Bất ổn tại Trường ĐH Hùng Vương TPHCM: Đúng thuốc, “bệnh” mới khỏi

Nguyên nhân phát “bệnh”
Bất ổn tại Trường ĐH Hùng Vương TPHCM: Đúng thuốc, “bệnh” mới khỏi

Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao Trường ĐH Hùng Vương TPHCM hiện đang thu hút nhiều sự chú ý với những chuyện tai tiếng, khiến cả tập thể giảng viên, sinh viên lẫn cấp quản lý cũng bị lôi vào cuộc và đến khi nào sự việc sẽ được giải quyết ổn thỏa? Để trường sớm ổn định và đảm bảo nhiệm vụ đào tạo cho sinh viên - học sinh, hơn bao giờ hết cần một cuộc hội chẩn nghiêm túc để đưa ra phương thuốc chữa trị hiệu quả nhất.

Hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TPHCM yêu cầu bảo vệ mở cửa Phòng hành chính để lấy con dấu nhưng bất thành.

Hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TPHCM yêu cầu bảo vệ mở cửa Phòng hành chính để lấy con dấu nhưng bất thành.

Nguyên nhân phát “bệnh”

Là một trong những người đầu tiên phản đối việc chuyển đổi “thần tốc” sang tư thục và bị cho là người phá hoại trường, ông Trịnh Vũ Dũng, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến nhà trường bất ổn như hiện nay là việc chuyển đổi sang tư thục sai quy định, việc xác định vốn sở hữu tập thể không được tính đúng, tính đủ”.

Giải trình về vấn đề này trước hội nghị cán bộ công nhân viên chức toàn trường (hơn 150 người), TS Nguyễn Văn Lý, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: “Từ khi có Quyết định 703 ngày 19-5-2010 của Thủ tướng về việc chuyển đổi loại hình của trường, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), nhà đầu tư mới đã ngộ nhận khi cho rằng trường đã hoàn toàn chuyển sang tư thục. Và chính từ đây, mọi hoạt động của vị chủ tịch HĐQT trước đây đã lấn sân rất sâu vào các hoạt động của nhà trường và quyền của hiệu trưởng. Ngay cả việc bổ nhiệm, đánh giá nhân sự, khi hiệu trưởng nói được thì chủ tịch HĐQT lúc ấy bảo không…”.

Trở lại vấn đề chuyển đổi từ trường ĐH dân lập sang hoạt động theo mô hình trường tư thục, có thể nói quy trình chuyển đổi của Trường ĐH Hùng Vương quá nhanh.

Ngày 5-5-2009, HĐQT, Ban giám hiệu Trường ĐH Hùng Vương TPHCM đăng thông báo kêu gọi góp vốn xây dựng và phát triển trường. Chỉ 1 tháng sau, trường cùng với 5 nhà đầu tư ký biên bản thỏa thuận góp vốn. Sau đó 4 tháng, trường gửi tờ trình xin ý kiến chỉ đạo chuyển đổi sang loại hình trường tư thục và được Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) có văn bản hướng dẫn theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” là “Bộ đề nghị trường tham khảo, nghiên cứu các nội dung của dự thảo thông tư quy định trình tự, thủ tục chuyển đổi…”. Trong khi đó, Thông tư 20 đến tháng 7-2010 mới ban hành, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2010.

Sau khi ban hành nghị quyết về công nhận góp vốn và các cổ đông (nhà đầu tư), đến tháng 2-2010 trường xây dựng đề án chuyển đổi do ông Lương Ngọc Toản, Chủ tịch HĐQT ký gửi Thủ tướng và Bộ GD-ĐT. Sau đó, ngày 19-5, Thủ tướng ban hành Quyết định 703 về việc chuyển đổi loại hình của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, nêu rõ: “Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Trường ĐH Hùng Vương thực hiện chuyển đổi loại hình từ dân lập sang tư thục theo đúng quy định pháp luật”.

Như vậy, từ khi xây dựng đề án đến khi được công nhận chuyển đổi sang loại hình trường tư thục của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM có quá nhiều uẩn khúc và làm một cách vội vàng. Và chính từ đây, trường đã nảy sinh nhiều bất ổn giữa nhà đầu tư mới với tập thể cán bộ giảng viên và dẫn đến bùng nổ như hiện nay.

Vô hiệu hóa quyền lợi tập thể?

Việc chuyển đổi của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM không những đã làm trước thông tư hướng dẫn, quy trình, thủ tục chuyển đổi (Thông tư 20) mà còn không thực hiện đúng quy định của Thủ tướng, đó là: “Việc chuyển trường ĐH dân lập sang loại hình trường ĐH tư thục phải bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, rõ ràng minh bạch và đúng quy định về mặt tài sản, vốn; bảo đảm quyền lợi chính đáng của những người đã có đóng góp thực sự trong quá trình hình thành và phát triển trường, quyền lợi của người lao động và quyền lợi của người học”.

Trong Quyết định 45 của HĐQT ký ban hành ngày 29-1-2010, việc công nhận vốn góp của các nhà đầu tư có quyền biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất là không chính xác (kết luận Thanh tra TP đã khẳng định). Theo đó, phần tài sản thuộc sở hữu tập thể của trường (tài sản không chia) được xác định chỉ có 17 tỷ đồng (làm tròn số) và do 17 cổ đông làm đại diện. Nhưng thực tế theo báo cáo tài chính của trường đến ngày 31-12-2009 là hơn 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, một chi tiết “lạ” nữa là các cổ đông đại diện cho nhà đầu tư mới có đến 20 người với tổng số vốn là 20 tỷ đồng nhưng tại kết luận thanh tra khẳng định: “Tổng số tiền đầu tư của nhà đầu tư mới được xác định 20 tỷ đồng là không chính xác do tại thời điểm ban hành Quyết định 45, số vốn góp của các nhà đầu tư chỉ 7,6 tỷ đồng”.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 57 do HĐQT trường ban hành ngày 8-1-2010 quy định cổ phần của cổ đông có quyền biểu quyết phải có số vốn góp tối thiểu 1 tỷ đồng trở lên. Nhưng thực tế Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn chỉ góp vốn 920 triệu đồng nhưng vẫn được công nhận có quyền biểu quyết. Đã vậy, kết luận thanh tra cũng khẳng định “trong thực tế không có Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn là cổ đông góp vốn vào trường”.

Như vậy, với hàng loạt sự “mù mờ” trong xác định tài sản tập thể của trường, công nhận vốn góp của nhà đầu tư không minh bạch để tiến hành đại hội cổ đông thông qua chuyển đổi, bầu HĐQT đã khiến tập thể cán bộ giảng viên bất bình. Và chính từ đây, do nhà đầu tư mới được “biến hóa” từ 7,6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng và chiếm quá bán so với 17 tỷ đồng của tập thể nên tiếng nói, quyền biểu quyết của nhà trường đã bị vô hiệu hóa.

Cần “bốc” đúng thuốc 

Có thể nói, bản kết luận thanh tra toàn diện Trường ĐH Hùng Vương của Thanh tra TPHCM cùng những kiến nghị xử lý đã nhận được sự đồng thuận cao của tập thể cán bộ giảng viên, công nhân viên trong trường. Th.S Nguyễn Huy Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Hùng Vương, cho rằng: “Kết luận thanh tra TP đã chẩn đoán chính xác được “bệnh” của trường. Theo sự chỉ đạo của UBND TP, Thanh tra TP đã làm việc công tâm, chỉ ra đúng người, đúng tội”. Tuy nhiên, ông Hùng tỏ ra băn khoăn rằng, lẽ ra đơn vị tham mưu cho cấp quản lý cần đưa ra giải pháp để ổn định trường, đó là: “Ai sai thì kiểm điểm, xử lý, giải quyết nội bộ”.

Trước thực tế này, một cán bộ của trường cho rằng: Các cấp quản lý không thể “thả tay” đối với Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cũng như đối với các trường ngoài công lập như hiện nay. Thực tế của trường là mất đoàn kết nội bộ vì chuyển đổi sai quy định. Do đó, điều quan trọng là phải làm lại cho đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Đại diện cho tập thể người lao động trong trường, ông Trịnh Vũ Dũng, kiến nghị: “Điều quan trọng bây giờ là các cơ quan quản lý giám sát để trường khắc phục những sai sót, chuyển đổi theo đúng quy định. Trong đó, trường sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông để bầu lại HĐQT, chủ tịch HĐQT tạm thời, hiệu trưởng tạm thời chứ không thể giao cho HĐQT hiện nay quyết định vấn đề này”.

  • Đảm bảo quyền lợi sinh viên

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Quốc Anh, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, cho biết: “Ngày 6-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận chủ trì cuộc họp giải quyết các vấn đề liên quan đến Trường ĐH Hùng Vương TPHCM gồm có đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và Văn phòng UBND TP. Sau đó, ngày 9-7, Văn phòng UBND TP có thông báo kết luận chỉ đạo hướng xử lý của Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận. Hiện nay chúng tôi đang chờ kết quả xử lý của địa phương. Sau đó sẽ báo cáo, kiến nghị với Bộ GD-ĐT hướng giải quyết đối với Trường ĐH Hùng Vương TPHCM trên tinh thần đảm bảo tốt nhất cho trường và quyền lợi của người học.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục