Bộ NN-PTNT họp tháo gỡ khó khăn cho lúa gạo ĐBSCL

Mặc dù diện tích lúa năm nay sụt giảm so với năm ngoái, nhưng giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn giảm sâu (có loại giảm 1.300 đồng/kg) vì doanh nghiệp thu mua xong không thể xuất khẩu...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị sáng 7-8
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị sáng 7-8

Sáng nay 7-8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long sau khi Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT báo cáo đề xuất Chính phủ tổ chức thu mua dự trữ lúa gạo cho bà con nông dân. 

Diện tích sụt giảm

 Theo báo cáo tại hội nghị về tiến độ sản xuất lúa hè thu 2021 ở ĐBSCL, đến nay đã kết thúc xuống giống với 1.509.600 ha so với 1.520.000ha theo kế hoạch, đạt 99,32% kế hoạch và ít hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 14.454ha.

Thời điểm hiện tại, lúa hè thu đã thu hoạch 702.000ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 123.300ha; năng suất đạt 57,86 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,97 tạ/ha; sản lượng đạt 4.059.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ 793.000 tấn.

Lúa đang trong giai đoạn chín: 420.000ha, đang giai đoạn đòng trổ: 370.000ha, giai đoạn đẻ nhánh: 18.700ha.

Ước sản lượng thu hoạch trong tháng 8 được khoảng 680.000ha, lũy kế đến tháng 8-2021 là 1.382.000 ha với sản lượng trong tháng 8 đạt 3.808.000ha, sản lượng lũy kế là 7.867.000 tấn.

Dự kiến đến ngày 15-9, kết thúc thu hoạch diện tích còn lại 128.000ha, sản lượng trong tháng ước đạt 651.000 tấn. 

Còn về tiến độ lúa thu đông 2021, Bộ NN-PTNT cho biết, năm nay tại ĐBSCL đã gieo sạ 365.239ha, đạt 53,32 % so với kế hoạch và ít hơn so với cùng kỳ năm trước 15.557ha. Diện tích lúa thu đông xuống giống chậm hơn cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc thu hoạch lúa hè thu bị chậm cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống lúa thu đông. Mặt khác, xe vận chuyển giống không lưu thông được qua địa bàn các tỉnh do thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, nên làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ. 

Giá lúa cũng giảm sâu

 Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương, hiện tại giá lúa gạo và các hàng nông sản khác ở Nam bộ giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Mặc dù các đối tác nhập khẩu ở các nước vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp lại không giao hàng được.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị 

“Nông dân không bán được sản phẩm, nhà máy không mua được hàng, sản xuất xong nhưng lại thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng, hàng hóa tại kho không được khử trùng, giám định kịp thời theo quy định”- Bộ NN-PTNT nêu thực trạng hiện tại. 

Do 2-3 tuần nay xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại cảng Cát Lái (TPHCM) nên lúa gạo từ kho bãi giao ra cảng rất chậm hoặc ra tới nơi nhưng lại không có bốc xếp giao lên tàu biển. Công nhân bốc xếp phải “3 tại chỗ” nên rất khó khăn trong điều kiện trên tàu. 

Tân cảng Sài Gòn là cảng container chính nhưng ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7-2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục, lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc. 

Do ách tắc trong lưu thông, vận chuyển và xuất cảng nên theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng ở ĐBSCL giảm bình quân 133 đồng, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; trong đó có những giống như IR50404 đang giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900 – 1.300 đồng/kg... 

Hiện các công ty thuộc hiệp hội đang cố gắng bao tiêu hết lúa đã ký kết ở Long An, nhưng các diện tích lúa đã bao tiêu ở những tỉnh khác chưa biết sẽ xử lý ra sao.

Do doanh nghiệp khó khăn về xuất khẩu nên theo Bộ NN-PTNT, hiện nay sản lượng thu mua sụt giảm 20-30%, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ” nên không thể duy trì sản xuất; hệ thống sấy lúa, nhà máy xay xát, ghe… không hoạt động được do yêu cầu phải có chứng nhận test nhanh về Covid-19.
 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường lúa gạo ở ĐBSCL

Để hóa giải bế tắc, Bộ NN-PTNT đề nghị giải pháp số 1 hiện nay là ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng: tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, giám định hàng hóa, khử trùng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi như cảng, cơ quan hải quan, văn phòng cấp C/O, kiểm dịch… 

Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, vì hiện nay các chi phí test nhanh và PCR, chi phí ăn, ở cho các lao động “3 tại chỗ” là do doanh nghiệp phải chi toàn bộ. 

“Các quy định mới của các cơ quan chức năng (nếu có) phải theo lộ trình, tránh đột ngột vì doanh nghiệp sẽ không trở tay kịp, nhất là các lô hàng đang trên đường ra cảng” – Bộ NN-PTNT kiến nghị.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 3,6 triệu tấn với trị giá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tin cùng chuyên mục