hà, Chí Linh (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) đang phải đối mặt với một bi kịch phũ phàng: càng được mùa thì càng rẻ như cho. Hiện đang là vụ thu hoạch rộ, một cân vải tươi rớt xuống chỉ còn 1.000-1.200 đồng mà nông dân vẫn khó bán.
Giá rớt kỷ lục, nông dân méo mặt
Từ 4 giờ sáng, con đường chạy dọc thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã ngập tràn các xe vải của hàng trăm nông dân vừa chở ra từ các xã nằm sâu trong huyện. Trong các kho thu gom vải, tiếng người om sòm mặc cả. Cảnh tượng thật sôi động mỗi khi đến mùa vải chín. Nhưng, sau cái vẻ ngoài tươi vui ấy lại là tâm trạng âu sầu của người trồng vải khi vải rớt giá một cách thảm hại. Đến thời điểm này, vải loại to, ngon và đẹp vỏ chỉ còn bán được 2.000-2.500 đồng/kg, còn loại trung bình chỉ có 1.000-1.200 đồng/kg.
“Chưa năm nào vải trúng mùa lớn như năm nay. Nhưng cũng chưa năm nào giá vải rớt kinh khủng như năm nay, rẻ hơn 4-5 lần so với những năm trước” - anh Tạ Văn Sang, ở xã Quý Sơn (trung tâm vải thiều Lục Ngạn) buồn bã. Theo anh, vải mất mùa, bị sâu bệnh cũng làm nông dân điêu đứng. Đến khi được mùa, bội thu cũng làm nhiều người méo mặt. Ông Hoàng Công Đông, xã Cấm Sơn, Lục Ngạn, giải bày: “Cả nhà tôi năm nay trồng hơn 2ha vải. Nếu với mức giá cứ rẻ như cho thế này thì không đủ tiền để thuê người hái”. Ông còn cho biết, mặc dù vải đã chín ngập vườn nhưng cho đến thời điểm này mới bán được gần 2 tấn. Bởi tư thương trả quá rẻ, không đủ chi phí chở cả xe vải từ Cấm Sơn ra thị trấn.
Chúng tôi tìm về trung tâm thị trấn Thanh Hà (Hải Dương). Vải từ các làng cũng ùn ùn từng xe nối đuôi nhau ra khu chợ làm tắc cả đoạn đường gần 1km. Cánh tư thương đang tất bật. Trong khi người trồng vải thì ngao ngán. Cả dãy dài xe thồ vải dựng bên mép đường, phơi dưới nắng rát mà chẳng ai thèm hỏi thăm.
Nhiều người tiếc của, cất công đem vải ra tận quốc lộ 5 Hà Nội-Hải Phòng, đứng cả ngày vẫy mời khách mà cũng chỉ bán được giá nhỉnh hơn chút: 3.000-3.500 đồng/kg. Tuy nhiên, mỗi người mỗi ngày cũng chỉ bán nổi 40-50kg vải. Chị Lê Thị Mai, xã Thanh Thủy huyện Thanh Hà, than thở: “Trong nhà tôi còn cả 1 mẫu vải đã bứt xuống xếp trong kho mà vẫn chưa bán được. Nếu cứ nóng như dịp này, chỉ vài hôm nữa là thối hết”.
Vải thiều “nhái” vẫn “ép sân”
Theo Sở Thương mại tỉnh Bắc Giang, năm nay do vải được mùa nên tổng sản lượng toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 153.000 tấn, tăng gấp 4 lần năm trước và là sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Những năm trước, một giải pháp giúp nông dân tiêu thụ vải, khắc phục tình trạng tồn đọng là chế biến xuất khẩu. Thế nhưng, Công ty Thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang (doanh nghiệp duy nhất về chế biến vải ở Bắc Giang) cho biết năm nay họ cũng chỉ tiêu thụ “giúp” cho bà con khoảng 1.000 tấn vải tươi, còn lại phải lo “giải quyết” 300ha vải của chính họ.
Anh Trần Xuân Việt, chủ một lò sấy thủ công ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn), cho biết, mặc dù từ đầu tuần qua, anh đã đốt 3 lò lửa suốt ngày đêm nhưng cũng chỉ sấy được gần 2,2 tấn vải tươi do chính gia đình anh trồng được. Trong khi, theo ông Thân Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cả huyện này đang có tới 13.000ha với khoảng 80.000 tấn vải tươi cần được tiêu thụ trong khi không phải chủ hộ nào cũng gom đủ 15-30 triệu đồng để xây lò sấy thủ công.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương), cho biết, năm nay cả huyện này có hơn 5.500 ha vải với tổng sản lượng khoảng 25.000 tấn. Nhưng người trồng vải đang lao đao trước tình trạng giá rớt thấp như hiện nay. Ông Trần Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chí Linh (Hải Dương), cũng chung nỗi niềm: “Cả huyện chúng tôi năm nay ước thu hoạch tới 35.000 tấn vải. Nhưng bà con đang gặp khó khăn rất lớn là vải không tiêu thụ được”.
Ông Thân Văn Mưu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho rằng việc giá vải thiều năm nay rớt một cách bất thường, ngoài nguyên nhân là trúng mùa lớn khiến sản lượng tăng đột biến, thì còn có nhiều nguyên nhân nan giải khác. Đó là việc quả vải thiều đã không còn là độc quyền của Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) mà khắp miền Bắc, đâu đâu cũng đang đua nhau trồng vải. Chính việc trồng không theo quy hoạch này, dẫn đến hiện tượng “giả danh”, “nhái thương hiệu” vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn đã và đang “bóp chết” 2 vùng trồng vải truyền thống này.
Trên thị trường hiện nay, rất nhiều loại vải được trồng ở Hà Tây, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn… vẫn đang vô tư mang “mác” Thanh Hà hoặc Lục Ngạn, chất lượng thì không bằng nhưng hình thức lại tương tự, bán rẻ 2-3 lần, khiến vải Thanh Hà, Lục Ngạn không thể cạnh tranh nổi. Trong khi cho đến nay, mặc dù ở Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương), các chính quyền địa phương đã nỗ lực để tạo thương hiệu cho quả vải bằng việc dán nhãn, đóng gói, bao bì… nhưng mới chỉ dừng lại ở việc làm điểm, số lượng không nhiều, nên phần lớn người trồng vải truyền thống ở Thanh Hà, Lục Ngạn vẫn lâm vào cảnh dở cười dở khóc khi mùa vải chín.
VĂN PHÚC
Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Kinh tế huyện Lục Ngạn, cho biết: “Năm nay trên toàn huyện có khoảng 3.200 lò sấy. Hầu như gia đình nào có khoảng vài chục tấn vải thiều trở lên, cũng tính chuyện xây lò sấy vải thủ công để có thể tích trữ chờ giá lên cao mới bán”. Hiện các chủ lò sấy ở tỉnh ngoài cũng đã bắt đầu tới Lục Ngạn để xây dựng lò sấy. Khảo sát ở các huyện có sản lượng vải thiều lớn như Yên Thế, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Sơn Động… người trồng vải đều tính chuyện sấy vải chứ không bán quả tươi vì giá quá rẻ. Tuy nhiên, do chi phí nhân công, nguyên liệu đều tăng do đó việc sấy vải được coi là biện pháp chủ yếu giải quyết việc ế hàng cũng không khỏi khiến người sấy vải lo đứng lo ngồi không thu hồi được vốn vì rất có thể thị trường vải sấy khô cũng giá rẻ như cho. A.TRƯỜNG |