Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp lãnh đạo các nước đến tham dự khóa họp Đại hội đồng LHQ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp lãnh đạo các nước đến tham dự khóa họp Đại hội đồng LHQ

Bắt đầu chương trình tham dự khóa họp lần thứ 62 Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, chiều và tối 25-9 (tức sáng 26-9 giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp tổng thống các nước Nicaragua, Ecuador, Bosnia Herzegovina, các thủ tướng Guinea và Italia, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL), Ngoại trưởng Slovakia, dự tiếp tân của Tổng thống Mỹ George Bush chào mừng các trưởng đoàn và chiêu đãi của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chào mừng trưởng đoàn các nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp lãnh đạo các nước đến tham dự khóa họp Đại hội đồng LHQ ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Italia Romano Prodi.

Tại các buổi tiếp, lãnh đạo các nước đều mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư; đồng thời khẳng định ủng hộ Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008 - 2009.

Phát biểu tại buổi tiếp Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm ở các cấp nhằm tăng cường hiểu biết về tình hình, tiềm năng của nhau để đi đến thiết lập quan hệ hợp tác và đối tác. Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Nicaragua bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam, đề nghị hai nước sớm thành lập Ủy ban hỗn hợp và ủng hộ Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường...

Tại buổi tiếp Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Amr Moussa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của AL trong việc đoàn kết Arập, thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, giải quyết các xung đột và tranh chấp khu vực; mong muốn tăng cường và mở rộng quan hệ nhiều mặt với các nước Arập, nhất là trên lĩnh vực hợp tác về dầu khí, lao động, thương mại... Tổng Thư ký AL đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam và bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Trung Đông triển khai đầu tư tại Việt Nam...

Bày tỏ vui mừng được gặp Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Bosnia Herzegovina Zeljko Komsic, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, hai bên sớm tiến hành đàm phán, ký kết các hiệp định về hợp tác kinh tế, khuyến khích bảo hộ và đầu tư, tránh đánh thuế hai lần... Nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Bosnia Herzegovina cho rằng, hai nước cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp nhằm học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ và hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực nhất là lĩnh vực kinh tế - thương mại.

Tại buổi tiếp Tổng thống Ecuador Rafael Correa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu phát triển của Ecuador; mong muốn hợp tác với Ecuador trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Tổng thống Ecuador bày tỏ ngưỡng mộ Việt Nam, một dân tộc anh hùng và mong muốn sang thăm Việt Nam trong thời gian tới đây. Thủ tướng và Tổng thống đều nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực thương mại, dầu khí, du lịch...

Tại cuộc gặp Thủ tướng Guinea Lansana Kouyate, hai thủ tướng nhấn mạnh, hai nước đã đoàn kết ủng hộ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, đó là cơ sở rất vững chắc cho sự hợp tác giữa hai nước. Do vậy, lãnh đạo hai nước nhất trí giao cho các bộ, ngành cùng nhau tìm ra các phương thức phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại...Trước mắt, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và y tế.

Trong buổi tiếp Thủ tướng Italia Romano Prodi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực đầu tư, du lịch, lao động, văn hóa và giáo dục - đào tạo. Ngài Romano Prodi bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam và cho rằng, hai bên cần thúc đẩy hơn nữa trên lĩnh vực đầu tư, phấn đấu để Italia trở thành nước đứng đầu về đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp Ngoại trưởng Slovakia Jan Kubis, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ truyền thống, mong muốn tăng cường và củng cố quan hệ hợp tác với Slovakia trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Ngoại trưởng Slovakia cho biết các doanh nghiệp nước này rất mong muốn hợp tác về các dự án năng lượng, hóa chất, phát triển thị trường tài chính, ngân hàng... với Việt Nam.

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã tiếp Ngoại trưởng Litva Petras Vaitiekunas và Ngoại trưởng Sudan Lam Akol Ajawin... Ngoại trưởng các nước đều đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam và ủng hộ Việt Nam vào chức ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc khóa 2008 - 2009.

Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam Andrew Speedy:
Việt Nam khiến các nước đối tác thực sự ngưỡng mộ

Từ khi là thành viên chính thức của Liên hiệp quốc (LHQ) ngày 20-9-1977, quan hệ giữa Việt Nam và LHQ ngày càng được cải thiện và phát triển tốt đẹp. Những thành tựu phát triển và đóng góp của Việt Nam đã khiến các chuyên gia LHQ khâm phục.

Việt Nam đóng vai trò quốc gia đi tiên phong và chủ chốt trong lịch sử phát triển chương trình hợp tác Nam - Nam và đã đóng góp rất nhiều thành công qua việc cử chuyên gia và kỹ thuật viên sang các nước để chia sẻ kỹ năng chuyên môn với các nước này. Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác Nam - Nam với Senegal, Benin, Madagascar, Mali… Các chuyên gia Việt Nam đã giới thiệu với các nước này những phương pháp cải tiến trong sản xuất nông nghiệp, phòng trừ dịch hại, làm vườn và thủy lợi quy mô nhỏ, giúp tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người nông dân… Những cống hiến to lớn của Việt Nam khiến các nước đối tác thực sự ngưỡng mộ.

Quốc vụ khanh phát triển quốc tế Anh quốc Shahid Mailik:
Việt Nam - một hình mẫu cho công cuộc cải tổ LHQ

Chính phủ Anh luôn sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong việc yêu cầu cải tổ các hoạt động của LHQ. LHQ chọn Việt Nam là một trong tám nước đầu tiên trên thế giới thực hiện thí điểm cải cách LHQ ở cấp quốc gia - một nội dung về cải tổ được LHQ rất coi trọng. Tôi tin tưởng rằng sẽ có nhiều điều tích cực từ tiến trình này… Trong vài năm tới, mọi người sẽ thấy những kết quả đạt được ở Việt Nam và sẽ thấy đó là một hình mẫu cho công cuộc cải tổ LHQ.

HỒNG QUÂN - T.T.X.

Thông tin liên quan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến New York dự họp Đại hội đồng LHQ 
Hàng loạt các cuộc gặp song phương

Tin cùng chuyên mục