Phát triển các tập đoàn là cần thiết

Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế cho 8 công ty nhà nước, gồm: Bưu chính - Viễn thông, Than – Khoáng sản, Dầu khí, Điện lực, Công nghiệp tàu thủy, Dệt may, Cao su, Tài chính – Bảo hiểm. Nhưng đối với việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lại chưa có một tiêu chí nào. Việc xây dựng và phát triển mô hình tập đoàn sẽ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên mô hình của 8 tập đoàn kinh tế nhà nước trên hình thành dựa trên cơ sở sắp xếp đổi mới các tổng công ty 90, 91. Như đã biết, mô hình các tổng công ty này cũng có một số bất cập nhất định trong quá trình tổ chức quản lý giữa các tổng công ty và các công ty thành viên. Những bất cập này đã và sẽ được tiếp tục xử lý, đổi mới theo hai hướng: chuyển đổi mô hình cũ thành mô hình công ty mẹ – con, thực hiện theo quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp; còn lại là công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần.

Trong hướng dẫn thí điểm hình thành các tập đoàn kinh tế theo quy định của Chính phủ có việc chuyển đổi tổng công ty, trong đó có mối quan hệ công ty mẹ – con là cơ bản. Ngoài ra, trong tập đoàn còn có hình thức công ty liên kết (dưới 49% vốn nhà nước) thì mối quan hệ giữa công ty mẹ và các công ty liên kết lỏng lẻo hơn. Điều này đặt ra vấn đề, chúng ta phải xử lý như thế nào để các công ty liên kết hoạt động phù hợp với định hướng của tập đoàn. Bởi quan hệ công ty mẹ – con trong tập đoàn đã được đổi mới, khác nhiều so với mối quan hệ tổng công ty với công ty thành viên trước đây. Đó là công ty mẹ có tác động chi phối công ty con theo các quy tắc thị trường (về vốn, công nghệ...) thay vì mối quan hệ mệnh lệnh, hành chính trước đây. Để mô hình mới hoạt động thực sự hiệu quả cần phải giải quyết các vấn đề liên quan như: hiệu quả của hoạt động kinh doanh đa ngành, tổ chức bộ máy, quản trị,...

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, song các tập đoàn kinh tế tư nhân đã được hình thành khá nhiều. Theo tôi đây là quy luật bình thường, nghĩa là các doanh nghiệp được hình thành, phát triển đạt đến trình độ nhất định về năng lực quản lý, tiềm lực tài chính, từ đó hình thành nhóm công ty – đó là tập đoàn. Đây là sự phát triển hợp lẽ, là tín hiệu đáng mừng.

Cơ sở pháp lý cho việc hình thành tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, ít nhất là so với các nước trong khu vực, đã có những quy định khá đầy đủ. Vấn đề là ở bản thân các tập đoàn. Theo tôi, ở cả hai khu vực: nhà nước và dân doanh, cần căn cứ vào thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp để xây dựng một thỏa thuận hoặc một cơ chế... để thống nhất giữa các thành viên trong tập đoàn với nhau sao cho hoạt động của từng đơn vị vừa đảm bảo được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vừa đảm bảo được mối quan hệ liên kết và phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, do cấu trúc đặc thù của tập đoàn kinh tế nên vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng đối với việc hình thành và phát triển tập đoàn, đặc biệt trong chính sách về thuế, về chống độc quyền... Nếu không tính toán hợp lý thì việc xây dựng và thực thi những chính sách này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các tập đoàn kinh tế.

Xuân Lan
(Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục